Trang chủXã hộiQuảng Nam ghi nhận hơn 13.700 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất miền Trung

    Quảng Nam ghi nhận hơn 13.700 ca mắc sốt xuất huyết, cao nhất miền Trung

    Sáng nay 3/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) Dengue.

    Toàn cảnh buổi làm việc

    Lãnh đạo ngành y tế cho biết, thời gian qua công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo phương châm: đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; Phân công thành viên trong BCĐ phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh theo dõi công tác tiêm vắc xin của từng địa phương; tiến hành kiểm tra thường xuyên tại các địa phương và điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19. Riêng huyện Núi Thành đã có công văn xin điều chuyển 15.930 liều vắc xin. Nguyên nhân do triển khai tiêm chủng mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp.

    Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue, tính đến nay cả nước có gần 300 ngàn ca mắc, trong đó 112 ca tử vong. Hiện, tình hình dịch SXH vẫn đang có xu hướng gia tăng. Một số tỉnh có số ca bệnh gia tăng mạnh, là: Quảng Nam, Bình Thuận, Đà Nẵng…

    Bệnh SXH tăng cao tại Quảng Nam

    Riêng tại Quảng Nam, đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc SXH (cao nhất miền Trung), số ca mắc SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 6/2022. Riêng trong tháng 9/2022 số mắc SXH ghi nhận 3.830 ca, cao gấp 1,1 lần so với năm 2019. Hiện số ca SXH của tuần 38 và tuần 40, 41 đã cao hơn đỉnh dịch của năm 2019 và cao nhất 7 năm trở lại đây. Các ca bệnh SXH tập trung cao nhất ở khu vực đồng bằng. Các huyện có số ca SXH cao nhất là Thăng Bình (2.715 ca), Điện Bàn (2.329 ca), Tam Kỳ (1.839 ca), Đại Lộc (1.309 ca), Duy Xuyên (1.264 ca)…

    Hiện tại, Quảng Nam có 389 ca SXH có dấu hiệu cảnh báo và 35 ca SXH nặng. Bệnh SXH hiện nay đang rất nguy hiểm và diễn biến chuyển nặng nhanh. Vì vậy, ngành y tế yêu cầu chính quyền địa phương và các ban, ngành đoàn thể tích cực chung tay trong công tác phòng chống dịch, hỗ trợ các đơn vị điều trị, tránh quá tải điều trị do SXH tại các cơ sở y tế, trách để trường hợp nặng do SXHD gây hậu quả xấu.

    Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19. Đối với dịch bệnh SXH, cần nhanh chóng thực hiện mục tiêu xã hội hóa bệnh SXH Dengue bằng nhiều giải pháp, hình thức. Chính quyền quan tâm hơn nữa, chỉ đạo hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh SXH Dengue, hạn chế gánh nặng bệnh tật trong tương lai.

    Trong đó, các địa phương duy trì hoạt động các tổ xung kích cộng đồng ít nhất 1 lần/tuần tại các khu vực có ổ dịch, nguy cơ cao và khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao; 1 lần/tháng tại các khu vực còn lại. Xử lý triệt để các ổ dịch dai dẳng, khó kiểm soát và không để lây lan trên diện rộng. Chỉ đạo tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tới từng hộ gia đình trước khi phun hóa chất diệt muỗi.

     Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cũng yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế nơi xảy ra ổ dịch tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hoạt động phòng chống dịch, bổ sung kinh phí, cơ sở thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân sự sẵn sàng phục vụ công tác chống dịch. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban liên tục, nghiêm túc kể cả ngày cuối tuần để thu dung bệnh nhân.

    Ly Lan – Quốc Thành

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU