Trang chủChưa được phân loạiCơ hội mới cho cộng đồng làng Mỹ Sơn

    Cơ hội mới cho cộng đồng làng Mỹ Sơn

    Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn với mô hình dịch vụ lưu trú homestay và tour thám hiểm rừng núi vừa chính thức đi vào hoạt động người dân và chính quyền địa phương nơi đây kỳ  vọng về một cơ hội mới cho cộng đồng làng.

    Năm 1999, cùng với phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới. Mặc dù vậy, 15 năm qua, người dân sinh sống quanh khu vực này gần như chưa được hưởng lợi nhiều từ ngành du lịch vì hầu hết khách du lịch chỉ đi thăm Khu di tích Mỹ Sơn trong ngày.  Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn với mô hình dịch vụ lưu trú homestay và tour thám hiểm rừng núi vừa chính thức đi vào hoạt động người dân và chính quyền địa phương nơi đây kỳ  vọng về một cơ hội mới cho cộng đồng làng. 

    Khai trương làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn.

    Gia đình anh Võ Văn Nhứt và 40 hộ của làng Mỹ Sơn lần đầu tiên biết đến dịch vụ du lịch này,  công việc mới mẻ, lại tiếp xúc chủ yếu với người nước ngoài, dù rất hào hứng, song những thành viên trong gia đình anh vẫn phải cố gắng rất nhiều. Dù đã chính thức đi vào hoạt động, song anh Nhứt và những người dân làng Mỹ Sơn vẫn vừa học vừa làm và họ vẫn tin rằng với những nét đôn hậu, chân chất và lối sống mộc mạc của làng quê, du khách đến với làng sẽ được hài lòng.

    Anh Võ Văn Nhứt – Thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên cho biết: Mặc dù gặp những khó khăn nhất định, nhưng tôi nghĩ, với du khách đến đây sẽ thích. Chúng tôi sẽ không ngần ngại giới thiệu với du khách về những nét văn hoá, những món ăn dân dã, mộc mạc.

    Nằm sát với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, làng du lịch công đồng Mỹ Sơn đã có 40 hộ tham gia. Để đảm bảo việc khai thác du lịch dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả và mang tính bền vững cao, trước mắt, Tổ chức ILO kêu gọi từ các nguồn tài trợ và đầu tư cho 5 hộ xây dựng nhà lưu trú, công trình vệ sinh, chăn ga gối đệm… phục vụ du khách với tổng số tiền 15.000 USD. Để có được những mô hình thí điểm này, những người thực hiện dự án cũng đã làm rất nhiều việc, bởi với người dân, thì đây thật sự là một việc chưa từng nghĩ tới.

    Chị Nguyễn Thị Huyền – Điều phối viên Quốc gia ILO Văn phòng Quảng Nam: Chúng tôi đã triển khai rất nhiều công đoạn, bởi với người dân, đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ. Từ việc tiếp cận mô hình, bày tỏ mối quan tâm, rồi đi đến tập huấn nâng cao trình độ quản lý cũng như phương thức phục vụ du khách và ký kết hợp đồng với các đơn vị lữ hành, đến nay Làng du lịch cộng đồng đã đi vào hoạt động.

    Làng du lịch cộng đồng được đầu tư thành điểm tham quan du lịch sâu trong đất liền nhằm tận dụng lợi thế của địa phương. Với dịch vụ homestay tức lưu trú tại nhà, du khách được hòa mình với cuộc sống của người dân hỏi và nghe thêm những truyền thuyết huyền bí về Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, ngoài những dịch vụ ẩm thực, du khách còn tham gia các dịch vụ như leo núi, chèo thuyền xung quanh khu vực hồ Thạch Bàn mang đến không gian thanh bình, thoải mái…

    Ông Trần Phú – Phó chủ tịch UBND xã Duy Phú, Duy Xuyên tỏ ra rất lạc quan với mô hình du lịch này: Ngoài 5 hộ đang thí điểm mô hình này thì còn 49 hộ còn lại rất hưởng ứng, họ đang từng bước tiếp cận và tự đầu tư để làm mô hình này.

    Nối tiếp mô hình du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, tháng 6 tới, huyện miền núi Đông Giang cũng sẽ khai hai điểm du lịch cộng đồng tại làng Bhohoong và Dhroong của người Cơtu. Với các mô hình làng du lịch cộng đồng như này, Festival Di sản Quảng Nam 2013 các mô hình này được thử nghiệm hợp tác công – tư, với sự liên kết giữa chính quyền, cộng đồng và một công ty du lịch lữ hành địa phương.

    Hiền Viên – Trung Hiếu

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU