Trang chủPODCAST - Bài chòi Hội An - Nét đẹp văn hóa dân gian

    [PODCAST] – Bài chòi Hội An – Nét đẹp văn hóa dân gian

    Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

    Tôi là một người rất thích Hội An, trong mắt tôi Hội An vô cùng đặc biệt, nơi đây mang một vẻ đẹp hoài cổ, yên bình nhưng không quá trầm lặng. Đến với Hội An, bạn sẽ không bị ngộp thở giữa hàng trăm ngôi nhà chọc trời như những thành phố lớn khác, thay vào đó bạn sẽ được nhìn thấy những ngôi nhà cũ với màu vàng đặc trưng của phố Hội, những con đường tràn ngập màu sắc của đèn lồng và những món ăn đơn giản, bình dị nhưng khiến cho biết bao nhiêu người say đắm.

    Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

    Không chỉ có thế, điều khiến tôi mê mẩn hơn bất cứ thứ gì ở Hội An đó chính là bài chòi – một bộ môn nghệ thuật dân gian lâu đời và cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của phố Hội.

    Thật ra tôi cũng mới được tiếp xúc, được tham gia chơi bài chòi cách đây không lâu, và từ lần chơi đầu tiên đó, bài chòi Hội An đã khiến tôi mê tít đến tận bây giờ…

    Tầm khoảng 19 giờ, đi dọc bên bờ sông Hoài từ xa chúng tôi đã nghe văng vẳng tiếng trống, cùng với nó là tiếng mời gọi của các nghệ nhân bài chòi. “Đến với Hội An mà chưa chơi bài chòi là cũng như chưa đến với Hội An”- những câu gọi mời cứ nối tiếp nhau thu hút sự chú ý của hàng trăm hàng nghìn khách du lịch tại nơi đây. Và quả thật như những lời nghệ nhân nói, đến với Hội An mà chưa một lần thưởng thức những câu từ, giai điệu, chưa được hòa nhập vào không khí sôi nổi của trò chơi dân gian lâu đời này thì quả là một điều đáng tiếc.

    Chào đón chúng tôi bằng những câu gọi mời vô cùng duyên dáng, gần gũi, chị Thúy – học viên đang theo học và làm việc tại đây chỉ cho chúng tôi cách chơi vô cùng tận tình, kĩ càng. Chị đưa ra tấm thẻ và giải thích rằng: “Đây là tấm thẻ tre hay còn được gọi là bộ bài để đánh bài chòi được coi như bộ Tam cúc cải tiến. Bộ bài gồm có 33 lá như nhứt nọc, nhì nghèo, thằng bí, lá liễu…được vẽ trên giấy rồi dán vào các thẻ tre. Mỗi một tấm thẻ như thế này sẽ có 3 quân bài khác nhau, các em chú ý nghe lời anh Hiệu và chị Hiệu hát, cuối mỗi câu hát sẽ đọc lên tên của một quân bài và nếu như trong tấm thẻ của mình có quân bài đó thì hãy đưa tay lên để các anh chị tặng một cờ vàng. Và cứ liên tục như vậy, lần 2 rồi lần 3, nếu như các em được 3 cây cờ vàng thì các em sẽ là người chiến thắng và được 1 cờ đỏ. Phần thưởng sẽ là một đèn lồng Hội An vô cùng đặc biệt.”

    Điểm đầu tiên khiến tôi ấn tượng là không gian nơi đây được bố trí rất ấm cúng. Tại khu vực chơi bài chòi, sẽ có một chòi chính giữa hay còn được gọi là chòi cái – nơi anh Hiệu, chị Hiệu cùng với ban nhạc cổ trình diễn, hô hát bài chòi. Người chơi sẽ được ngồi trên các chòi con được đặt ở xung quanh (các chòi con được làm bằng tre, cao khoảng 3m rất chắc chắn). Ngoài ra, người chơi còn có thể ngồi dưới những tấm chiếu đã được các nghệ nhân chuẩn bị sẵn để thuận tiện trong việc xem buổi biểu diễn. Mọi người ngồi xung quanh, cùng nhau chờ đợi lượt chơi bắt đầu.

    Đối tượng tham gia chơi bài chòi thì vô cùng đa dạng, người lớn có, người trẻ có,… và đặc biệt còn có rất nhiều những du khách nước ngoài đến ghé thăm và trải nghiệm. Vài ba đứa trẻ theo mẹ đến nghe hô hát bài chòi, mặc dù không hiểu về cách chơi nhưng luôn tranh giành đòi cầm tấm thẻ cho bằng được, lúc anh Hiệu, chị Hiệu hô tên quân bài có trong tấm thẻ, những đứa trẻ nhảy cẫng lên, hô hét vui mừng khiến cho không khí lại càng náo nhiệt hơn bao giờ hết…

    Bắt đầu buổi biểu diễn, tiếng trống sẽ vang lên rộn rã. Anh Hiệu và chị Hiệu sau khi có một màn hát mở đầu để thu hút du khách sẽ bắt đầu bước ra trước chòi và xóc ống thẻ lên, rút từng quân bài ra và hát câu hát có mang tên quân bài đó. Có thể nói, bài chòi Hội An tinh túy nhất từ những ca từ và giai điệu của nó. Vì thế, để có thể truyền tải một cách tốt nhất thì đòi hỏi những nghệ nhân bài chòi phải có kinh nghiệm lâu năm và thả hồn vào những giai điệu đó một cách thật tự nhiên.

    Mỗi quân bài sẽ có một cách hát khác nhau, lúc trầm bổng, lúc sâu lắng. Bản thân tôi cảm thấy ngưỡng mộ những nghệ nhân bài chòi vô cùng, vì ngoài giọng hát hay và khả năng ứng biến linh hoạt thì họ cũng cần phải có vốn kiến thức phong phú, đa dạng về ca dao, tục ngữ. Mỗi đêm trình diễn, các nghệ nhân lại đem đến những câu hát đầy sáng tạo từ các điệu hò dân ca như hò khoan, hò chèo thuyền, vè Quảng, hát ru con… Nhiều câu hát dí dỏm phản ánh chân thực cuộc sống khiến người chơi có những trận cười no bụng.

    Mỗi lần hát xong một quân bài, những tiếng reo hò lại vang lên vô cùng rộn rã khiến cho không khí càng thêm sôi động. Những cánh tay lần lượt đưa lên, các nghệ nhân nhanh chóng trao cho họ những lá cờ vàng tươi. Trong khoảnh khắc đó, chúng tôi nhìn thấy biết bao nhiêu khuôn mặt phấn khởi, một số còn lại thì khá tiếc nuối vì không phải quân bài trong tấm thẻ mình cầm trên tay.

    Đối với riêng tôi, điều thú vị nhất khi tham gia bài chòi Hội An không phải là sự thắng thua mà chính là những trận cười đầy sảng khoái mà nó mang lại, là những kỷ niệm, những thanh âm vui vẻ đọng lại sau mỗi đêm. Cũng từ đó, mỗi lần ghé đến Hội An, tôi cũng tranh thủ qua vườn An Tượng chơi 2-3 lượt bài chòi cho “đã cái nư”.

    Nếu có dịp đến với Hội An, hãy một lần thử trải nghiệm trò chơi dân gian độc đáo này, tôi chắc chắn bạn sẽ có những khoảnh khắc đáng nhớ, nó sẽ đem lại những phút giây thư giãn tuyệt vời. Đồng thời, việc các bạn chơi bài chòi, tham gia và hưởng ứng nó sẽ góp phần trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian của Hội An nói riêng và miền đất Trung Bộ nói chung…

    Nguyễn Nga

    5/5 - (5 bình chọn)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU