Trang chủPhóng sựThúc đẩy thương hiệu sản vật vùng cao

    Thúc đẩy thương hiệu sản vật vùng cao

     

    Nấm lim xanh, mật ong, quế Trà My, sâm Ngọc Linh, chuối rừng… cùng hàng chục sản vật đặc trưng khác của núi rừng miền Tây xứ Quảng đã được trưng bày, chào bán tại Hội chợ giới thiệu sản vật của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao diễn ra cuối tuần qua tại TP.Đà Nẵng. Sự kiện do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế, Nhật Bản (FIDR) tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Văn phòng FIDR tại Việt Nam.

    Các sản vật, ẩm thực vùng cao Quảng Nam cần được xây dựng một thương hiệu chung của tỉnh. Ảnh: V.L
    Các sản vật, ẩm thực vùng cao Quảng Nam cần được xây dựng một thương hiệu chung của tỉnh. Ảnh: V.L

    Hấp dẫn

    Sau một hồi chọn lựa, bà Nguyễn Thị Ngọc, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng quyết định mua 2 chai mật ong tại gian hàng sản vật huyện Tây Giang. “Tôi nghĩ đây là loại mật nguyên chất của bà con khai thác nên mua về để dành dùng dần” – bà Ngọc nói. Theo bà Ngọc, hội chợ là cơ hội để những người như bà chọn mua những sản vật mà ngày thường khó thể tìm thấy tại thành phố. Đó không chỉ là mật ong, ớt rừng, măng rừng mà còn là những sản phẩm  được xem là khó bắt gặp ở đồng bằng như sâm cao đỏ, sâm Ngọc Linh, chuối rừng, nấm lim xanh, tinh dầu quế…

    Theo ban tổ chức, tại hội chợ lần này có khoảng 200 sản vật được đồng bào dân tộc thuộc 7 huyện vùng cao mang đến giới thiệu, bày bán. Ngoài huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam có 6 gian hàng của 6 huyện tham gia gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang và Hiệp Đức với rất nhiều sản phẩm đặc trưng của núi rừng từ nông sản đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Bà Hồ Thị Mười – chủ cơ sở sản xuất Mười Cường, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết, tất cả sản phẩm được bày bán tại hội chợ lần này đều được thu hoạch trong tự nhiên và tự chế biến cung cấp ra thị trường như chuối rừng, sơn tra, chè dây, rễ khai, khổ qua rừng, rượu sâm… “Chúng tôi đi hội chợ chủ yếu quảng bá giới thiệu cho khách biết sản phẩm của mình, đồng thời tìm kiếm cơ hội kết nối khách hàng và đối tác nên sản phẩm mang theo luôn đảm bảo chất lượng. Khi mình kết nối khách hàng họ đến cơ sở xem thấy sản phẩm này thực sự của núi rừng sẽ tin tưởng mua” – bà Mười chia sẻ.

    Tại hội chợ, ẩm thực Cơ Tu do các thành viên đến từ Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu – Nam Giang chế biến như cơm lam, bánh sừng trâu, thịt nướng… cũng được giới thiệu đến du khách. Theo ông Bríu Thương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu – Nam Giang, hội chợ bên cạnh quảng bá, bày bán các sản vật vùng cao còn là dịp để bà con tự hào giới thiệu những giá trị văn hóa cộng đồng như trang phục, ẩm thực. “Dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu do FIDR hỗ trợ đã mang lại hiệu quả cao cho đồng bào, thể hiện qua việc bà con chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế gia đình, tổ chức hoạt động nhóm, sản xuất các mặt hàng tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Do đó, tham gia hội chợ lần này cũng là cách để chúng tôi mang những thành công đó giới thiệu đến tất cả mọi người” – Bríu Thương cho biết.

    Quảng bá thương hiệu

    Nhiều hoạt động bên lề trong tuần lễ kỷ niệm 20 năm thành lập FIDR

    Tại TP.Đà Nẵng, nhiều hoạt động nhân tuần lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tổ chức Cứu trợ, phát triển quốc tế (FIDR) đã diễn ra từ ngày 14 đến 17.7. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, “Hội chợ giới thiệu sản vật của đồng bào dân tộc thiểu số” diễn ra trong 2 ngày 14 và 15.7 , trưng bày nhiều đặc sản miền núi như: mật ong, rượu, sâm, măng, tiêu, thổ cẩm…
    Bên cạnh đó, trong 2 ngày 14 và 15.7, diễn ra các buổi hội thảo đánh giá hiệu quả của dự án: “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại miền Trung Việt Nam”, “Phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng Nam Giang”. Ngoài ra, triển lãm kỷ niệm 20 thành lập FIDR trưng bày hơn 100 bức ảnh về sự thay đổi của các địa phương nơi FIDR có chương trình hỗ trợ và trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số: Mạ, Giẻ Triêng, Xê Đăng, Cơ Tu… cũng sẽ kéo dài đến hết ngày 17.7.(QUỐC TUẤN)

    Bà Trần Thị Thu Oanh – cán bộ cao cấp Dự án FIDR cho biết, hội chợ là một trong những hoạt động nằm trong tuần lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Văn phòng FIDR Việt Nam (1998 – 2018). Do đó, sự tham gia của các địa phương có dự án FDIR hỗ trợ không chỉ góp phần đưa sản vật và các giá trị văn hóa vùng cao đến gần hơn du khách mà còn khẳng định những kết quả mà FIDR hỗ trợ đạt được tại những nơi này. “Ngoài giới thiệu, quảng bá đặc sản ở các vùng miền mà dự án FIDR tiếp cận, hỗ trợ, mục đích chính của dự án còn nhằm kết nối những huyện trong vùng dự án lại với nhau. Qua đó tạo nên mạng lưới mạnh hơn, đa dạng hơn, hướng tới hình thành thương hiệu chung cho đặc sản Quảng Nam” – bà Oanh phân tích.

    Được thành lập năm 1998 tại TP.Đà Nẵng, Văn phòng FIDR Việt Nam đã triển khai các hoạt động khác nhau với cách tiếp cận đa dạng và toàn diện, nhắm đến người dân vẫn còn đối diện với tình trạng nghèo khó tại TP.Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum và Thừa Thiên Huế. Tại Quảng Nam, trong 20 năm qua, FIDR không chỉ triển khai thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, mà còn thực hiện các dự án cứu trợ khẩn cấp, mang lại hiệu quả thiết thực và có tính bền vững, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các địa bàn triển khai dự án. Tổng cộng, FIDR đã và đang thực hiện 22 dự án phát triển cộng đồng và cứu trợ khẩn cấp bao gồm phát triển xã hội và sinh kế. Bao gồm: hỗ trợ nghề dệt thủ công; xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ sinh kế, phát triển cộng đồng nông thôn; giáo dục và đào tạo; cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện môi trường học tập cho cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở; cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện môi trường vệ sinh ở các trung tâm y tế các cấp; dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; thiết bị y tế; y tế cộng đồng…

    Bên cạnh hoạt động thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường, thời gian qua FIDR cũng đã tổ chức nhiều hội thảo tại Quảng Nam. Mục đích của các hội thảo là tìm giải pháp xây dựng thương hiệu vùng, thương hiệu của tỉnh Quảng Nam, nhất là tìm kiếm một đơn vị trung gian kết nối người sản xuất và thị trường cũng như giới thiệu những sản vật của Quảng Nam. Đặc biệt, xây dựng một website chung cho tỉnh để giới thiệu toàn bộ đặc sản của các huyện chứ không phải từng huyện như lâu nay các địa phương vẫn tự làm riêng lẻ. “Cái này thì không thể một sớm một chiều được phải có sự thảo luận lẫn nhau, nhất là sự nỗ lực của chính quyền địa phương. Về phía FIDR chỉ đưa ra những tư vấn cũng như những cơ hội làm thế nào để tất cả huyện và tỉnh cùng ngồi lại với nhau tìm ra cách tốt nhất quảng bá xúc tiến nông sản địa phương ra thị trường hiệu quả” – bà Trần Thị Thu Oanh nói.

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU