Trang chủVăn hóaNgười “thổi hồn” vào dân ca Cơ-tu…

    Người “thổi hồn” vào dân ca Cơ-tu…

    Tây Giang, vùng đất phía Tây xứ Quảng, từ lâu đã trở thành “miền” mơ tưởng của biết bao tâm hồn khát khao được trải lòng cùng thiên nhiên hùng vĩ, cùng nếp sống nguyên sơ để ngân rung những đồng cảm, những giao hòa bất tận. Ở nơi ấy, chúng tôi đã gặp anh – nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng, người hơn mười năm trôi qua, đã lặng lẽ “thổi hồn” vào những bài dân ca Cơ-tu…

    Tây Giang, vùng đất phía Tây xứ Quảng, nơi bạt ngàn rừng núi, bảng lảng mây bay khắp sườn non mỗi sớm, mỗi chiều, nơi đầy quyến rũ với những ngày hội làng cùng điệu tung tung- za zá giục giã bước chân trai gái Cơ-tu trong ánh lửa bập bùng bên mái gươl làng…từ lâu đã trở thành “miền” mơ tưởng của biết bao tâm hồn khát khao được trải lòng cùng thiên nhiên hùng vĩ, cùng nếp sống nguyên sơ để ngân rung những đồng cảm, những giao hòa bất tận. Ở nơi ấy, chúng tôi đã gặp anh- nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng, người hơn mười năm trôi qua, đã lặng lẽ “thổi hồn” vào những bài dân ca Cơ-tu…

    Nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng sinh năm 1955 tại Hải Dương, anh tự nhận mình chưa qua trường lớp âm nhạc, nhưng lại có một niềm đam mê cháy bỏng với loại hình nghệ thuật này. Một thời tuổi hoa niên từng sống với quê hương Kinh Bắc hào nhoáng với những làn điệu dân ca quan họ mê đắm lòng người. Cũng từ đó, vốn quý âm nhạc truyền thống đã ngấm vào anh như là duyên nợ. Có lẽ vì thế mà, năm 2006, trong một lần vào thăm người thân ở Tây Giang, Vũ Huy Hoàng bị quyến rũ bởi những làn điệu dân ca của đồng bào Cơ-tu nơi mảnh đất xinh đẹp này . Những ngày đầu khi đến với vùng núi cao Tây Giang, anh gặp không ít khó khăn trong nếp sinh hoạt, đi lại và đặc biệt là giao tiếp với người địa phương vì không biết tiếng cơtu. Nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng thừa biết, để sáng tác ra được những ca khúc hay phục vụ đồng bào cơtu nói riêng cũng như người yêu nhạc truyền thống Cơ-tu nói chung thì cần phải biết tiếng cơtu và hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào.  Nhạc sỹ Huy Hoàng đã lặn lội đến những buôn làng biên giới như Axan, Ga ry, Tr,hy, Ch’ơm…để học từng con chữ của người đồng bào. Ông còn mày mò tìm hiểu những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca còn trong dân chưa phổ biến. Đêm đêm bên bếp lửa bập bùng người nhạc sĩ lại hóa thành người con của núi rừng qua từng điệu nhảy, tung tung da dá, rồi lại những đêm ngây ngất trong men say của chén rượu tr’đin, sáng dậy theo chân đồng bào cơ tu lên nương, lên rẫy…Sau nhiều lần đi thực tế, ông đã  nghiên cứu, sưu tầm, cải biên, đặt lời và sáng tác ca khúc dựa trên các chất liệu dân gian của địa phương. Và rồi những làn điệu dân ca Cơ tu do ông đặt lời đầu tiên ra đời như : Tổ ấm,  trai gái cơ tu, cô gái trên nương, Tây Giang xinh đẹp…được đông đảo người dân đón nhận một cách tích cực và trở thành những bài hát nằm lòng của đồng bào cơ tu.

    Từ thành công bước đầu với những ca khúc khai thác âm hưởng dân ca Cơ-tu, nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng đã  cho ra đời hơn 20 bài dân ca được thu thanh phát sóng trên Đài Tiếng Nói Việt Nam. Qua nhiều năm gắn bó với Tây Giang nhạc sĩ cho biết : Cái đọng lại trong tôi nhiều nhất ở mảnh đất Tây Giang là tình người của đồng bào cơ tu, đi đến đâu cũng được bà còn đón chào một cách nồng nhiệt, mỗi khi có khách đến người ta lai vui vẻ, tươi cười niềm nở, dành những gì tốt nhất cho khách. Chính những điều ấy làm cho mình cần phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để cho ra đời những ca khúc hay phục vụ bà con”. Tính đến thời điểm hiện nay, Đài VOV và huyện Tây Giang đã cho thu thanh được hơn 50 bài dân ca Cơtu do ông sưu tầm và viết lời dùng để phát sóng và làm đĩa nhạc. Ngoài ra anh còn sáng tác khá nhiều ca khúc mang tính thời sự phục vụ cho công tác chính trị của địa phương như đại Hội  Đại đoàn kết các dân tộc thiểu số, đại hội TDTT, lễ hội của huyện… như : Tây Giang vang mãi bài ca anh hùng, Toàn dân Tây Giang làm theo lời Bác, Khúc ca giữa đại ngàn, Tình nơi biên cương…

    Đáp lại những tình cảm của những người còn núi rừng Tây Giang, mới đây trong chuyến đi thực tế về xã Axan, nơi có nhiều di tích lịch sử, nơi mà con người mãnh đất có rất nhiều cái đẹp, đặc trưng cho vùng đất Tây Giang, có ruộng bậc thang trải dài chân núi, có những rừng thông rất đẹp, cảnh và tình rất nên thơ, nhạc sĩ đã bắt được cái hồn trong bài thơ  Bài ca Axan của ông Bríu Liếc (Uỷ viên dự khuyết Trung Ương Đảng, Bí Thư huyện ủy Tây Giang, một người con của mãnh đất Axan) và cho ra đời ca khúc Bài ca A xan được rất nhiều người ưa thích. Trong dịp về với các lễ hội tại buôn làng của người cơ tu, thấy được tình người qua từng lễ hội, tác giả lại cho ra đời ca khúc Về làng cơ tu nói lên tình cảm của người với con người, của người với quê hương.

    Có thể nói rằng nhạc sĩ Huy Hoàng đã sưu tầm, đưa hơi thở cuộc sống của chính con người Cơ tu vào trong từng ca khúc, viết lại lời mới cho dân ca, làm cho dân ca cơ tu như được sống lại và rồi đến bây giờ rất nhiều bà con cơ tu ở các làng khác nhau trên mảnh đất Tây Giang cũng như đồng bào Cơ tu các huyện trong và ngoài tỉnh hay bà con Cơ tu bên nước bạn Lào đều thuộc  nằm lòng các bài hát dân ca của nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng.  Nhạc sĩ cho biết trong thời gian đến anh đang ấp ủ cho ra ca khúc viết về việc, bảo vệ rừng bảo vệ sinh thái, môi trường. Mong rằng những dự định của nhạc sĩ sớm hoàn thành và sáng tác nhiều hơn nữa về mãnh đất và con người Tât Giang thân yêu.

    Ngô Hòa

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU