Trang chủPhóng sựVề quê hương cách mạng Tân Trào

    Về quê hương cách mạng Tân Trào

    Nhân Kỷ niệm 69 năm cách mạng tháng 8.1945, phóng viên Đài PT-TH Quảng Nam có dịp về với Tân Trào – Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây cách đây 69 năm đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đã làm thay đổi cả vận mệnh dân tộc đặc biệt đó là Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa từ ngày 13 đến 15.8.1945; Quốc dân Đại hội đã bầu Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca; đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng quân đầu tiên tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội.

     

    lan na nua

    Lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc.

     

    1. Khu di tích lịch sử Tân Trào gồm 177 di tích gắn liền hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương thời tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Lán Nà Lừa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22.8.1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

    Trong những ngày này từng dòng người từ mọi miền đất nước lại đổ về đây để hiểu hơn địa danh “Thủ đô kháng chiến Tân Trào”, để hiểu hơn tiếp sau những ngày “cháo bẹ rau măng” ở Pắc Bó, Cao Bằng, Bác Hồ đã phải sống trong điều kiện hết sức gian khổ bữa ăn chỉ có măng rừng chấm muối vừng, cơm chan nước chè xanh để lãnh đạo toàn dân làm nên cách mạng Tháng Tám bằng một quyết tâm sắt đá: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm giành cho được độc lập”.

     

    dinhtt

    Đình Tân Trào.

     

    2. Đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào cách Lán Nà Lừa nơi Bác ở và làm việc chỉ vài trăm mét. Cũng như bao ngôi đình ở miền núi, đình Tân Trào là kết quả lao động, sản phẩm nghệ thuật, sáng tạo của nhân dân ở đây. Song đình Tân Trào có giá trị đặc biệt bởi Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi họp Quốc dân Đại hội vào ngày 16 và 17.8.1945. Hội nghị đã phát động phong trào giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để đánh đuổi Nhật- Pháp “Lập nên một Chính phủ cách mạng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính phủ đó do Quốc dân Đại hội cử lên”. Dự đại hội tại đình Tân Trào có 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc –Trung – Nam. Tại đại hội Bác được bầu vào Đoàn chủ tịch với tên gọi kính yêu Hồ Chí Minh.

    Có thể nói Quốc dân Đại hội Tân Trào là mốc son chói lọi mãi khắc ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Quốc dân Đại hội Tân Trào được xem là hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc.

    3. Sáng ngày 16.8.1945, thi hành mệnh lệnh của của Uỷ ban khởi nghĩa, lễ xuất quân được cử hành dưới bóng đa Tân Trào. Có mặt trong lễ xuất quân là đơn vị chủ lực của Quân giải phóng, hạt nhân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Bác Hồ chỉ thị thành lập vào ngày 22.12.1944. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân dưới sự chứng kiến của các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường, tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về cướp chính quyền ở Hà Nội. Từ giờ phút đó cây đa Tân Trào cũng như đình Tân Trào trở thành một trong những biểu tượng hào hùng của cách mạng Tháng Tám.

     

    cay da tt

    Cây đa Tân Trào.

     

    Mỗi một người dân nước Việt mỗi khi nhớ về Bác Hồ -Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mỗi khi đến Tuyên Quang, nhớ về thủ đô gió ngàn kháng chiến Việt Bắc, đều không thể nào quên những năm tháng cách mạng tháng 8 hào hùng của “chiếc nôi cách mạng” và dân tộc.

     

    Vinh Quang-Văn Trường- Ngô Hoà

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU