Trang chủChính TrịKhởi động dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên – Tỉnh Quảng Nam

    Khởi động dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên – Tỉnh Quảng Nam

    Sáng 11.9, tại thành phố Tam Kỳ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã tổ chức hội nghị khởi động dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Nam. Tham dự hội nghị có ông Trần Ngọc Hùng – Vụ trưởng vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ kiêm giám đốc Ban quản lý dự án địa phương, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam.

     

    hinh nnnn

    Quang cảnh hội nghị.

    Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được thực hiện theo Hiệp định tài trợ được ký kết vào ngày 24.4.2014 giữa chính phủ Việt Nam và đối tác. Dự án do Bộ KHĐT làm cơ quan chủ quản, UBND các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Nam là chủ dự án. Mục tiêu phát triển của dự án là cải thiện cơ hội sinh kế cho cộng đồng nghèo tại 130 xã thuộc 26 huyện của 6 tỉnh nói trên. Thời gian thực hiện dự án 6 năm từ 2014 đến 2019, với tổng mức vốn vay là 150 triệu USD. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các huyện thụ hưởng dự án chiếm khoảng 49%, với tổng dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số.

    Quảng Nam có 15 xã thuộc ba huyện Nam thụ hưởng dự án gồm Cà Dy, Tà Bhing, Chà Val, Đăc Pre, Đăc Pring (Nam Giang), Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Nam, Trà Don (Nam Trà My), Phước Công, Phước Chánh, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Kim (Phước Sơn). Tổng vốn thực hiện dự kiến 12,1 triệu USD, trong đó vốn vay 11 triệu USD, vốn đối ứng 1,1 triệu USD. Mục tiêu dự án nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo trong vùng dự án với khoảng 7.500 hộ được hưởng lợi.

    Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu lưu ý Ban quản lý dự án của tỉnh và ba địa phương Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang cần hết sức trách nhiệm trong triển khai nhằm đảm bảo dự án thực hiện đúng mục đích theo các hợp phần cụ thể. Có cơ chế cung cấp thông tin công khai, minh bạch về dự án đến tất cả các cơ quan, chủ thể, đơn vị và công chúng nói chung. Đồng thời xây dựng được kênh thông tin 2 chiều giữa người hưởng lợi và các đơn vị quản lý dự án đảm bảo người dân có thể thông tin kịp thời về các hoạt động của dự án, tăng cường vai trò giám sát của người dân và cộng đồng.

     

    Văn Trường – Trần Đức

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU