Trang chủPhóng sựVợ chồng người bán mỳ có bốn con học đại học y

    Vợ chồng người bán mỳ có bốn con học đại học y

     

    Mãi đến nay vợ chồng ông Phan Văn Vinh và bà Nguyễn Thị Cúc đôi lúc vẫn ngỡ như là chuyện trong mơ dù hai con gái đầu của họ nay một là bác sĩ chuyên khoa mắt, một là cử nhân y học dự phòng, cả hai đã làm việc được hai năm. Hai con gái còn lại, một vừa xong năm thứ 5 ngành y học dự phòng, một vừa xong năm thứ 3 ngành y đa khoa. Cả bốn người con đều học Đại học Y dược Huế. “Gia cảnh mình khó khăn, lại ở miền núi, chỉ mong một đứa đầu được vô trường y là quý lắm rồi. Bởi rứa nên chừ vợ chồng mừng lắm, quên hết cực khổ…” – bà Cúc giải bày.

    Vợ chồng ông bà  Phan Văn Vinh – Nguyễn Thị Cúc đang làm mì cho khách ăn tại quán. Ảnh: HOÀNG MINH
    Vợ chồng ông Vinh – bà Cúc làm mỳ cho khách tại quán. Ảnh: HOÀNG MINH

    Chuyện từ cha mẹ

    Quán mỳ Quảng – cũng là nhà ở của vợ chồng ông Vinh – bà Cúc (cùng 51 tuổi) nằm bên đường Nam Quảng Nam (quốc lộ 40B), kề dưới đập thủy điện Sông Tranh 2, thuộc thôn 4 xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. Bảy giờ sáng, vừa lúc bà Cúc loay hoay làm mỳ cho vài khách ăn thì ông Vinh đã chở về một bao bắp chuối rừng và cây chuối non. “Mình phải tranh thủ để vừa có rau ngon rau sạch cho tô mỳ, vừa giảm bớt đồng vốn đặng bán hạ giá cho khách. Bắp chuối rừng mua của bà con người Ca Dong trong làng, còn cây chuối rừng non thì lội vô rừng chặt…” – ông Vinh nói.

    Dù đã trải qua nhiều nghề, nhiều việc nhưng cuối cùng thì quán mỳ Quảng trở thành nơi mang lại cơm áo cho gia đình vợ chồng ông Vinh suốt 18 năm nay. Để có tô mỳ ngon, giá thấp bán cho khách, vợ chồng ông phải thức khuya dậy sớm tự tráng mỳ, làm rau sạch, tìm mua nguồn thịt an toàn tại địa phương. “Năm 1999, thấy chuyện rẫy nương không đủ cho mấy con ăn học nên vợ chồng tui mới mở quán mỳ” – ông Vinh vừa làm vừa kể. Rồi ông nói tiếp, việc mua bán hóa ra lại có thêm cái lợi để dạy sắp nhỏ về cái tính ngay thật, về cách đối xử với mọi người. Mà cách dạy đó không phải ở lời nói mà bằng cách làm, cách đối xử với khách của vợ chồng. Con cái nó ngó thấy rồi làm theo. Rồi đứa nhỏ thấy đứa lớn làm lại làm theo.

    Còn bà Cúc thì cho rằng, cũng cái quán nhỏ này đã góp phần cho con cái mình biết thương cha mẹ để rồi chăm lo học hành. “Thấy ba mẹ vất vả nên từ nhỏ đứa nào cũng xin phụ việc giúp” – bà Cúc kể lại, vẻ xúc động. “Vợ chồng tui cứ bảo chúng nó đừng lo làm lụng ảnh hưởng việc học. Nhưng chúng nó nói không hề gì, sẽ lo học thiệt tốt. Rứa là đứa chị làm đứa em tập làm theo, đứa lớn việc khó, đứa nhỏ việc dễ. Mà mừng nhất với vợ chồng tui là chúng nó đã học tốt như chúng hứa…” – bà Cúc tiếp lời.

    Tường Vi (bìa trái) giúp em là Tường Quyên về tư liệu tại nhà ở TP Tam Kỳ. Ảnh: HOÀNG MINH
    Tường Vi (bìa trái) giúp em Tường Quyên tìm kiếm tư liệu phục vụ công việc. Ảnh: HOÀNG MINH

    Thấy các con học được, ông Vinh nói vợ chồng ông luôn lo lắng là làm sao để các con cùng được học lên đại học. Mà đây là việc không dễ với hoàn cảnh của gia đình ông. Ông Vinh kể hai vợ chồng đều là công nhân lâm nghiệp, năm 1999 cùng nghỉ việc mà không có chế độ đãi ngộ nào khi đơn vị giải thể. Cùng hai đứa con gái đầu (10 tuổi và 7 tuổi), vợ chồng ông trụ lại vùng đất lâm trường mình đã đóng quân ở Bắc Trà My vừa làm rẫy, vừa nuôi gà nuôi heo, vừa mở quán mỳ Quảng để nuôi dần các con ăn học.

    “Khổ cực thì khỏi phải nói. Nhưng may là mình đã đưa các con qua được những chặng đường học tập một cách thuận lợi theo điều kiện của mình…” – vẫn lời của người cha. Ấy là việc vợ chồng ông gửi con về quê nội (ở huyện Thăng Bình) học cấp 1, đưa xuống thị trấn Trà My hay TP.Tam Kỳ để ở trọ học cấp 2, cấp 3 với đồng tiền hạt gạo khó khăn của vợ chồng. “Đến khi hai đứa con cuối là Tường Vương, Tường Ni ra trường, tính ra vợ chồng tui đã nuôi bốn đứa nó hết 73 năm học, không tính ở mẫu giáo, cộng thêm 25 năm học ở trường y” – bà Cúc nói.

    Và chuyện từ các con

    Hai chị em Phan Nguyễn Tường Vi (29 tuổi), Phan Nguyễn Tường Quyên (26 tuổi) hiện làm việc tại TP.Tam Kỳ. Tường Vi – cô bác sĩ nội trú làm việc tại Khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, mình và em gái Tường Vi vừa ra Huế thăm hai em Tường Vương, Tường Ni. “Mỗi tháng hai chị em tôi thường ra Huế thăm hai em để động viên việc học hành; còn mỗi tuần thì về thăm ba mẹ một lần” – Tường Vi nói.

    Còn Tường Quyên – cô cử nhân y học dự phòng đang công tác tại Trung tâm Truyền thông – chăm sóc sức khỏe Quảng Nam thì cho rằng, đến khi ra trường, có được việc làm càng thấy công ơn cha mẹ, tình nghĩa chị em là quý báu. Và hai chị em đã chia sẻ nỗi lo cho cha mẹ bằng cách giúp hai em có điều kiện học tập từ vài năm nay. Điều đáng nói theo Tường Quyên là sự gắn bó của bốn chị em suốt từ nhỏ đến khi học đại học. “Hạnh phúc trong việc học đại học của bốn chị em tôi là cùng được học ở mái trường Đại học Y dược Huế. Nhờ vậy mà được sống chung với nhau ở nhà trọ thêm một thời gian” – Tường Quyên bày tỏ. 

    Cuộc hội ngộ của bốn chị em.  Từ trái qua : Tường Vi, Tường Vương, Tường Ni, Tường Quyên. Ảnh: HOÀNG MINH
    Cuộc hội ngộ của bốn chị em. Từ trái qua: Tường Vi, Tường Vương, Tường Ni, Tường Quyên. Ảnh: HOÀNG MINH

    Về lý do cả bốn chị em đều chọn theo ngành y, Tường Vi cho biết: “Tôi sống ở vùng cao nên thấy bà con ở đây khổ vì bệnh tật, ốm đau thì nhiều mà bác sĩ thì ít nên thấy được vai trò của người thầy thuốc với xã hội. Với lại, cũng vì thấy ba mẹ quá khổ nhọc vì con, mình ráng học để vào trường y đặng sau này giúp chăm sóc ba mẹ phần nào…”.

    Gương học tập chăm chỉ, sự tận tụy, nghiêm túc trong chỉ bày, khuyên bảo của người chị cả Tường Vi đã tác động đến kết quả học hành và chọn ngành học của ba đứa em. Tường Quyên bộc bạch: “Chị Tường Vi hiền nhưng rất nghiêm khắc trong việc học hành, trong lối sống đối với bản thân cũng như với các em. Thời gian bốn chị em tôi cùng sống với nhau nơi trọ học nhiều hơn là sống với ba mẹ ở nhà, vậy nên chị Tường Vi trở nên là người dẫn dắt các em. Nhờ vậy mà tụi tôi học hành tiến bộ, cùng theo chị học ngành y vì thấy những suy nghĩ của chị hợp với  tụi tôi…”.

    Còn Tường Vương – theo chương trình học cuối năm 2019 sẽ trở thành một bác sĩ y học dự phòng thì cho rằng, vì gia đình đã trải qua khó khăn nên chọn học ngành y để có thể giúp đỡ cho người khó khăn trong ốm đau, bệnh tật. “Làm ngành y không phải để có được thu nhập cao mà là để góp phần giúp cho đời, làm giảm được phần nào nỗi đau của người bệnh” – Tường Vương nói. Tường Vương vừa nhận được hai bằng khen “Sinh viên 5 tốt” của Đại học Huế và “Sinh viên 3 tốt” của Trường Đại học Y dược Huế. Cô em út Tường Ni – học ngành bác sĩ đa khoa cũng có những kết quả học tập khá tốt. “Những năm tới tôi sẽ cố gắng hơn nữa. Học y những năm sau ngày càng khó, do vậy phải cố gắng nhiều hơn” – Tường Ni bày tỏ. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU