Trang chủVăn hóa“Vũ điệu dâng trời” của người CơTu

    “Vũ điệu dâng trời” của người CơTu

    Nếu đồng bào Giẻ Triêng tự hào với loại hình nhạc cụ “Đinh Tút”, người Xê Đăng hân hoan với “Đàn Suối”, thì đồng bào Cơtu vùng rừng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam lại đang rất tự hào về điệu múa “tân tung da dă” hay còn gọi là “vũ điệu dâng trời”của mình.

    Nếu đồng bào Giẻ Triêng tự hào với loại hình nhạc cụ “Đinh Tút”, người Xê Đăng hân hoan với “Đàn Suối”, thì đồng bào Cơtu vùng rừng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam lại đang rất tự hào về điệu múa “tân tung da dă” hay còn gọi là “vũ điệu dâng trời”của mình.

    Điệu múa “tân tung da dă”.

    Những ngày diễn ra Hội thi trống chiêng lần thứ nhất của huyện Tây Giang, không khí nơi đây như sôi động hẳn lên, bởi những “vũ điệu” do các nghệ nhân, những chàng trai, cô gái Cơtu mang đến. Tất cả đã tạo nên một thanh âm rộn ràng, vui nhộn giữa núi rừng Trường Sơn hùng vỹ. Nét nổi bật của hội thi trống chiêng là các lễ hội lớn của người Cơtu như: lễ hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà gươl, lễ hội Prơ Ngoooch… đã được phục dựng thành công. Đây chính là tiền đề để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơtu ở vùng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Trong bất kỳ lễ hội trọng đại nào của bản làng C’tu, không thể thiếu vắng điệu múa tân’tung, da’dă.

    Điệu múa Tân’ tung.

    Tân’ tung theo nghĩa của tiếng C’tu là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa… Đó là khát vọng chinh phục vũ trụ muốn đưa con người lên trên tầm cao mới, cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa lớn lao ấy ta hiểu điệu múa này thể hiện rất nhộn nhịp, rất mạnh mẽ và hùng dũng. Nó chỉ dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, những lớp kế tiếp gìn giữ và bảo vệ quê hương núi rừng. Trong điệu múa tân’tung đàn ông mặc khố, áo chuồng vải dệt thổ cẩm, chân đi trần lết đất, tay nắm chặt cây khiên, cây giáo, cây nỏ, cây mác hay cay dụ, hoặc không thì nắm chặt tay người bạn bên cạnh cùng tung đôi tay lên cùng múa hú một cách tự nhiên, hùng dũng, mạnh mẽ thể hiện rõ sức mạnh hùng hồn của trai làng, không sợ đương đầu với khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù đến phá hoại buôn làng, động viên bà con yêu cuộc sống yêu bản làng, núi rừng và nhắn gửi bằng thông điệp văn hóa văn nghệ:“Hãy vui lên cuộc sống bình yên sẽ mãi mãi với màu xanh của núi rừng, bản làng quê cha đất tổ”.

    Điệu múa Da’dă.

    Còn Da’dă theo nghĩa C’tu là thẳng hàng, nhịp điệu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn đất nghĩa trời, trung thành với người, hai bài tay hưng lên như mừng rỡ đón chờ, mắt nhìn thẳng, miệng tủm tỉm cười duyên, tràn đầy những yêu thương, nâng đỡ những con người bất hạnh, yếu hèn. Trong điệu múa dă’dă ta dễ thấy đôi chân nhún nhảy thẳng hàng, đôi tay đưa hứng ra hai bên vuông góc và song song với sống cổ nó còn thể hiện sự đứng đắn, chung thủy và không khuất phục của người phụ nữ C’tu nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung trước kẻ thù gian ác, bạo tàn . Với ý nghĩa đó điệu múa da’dă dành luôn cho phái đẹp vốn tính thùy mị, thương chồng yêu con, yêu núi rừng đất nước, thầm lặng hy sinh tất cả phận gái của mình vì sự sinh tồn, phát triển của giống nòi, dân tộc. Trong điệu múa da’dă con gái  thường mặc váy dệt bằng thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần lộ cổ đeo cườm, chân đi trần nhón gót lên lết theo chiều kim đồng hồ, múa uyển chuyển nhẹ nhàng, đều đặn và quyến rũ. Đặc biệt trong điệu múa da’dă một điều ít ai biết tới đó là giữa cánh chỏ tay trên luôn thẳng hàng với gót bàn chân đang nhún nhảy dưới mặt đất, chính từ sự “ràng buộc” đó tạo cho những bước đi luôn đều đặn theo một quy tắc  “đặc trưng” của điệu múa da’dă cổ kính và đặc sắc.”

    Trong điệu múa tân’tung, da’dă, thường thì con gái ra múa trước một vòng, hết lượt con gái tiếp nối hàng con trai. Song luôn có hai hàng sắp xếp theo trình tự  nữ đi trước, sau là nam, vòng trong là nữ vòng ngoài là nam. Ở đây nó cho thấy rằng dân tộc C’tu tuy không phải theo mẫu hệ nhưng luôn dành cho phái nữ sự ưu ái, ưu tiên hơn bao giờ hết, ngay cả trong văn hóa nghệ thuật đã thể hiện rất sâu sắc điều đó. Trong sinh hoạt gia đình, đi nương đi rẫy hay  hội họp buôn làng thì người phụ nữ, người vợ hiền luôn đi trước đàn ông, người chồng, ở đây nó còn thể hiện sự bình đẳng, đùm bọc, che chở, thương yêu của đàn ông với đàn bà con gái.

    Trong rất nhiều điệu múa, thì người C’tu thích nhất là điệu múa Tân’ tung của Nam giới và da’ dă của nữ giới. Bởi đây là điệu múa mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh cũng như trong cuộc sống hàng ngày của người C’tu. Người Cơ-tu tin rằng thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn từ đất rừng, đất rẫy, từ con nước và Giàng trời cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống bền với nắng núi, mưa ngàn. Và điệu múa “tân’ tung da’ dă” hay vũ điệu dâng trời…mang hàm ý đó.

    Vũ điệu tân’ tung da’ dă gắn bó với cộng đồng, xuất hiện trong tất cả sinh hoạt đời sống, lễ nghi của người C’tu. Và có thể nói rằng không có một người dân C’tu nào ở các huyện miền núi phía Tây Quảng nam xa lạ với vũ điệu này. Và đối với Quảng Nam, trong thời điểm hiện tại, vũ điệu “Tân’ tung da’ dă” là một trong những loại hình nghệ thuật đáng trân trọng, giữ gìn và phát huy. Và theo thông tin mới nhất, hiện tại UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng trung ương công nhận điệu múa “tân’ tung da’ dă” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Đinh Hài-giám đốc Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Chúng tôi đã tổ chức xây dựng các chương trình nhằm giới thiệu quảng bá loại hình múa của người Cơ tu và chúng tôi cũng hy vọng rằng, sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ làm cho người dân cơ tu tự hào thêm và cũng góp phần để chúng ta giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc ở Quảng Nam.

    Bao đời nay, điệu múa “Tân’ tung da dá” đã tồn tại và thấm sâu vào tiềm thức của đồng bào Cơtu ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Do đó, trong quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt truyền thống, người Cơtu luôn tự hào về “vũ điệu dâng trời” này. Và họ tin rằng, đây là một nét văn hóa khác biệt giữa dân tộc Cơtu với các dân tộc anh em khác. Giờ đây, trong quá trình chờ đợi công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đồng bào Cơtu đang cố gắng giữ gìn và phát huy hơn nữa nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, và như vậy điệu múa tân tung da dặ, sẽ được lưu truyền và tiếp tục bay lên nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ.

    Ngô Hòa

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU