Trang chủPhóng sựVững tin vươn khơi

    Vững tin vươn khơi

     

    Thành quả gặt hái được trong năm qua đã tiếp thêm động lực giúp ngư dân huyện Thăng Bình vững tin vươn khơi bám biển Trường Sa, Hoàng Sa đánh bắt hải sản.

    Thu được sản lượng hải sản vượt trội tạo cú hích vươn khơi cho ngư dân huyện Thăng Bình trong năm 2018.
    Thu được sản lượng hải sản vượt trội tạo cú hích vươn khơi cho ngư dân huyện Thăng Bình trong năm 2018.

    Sản xuất đạt

    Đã qua mùa trăng nên hầu hết tàu cá của ngư dân huyện Thăng Bình đều vươn khơi bám biển. Ngư dân Trần Công Tú ở thôn Tân An, xã Bình Minh – chủ tàu chụp mực QNa-95267 có công suất 450CV cho biết, chuyến biển dự kiến khoảng nửa tháng với 12 lao động ở ngư trường Hoàng Sa, đã nạp đầy đủ nhiên liệu, mua lương thực, thực phẩm, đá cây, chi phí xấp xỉ 100 triệu đồng. Ngoài ra, chủ tàu đã ứng trước cho các bạn biển 60 triệu đồng. “Chi phí đầu vào ngày một tăng cao nên bắt buộc phải sản xuất thành công. Thuận lợi là giá mực xà đang tăng cao, các bạn biển rất quyết tâm sau kỳ nghỉ tết. Nguồn lợi mực xà lại dồi dào nên chúng tôi rất hy vọng” – ông Tú nói. Bạn biển lâu năm là người cùng thôn với ông Tú, ngư dân Trần Văn Tạo chia sẻ: “Nghề chụp mực đang ăn nên làm ra nên chúng tôi rất phấn khởi. Ở chuyến biển trước tết, tôi được chia gần 10 triệu đồng là thành công lớn. Tàu cá QNa-95267 có hệ thống đèn điện rất sáng thu hút mực, 4 tăng gông hoạt động tốt nên quá trình đánh bắt luôn diễn ra đúng dự tính”.

    Năm 2017, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân xã Bình Minh đạt 12 nghìn tấn (vượt 74% kế hoạch), giá trị thu được là 240 tỷ đồng, bình quân thu nhập của một ngư dân là 100 triệu đồng/năm. Đây là thành quả đột biến, vượt trội so với mọi năm. “Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn đã mạnh dạn vay vốn, đóng tàu công suất lớn, sản xuất xa bờ. Ứng dụng công nghệ hiện đại, mở rộng ngư trường, bám biển quanh năm, đoàn kết tương trợ trên biển đã giúp ngư dân sản xuất hiệu quả, thu được giá trị kinh tế cao” – ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói. Toàn huyện Thăng Bình, sản lượng khai thác hải sản năm qua đạt hơn 18 nghìn tấn (vượt 10% kế hoạch). Số tàu công suất lớn của huyện cũng tăng liên tục theo từng năm, hiện nay là 614 chiếc, trong đó số tàu hoạt động trên các vùng biển xa là 149 chiếc. Theo ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, nghề cá của huyện thu được những thành quả quan trọng đã tạo đà cho quá trình tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ hơn, đưa khai thác hải sản phát triển theo chiều sâu. Rất mong bà con ngư dân kiên tâm bám biển quanh năm, năng động, sáng tạo, cần cù để thu được những thành quả lớn hơn trong năm 2018.

    Tạo lực mới

    Ông Trương Công Bảy cho rằng, tìm cách nâng cao giá trị hải sản sau khai thác luôn là thôi thúc đối với bà con ngư dân lẫn chính quyền địa phương. Theo đó, xã khuyến khích các chủ tàu cá kết hợp chặt chẽ với nhau thành tổ, đội sản xuất. Trong tổ, đội phân công tàu cá thực hiện hậu cần, đưa hải sản về bờ bán rồi thu mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm ra biển cung cấp cho hoạt động chung của cả đội tàu. Như vậy, vừa tăng thời gian bám biển vừa giảm chi phí vận chuyển. Địa phương cũng đã vận động các gia đình ngư dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, thu mua hải sản, chế biến cung cấp cho thị trường nội địa hoặc xuất khẩu. Xã Bình Minh đặt ra chỉ tiêu sản lượng khai thác hải sản năm 2018 vượt 12 nghìn tấn, giá trị hơn 300 tỷ đồng, thu nhập mỗi ngư dân đạt 150 triệu đồng/năm. “Chúng tôi vận động ngư dân tiếp cận Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để vay vốn không lãi suất, đóng mới hoặc cải hoán, nâng cấp thành tàu công suất lớn, sản xuất xa bờ. Ngư dân cũng cần tham khảo các mô hình sản xuất mới hiệu quả để tiếp thu, vận dụng, nâng cao đánh bắt hải sản” – ông Trương Công Bảy nói.

    Theo ông Nguyễn Văn Hương, Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai chiến lược biển của tỉnh và trung ương. Theo đó, tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tăng đội tàu công suất lớn; ứng dụng khoa học – công nghệ mới trong khai thác, bảo quản hải sản; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, liên doanh với doanh nghiệp thông qua đầu tư lớn về hậu cần nghề cá gắn với chế biến hải sản; hoàn thiện hệ thống liên lạc giữa các tàu cá trên biển, giữa các tàu cá với trạm bờ; kêu gọi đầu tư cảng cá, khu neo đậu tàu cá; bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển… “Chủ trương, định hướng phát triển nghề cá đã rõ ràng. Vấn đề cần kíp là ngư dân tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ để đầu tư, nâng tầm sản xuất. Huyện mong UBND tỉnh có nguồn lực đầu tư cảng cá ở xã Bình Minh, khu neo đậu tàu cá ở xã Bình Dương” – ông Nguyễn Văn Hương nói. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU