Trang chủPhóng sựTưng bừng lễ hội sâm Ngọc Linh

    Tưng bừng lễ hội sâm Ngọc Linh

     

    Sau thành công của lễ hội lần trước, huyện Nam Trà My tiếp tục tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ II năm 2018 gắn với chào mừng kỷ niệm 15 năm tái lập huyện (1.8.2003 – 1.8.2018). Chiều qua (1.8), trước khi lễ hội khai mạc đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và mua sắm.

     

    Những củ sâm chất lượng đã được đưa đến lễ hội sâm lần này để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
    Những củ sâm chất lượng đã được đưa đến lễ hội sâm lần này để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

    Phiên chợ tiền tỷ

    Từ khi người ta biết đến cây sâm Ngọc Linh như một loại dược liệu quý, mặt hàng này được quan tâm đặc biệt, nên chẳng lấy làm lạ khi nhiều người đổ về Nam Trà My từ rất sớm. Thậm chí, có người từ Hà Nội đã lặn lội lên tới đây từ ngày hôm trước để mua hàng. Như lời anh Trần Bình Hải (du khách từ Hà Nội vào) thì đây là dịp để anh có thể tìm được những củ sâm Ngọc Linh chất lượng nhất và đảm bảo không phải là hàng giả.

    Ông Trịnh Minh Quý – Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh cho biết, đến chiều ngày 1.8, đã có hơn 100kg sâm Ngọc Linh được đưa xuống phiên chợ lần này để bán. “Tùy theo lượng khách mua như thế nào thì mình sẽ điều chỉnh cho kịp thời. Như lễ hội lần trước, do lượng mua quá lớn vượt qua dự tính, nhiều doanh nghiệp phải lên tận các chốt sâm để tìm nguồn hàng bổ sung kịp thời” – ông Quý nói.

    Ở phiên chợ lần này, du khách khi mua hàng tại các ki ốt ở phiên chợ sâm có thể đến tại tổ thẩm định (đặt ngay cổng phiên chợ) để kiểm tra từ chất lượng cho đến trọng lượng củ sâm. Theo ông Trịnh Minh Quý – Tổ trưởng tổ thẩm định sâm Ngọc Linh, mỗi củ sâm trước khi đưa vào phiên chợ thì phải thông qua tổ thẩm định để chắc chắn không để sâm giả trà trộn vào phiên chợ. “Bên cạnh đó, khi khách hàng mua sâm tại các ki ốt mà cảm thấy không yên tâm thì có thể đưa đến bàn chúng tôi để tiến hành kiểm tra một lần nữa. Nếu xảy ra sai sót gì thì chúng tôi sẽ yêu cầu chủ cửa hàng phải giải quyết cho khách” – ông Quý cho biết.

    Có lẽ đó cũng là điều mà du khách cảm thấy yên tâm nên đã trực tiếp lặn lội từ phương xa đến đây mua hàng. Gọi đây là phiên chợ tiền tỷ bởi giá giao dịch ở mặt hàng sâm Ngọc Linh khiến nhiều người chóng mặt. Một củ sâm Ngọc Linh 8 năm tuổi có thể có giá từ vài triệu đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, vẫn có người sẵn sàng mua. Có người đùa rằng, nếu trong người chỉ có dưới 3 triệu đồng thì chỉ nên đi xem cho biết mặt mũi củ sâm nó như thế nào, chứ để mua thì khó. Như phiên chợ tại lễ hội sâm Ngọc Linh lần trước, những người dân xã Trà Linh khi bán sâm cũng từ chối nhận tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng với lý do: nhiều quá, nặng không leo núi được. Nói thế để biết, người dân sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng để sở hữu những củ sâm đúng chất núi Ngọc Linh. Chị Nguyễn Thị Huỳnh – Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sâm cho biết, từ sáng đến khi khai mạc, riêng cửa hàng của chị đã bán hơn 7kg sâm Ngọc Linh, tương đương 540 triệu đồng. “Có nhóm du khách từ TP.Hồ Chí Minh ra từ sớm và mua một số lượng lớn hàng, người thì để dùng, người thì để làm quà. Quan trọng là họ hài lòng về chất lượng sâm Ngọc Linh tại phiên chợ” – chị Huỳnh cho hay.

    Nâng tầm nông sản miền núi

    Không chỉ có riêng mặt hàng sâm Ngọc Linh được quan tâm mà những nông sản khác của miền núi Nam Trà My cũng được du khách chú ý. Những loại cây như giảo cổ lam, quế Trà My, đẳng sâm, hay sơn tra (táo mèo) cũng được giới thiệu với du khách thông qua các sản phẩm được sơ chế hay tươi nguyên. “Lâu nay có nghe nói về trái sơn tra ở mình cũng giống như trái táo mèo ở phía Bắc nhưng chưa thấy bao giờ. Đến phiên chợ lần này mới được thấy và thử vị. Nó ngon và có vị rất khác biệt. Mình đã mua một ít vừa để làm quà vừa để dùng” – chị Vi Thị Thùy Dương (du khách ở Đà Nẵng) cho biết.

    Theo ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tại phiên chợ này ngoài mặt hàng được quan tâm nhất là sâm Ngọc Linh thì còn có hơn 20 loại nông sản khác nhau là đặc trưng của vùng núi Nam Trà My được bày bán, giới thiệu với du khách. “Ở lần trước, các mặt hàng này được du khách quan tâm nên trong lễ hội lần này, chúng tôi huy động bà con đem những sản vật của địa phương để giới thiệu, như một cách quảng bá sản phẩm nông sản cho Nam Trà My, từ đó có thể tạo đầu ra sau này. Đã có nhiều mặt hàng, đặc biệt là cây dược liệu trên địa bàn tìm được các doanh nghiệp thu mua, chiết xuất, sản xuất những sản phẩm mang hương vị của Nam Trà My. Đó là tín hiệu rất đáng mừng” – ông Mẫn nói. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU