Trang chủChính TrịGiám sát bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu tại Tây Giang

    Giám sát bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu tại Tây Giang

    Sáng 10/5, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do ông Đinh Văn Hươm, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Tây Giang về tình hình thực hiện Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.

    Ông Đinh Văn Hươm, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chủ trì buổi làm việc

    Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định triển khai cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh, UBND huyện Tây Giang đã tập trung tuyên truyền, phổ biến cơ chế đến các ngành, địa phương và các đối tượng áp dụng.

    Đối với cây Sâm Ngọc Linh, UBND huyện đã giao Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện trực tiếp thực hiện mô hình di thực Sâm Ngọc Linh tại xã Ch’ơm (năm 2021 tỉnh đã hỗ trợ 1.000 cây 01 năm tuổi). Qua hơn 02 năm di thực và trồng thử nghiệm, đến nay số lượng cây sống là 850 cây, trong đó 95 cây có thân lá, 755 cây hiện nay đang nảy mầm do mới qua thời kỳ ngủ đông, chết 150 cây do chuột và côn trùng phá hoại.

    Đối với cây dược liệu chủ lực trên địa bàn huyện, năm 2023, UBND huyện giao Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện xây dựng 02 vườn ươm dược liệu, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện và bắt đầu gieo ươm theo đúng Dự án được phê duyệt.

    Theo Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh, Tây Giang có 16 hộ thuộc địa bàn 5 xã Gari, Axan, Tr’hy, Lăng và Atiêng với diện tích thực hiện 18 ha, chủ yếu hỗ trợ giống Đảng sâm và Ba kích. Đến 30/12/2023 tất cả 5 xã đều giải ngân kinh phí đạt 100%.

    Ngoài ra, Tây Giang triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay đã thực hiện 04 vườn mẫu với diện tích 5 ha trên địa bàn 4 xã Lăng, Tr’hy, Gari, Ch’ơm, tổng kinh phí từ ngân sách huyện hơn 413 triệu đồng, kinh phí đối ứng của người dân hơn 498 triệu đồng.

    Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Tây Giang cho rằng, qua thời gian triển khai đến nay các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nắm được quy trình, cách làm. Tuy nhiên hiện nay các xã gặp lúng túng trong thủ tục đăng ký thực hiện; một số cây trồng bản địa của địa phương (Ba kích, Đảng sâm) chưa được công nhận cây đầu dòng để lưu hành; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng gặp khó khăn trong việc lập thủ tục xác định nguồn gốc giống…

    Huyện Tây Giang kiến nghị, sớm ban hành cơ chế, chính sách và các hướng dẫn thực hiện chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái; hướng dẫn hồ sơ, quy trình xác định nguồn gốc giống (giống bản địa); giới thiệu các đơn vị kinh doanh và sản xuất giống đủ điều kiện; hỗ trợ lập thủ tục, hồ sơ công nhận cây đầu dòng đối với một số cây trồng chủ lực (Ba kích, Đảng sâm)…

    Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận đánh giá cao cách làm phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu của huyện. Đoàn giám sát chia sẻ thêm nhiều cách làm mới, tiếp thu các kiến nghị đề xuất của địa phương và tổng hợp đề xuất cấp trên có hướng giải quyết trong thời gian đến.

    Hiền Thúy

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU