Trang chủVăn hóaNhân ngày di sản văn hóa Việt Nam 23.11: Đưa di sản vào học đường

    Nhân ngày di sản văn hóa Việt Nam 23.11: Đưa di sản vào học đường

     

    Trao truyền di sản bằng cách nào mới hiệu quả? Trong tất cả hoạt động bảo tồn văn hóa, kể cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, việc hướng đến thế hệ trẻ trong nhà trường là điều luôn được quan tâm hàng đầu.

    Tại Mỹ Sơn, Ban quản lý di tích phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức cho học sinh tuyên truyền giá trị di sản. Ảnh T.CHÂU
    Tại Mỹ Sơn, Ban quản lý di tích phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức cho học sinh tuyên truyền giá trị di sản. Ảnh T.CHÂU

    Mở rộng trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ, các tôn giáo, tin cậy ở giới trẻ và kể cả việc phát huy tối đa tín ngưỡng… để bảo vệ các loại hình di sản là điều được nhấn mạnh tại nhiều hội nghị quốc gia, quốc tế về bảo tồn di sản. Trong đó, tìm cách đưa di sản vào học đường là điều cần thiết phải thực hiện cho các mục tiêu bảo tồn.

    Trao truyền cho thế hệ trẻ

    Kế hoạch bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi giai đoạn 2019 – 2025 do UBND tỉnh ban hành hồi tháng 10.2018, đã hướng đến việc bảo vệ gìn giữ và kế thừa có chọn lọc di sản này. Trong đó, UBND tỉnh lưu ý cần thiết phải xây dựng đề án đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học. Vốn dĩ, việc đưa các loại hình di sản vào học đường đã được một số địa phương của Quảng Nam thực hiện nhiều năm nay. Sử dụng di sản để dạy học không còn là phương thức giáo dục xa lạ ở Quảng Nam. Bài chòi đã nhiều năm liền được giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS ở TP.Hội An. Chương trình “Giáo dục di sản trong học đường” của TP.Hội An đã cho thấy việc đưa tinh hoa của vùng đất giới thiệu và truyền tải đến học sinh ở nhiều lứa tuổi là phương cách tốt nhất để khơi dậy tình yêu di sản.

    Đưa vào học đường là điều cần phải được quan tâm cho mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa.  Ảnh: X.H
    Đưa vào học đường là điều cần phải được quan tâm cho mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa. Ảnh: X.H

    Cũng như vậy, nhiều năm liền, việc “đưa di sản vào trường học” được ngành giáo dục và văn hóa huyện Duy Xuyên phối hợp rất tốt. Duy Xuyên cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng phương thức trao truyền di sản này, khi cách đây hơn 10 năm, học sinh huyện Duy Xuyên đã được trải nghiệm các hoạt động về giới thiệu, thuyết minh, tìm hiểu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn bằng những hoạt động thực tế. Từ đây, kích thích thêm câu chuyện giữ gìn và nhận thức giá trị của khu đền tháp này ngay từ thế hệ học sinh cấp tiểu học và THCS. Bên cạnh đó, chương trình “Sân khấu học đường” của Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên cũng đã chắp thêm mạch nguồn về lòng yêu quý vốn văn hóa truyền thống của vùng đất mình trong tâm hồn của nhiều thế hệ học sinh… Điều cần thiết trong thời gian tới, theo một hiệu trưởng trường THCS tại Duy Xuyên, nên chú trọng đầu tư để việc đưa di sản vào học đường trở thành một môn học chính khóa, chứ lâu nay gần như chỉ mới dừng ở mức độ một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu.

    Giáo dục văn hóa miền núi

    Cũng như vậy, đưa văn hóa truyền thống của miền núi vào các cấp học tại khu vực này là điều cần thiết phải làm bởi những báo động về sự mai một các giá trị truyền thống. Bà Lê Thị Thủy – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, nhiều học sinh ngại mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình, thậm chí trong lễ hội không biết đánh cồng chiêng như thế nào, múa tâng tung da dá ra sao… là chuyện đáng phải lo. “Thực trạng này cho thấy đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại câu chuyện về bảo tồn văn hóa miền núi lâu nay. Cần thiết phải có một chương trình về văn hóa truyền thống của đồng bào trong các nhà trường để các em tiếp cận và hiểu biết, tự hào về vốn quý truyền thống của đồng bào mình” – bà Lê Thị Thủy nói.

    Hiện nay, ở các huyện miền núi phía tây Quảng nam đã có 80% số trường học đưa nội dung về văn hóa truyền thống bản địa vào nhà trường. Tuy nhiên, vẫn chỉ dừng lại ở các chương trình ngoại khóa, tìm hiểu về những giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thông qua các hoạt động tái hiện tổ chức tại nhà trường. “Văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu đang được nhiều trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục khá tốt thông qua các lễ hội, sinh hoạt, phong tục tập quán mang đậm bản sắc dân tộc. Đây có thể xem là hình thức bảo tồn văn hóa hiệu quả và bền vững nhất cần nhân rộng cách làm” – ông Nguyễn Bằng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Giang nói.

    Thầy giáo Nguyễn Đình Hiệp – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đông Giang cho biết, việc đưa vào giáo dục các giá trị văn hóa không chỉ làm cho chính học sinh người Cơ Tu hiểu thêm về truyền thống văn hóa dân tộc mình mà còn quảng bá các giá trị ấy vượt ra ngoài không gian của buôn làng. Mới đây, trong dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2025”, do Sở VH-TT&DL soạn thảo, có nội dung hỗ trợ đưa di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, từ biên soạn chương trình, giáo án, tài liệu, tập huấn đội ngũ giáo viên, nghệ nhân với mức 200 triệu đồng/năm. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU