Trang chủPhóng sựHình thành làng nghề mới trồng nấm

    Hình thành làng nghề mới trồng nấm

    Hiện nay nghề trồng nấm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Riêng đối với huyện Thăng Bình đang phát triển mạnh nghề trồng nấm tại xã Bình Tú. Đây được coi như một làng nghề mới và người trồng nấm có thu nhập cao và thường xuyên hơn so với sản xuất lúa màu.

     

    trong nam

    Cán bộ  phòng NN & PTNT hướng dẫn bà con cách trồng nấm.

     

     

    Vợ chồng anh Phan Tấn Mỹ và chị Lê Thị Sơn ở thôn Tú Ngọc B thuộc số những người đầu tiên ở xã Bình Tú (Thăng Bình) chọn nghề trồng nấm để phát triển kinh tế gia đình. Từ quy mô ban đầu 4 trại sản xuất nấm rơm vào năm 2001 đến nay, anh Mỹ chị Sơn đã mở rộng thành 10 trại. Mỗi trại có thể làm được 4 vụ mỗi năm. Để có nấm thu hoạch bán ra quanh năm, anh Mỹ tiến hành luân canh gối vụ các trại nấm. Nhờ trồng nấm, anh chị đã làm được nhà cửa khang trang và đầu tư cho con ăn học; đồng thời giải quyết việc làm cho 5 lao động tại địa phương lúc nông nhàn với mức thu nhập mỗi người khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Phan Tấn Mỹ cho biết: Thu nhập mấy năm nay cao hơn mấy năm trước, đầu ra sản phẩm mạnh hơn nhiều…, nấm rơm được thu mua tận nhà, mỗi tháng gia đình tôi thu 400 kg, giá bán hiện nay 80 ngàn đồng kg, sau khi trừ các khoảng chi phí kiếm ít chi cũng 15 triệu đồng/tháng. Cũng theo ông Mỹ thì để nấm phát triển tốt, cho năng suất cao thì phải chăm sóc kỹ, mùa nắng và mùa mưa đều có cách làm khác nhau để đảm bảo nấm phát triển tốt, tránh bất lợi của thời tiết làm giảm sản lượng.

    Cũng ở thôn Tú Ngọc B, anh Võ Văn Tống chọn đầu tư trồng nấm sò và nấm linh chi. Với 3 trại nấm quy mô nhỏ, anh Tống coi đây như là việc tận dụng công dư thừa của cả nhà, sau những lúc lo xong công việc đồng án cho 12 sào ruộng. Tuy vậy gần 2 năm qua, mỗi tháng gia đình anh cũng có thu nhập từ trồng nấm khoảng 3,5 triệu đồng trở lên. Cũng như nhiều hộ trồng nấm khác, anh Tống rất muốn phát triển quy mô sản xuất nấm. Anh Võ Văn Tống cho rằng : Trồng nâm không quá khó, lại tranh thủ lúc nông nhàn nên có công ăn việc làm quanh năm, nhờ trồng nấm mà gia đình tôi tăng thu nhập, tích lũy nuôi con ăn học. Theo tôi có khó hiên nay đối bà con trồng nấm nguồn vốn để mở rộng sản xuất, ảnh hưởng thời tiết bất thường, nắng nóng gay gắt, lạnh kéo dài cũng khó đạt năng suất cao. Nếu như được sự hỗ trợ của các công ty giống và trung tâm khuyến nông thì tôi muốn được vay ít vốn và trang bị thêm kiến thức để mở rộng trang trại trồng nấm …

    Theo ông Trịnh Xuân A – Phó chủ tịch UBND xã Bình Tú (Thăng Bình): Đến nay, cả xã Bình Tú có 26 hộ trồng nấm các loại theo mô hình gia trại, hầu hết là nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi… Người trồng nấm có thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa, thu nhập mỗi lao động trồng nấm đạt gần 12 triệu đồng/năm. Đây là cơ sở để địa phương hình thành tổ hợp tác sản xuất nấm. Địa phương làm tốt hơn công tác định hướng thị trường, đầu tư thêm quy trình kỹ thuật và công nghệ sản xuất cũng như từng bước giải quyết đầu ra ổn định cho bà con. Ông Trịnh Xuân A – Phó chủ tịch UBND xã Bình Tú (Thăng Bình) cho biết thêm: Chúng tôi đã làm việc với Trung tâm giống tại Điện Ngọc liên kết lại để thành lập 1 tổ sản xuất nấm. Bà con nông dân tại địa phương sẽ được chuyển giao hướng dẫn kỹ thuật sản xuất trước rồi sau đó hình thành sau. Trong tương lai chúng tôi cũng sẽ lập được tổ dịch vụ này. Trạm khuyến nông huyện sẽ tổ chức tập huấn cả thời vụ theo chu kỳ cho người trồng nấm, bước đầu còn khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm liên kết hình thành tổ dịch vụ để hỗ trợ kỹ thuật người trồng nấm, tìm đầu ra ổn định hơn…

    Ông Nguyễn Văn Hương – Trưởng phòng NN & PTNT (Thăng Bình) cho biết: Chúng tôi tập trung vào sản phẩm nông nghiệp có đầu ra tốt nhất như rau sạch, hay nấm. Trước tiên địa phương tập trung liên kết với các công ty giống để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, tìm đầu ra cho rản phẩm từ các siêu thị, chợ đầu mối, các đơn vị có nhu cầu sử dụng thực phẩm lớn. Từ cơ sở này chúng tôi tiến hành xây dựng thành các làng nghề, thành lập tổ hợp tác trồng nấm để thuận lợi trong định hướng sản xuất, người nông dân giúp nhau cùng làm giàu.

    Hiện nay, với việc phát triển nghề trồng nấm, tuy vất vả hơn làm lúa nhưng là một nghề có thu nhập cao, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất tại một số địa phương của huyện Thăng Bình, chuyển dịch dần cơ cấu lao động, nâng cao mức thu nhập cho cư dân, xây dựng nông thôn mới.

    Việt Hảo – Tấn Châu

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU