Trang chủPhóng sựMua rừng cho động vật quý hiếm

    Mua rừng cho động vật quý hiếm

     

    Nhiều cánh rừng, cá thể động vật hoang dã quý hiếm đã được lập hành lang bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó Nhà nước toan tính mua lại rẫy sản xuất của người dân để mở rộng vùng sinh cảnh.

     

    Nhà nước sẽ mua lại rẫy của người dân để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.  Ảnh: H.PHÚC
    Nhà nước sẽ mua lại rẫy của người dân để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. Ảnh: H.PHÚC

    Ghi nhận nhiều cá thể voọc chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) tồn tại, chính quyền huyện Núi Thành đang xây dựng, củng cố lực lượng giữ rừng nòng cốt từ người dân; đồng thời xúc tiến bồi thường mua lại rẫy của một số hộ dân để mở rộng khu vực sinh cảnh bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Bởi môi trường sống của voọc chà vá chân xám cần hạn chế sự đi lại và tác động vào rừng của con người. Theo UBND huyện Núi Thành, giai đoạn đầu địa phương sẽ triển khai từ mở rộng 10ha rừng lên 30ha nhằm đảm bảo cho đàn voọc hiện tại có điều kiện sống tốt hơn, có thể sinh sản và tăng số lượng đàn; sau đó sẽ mở rộng lên thành 80ha, kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà (Núi Thành). Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành – Nguyễn Văn Thịnh cho biết, khó khăn là địa phương đang tìm nguồn vốn để mua lại rẫy sản xuất của người dân, nhưng trước sau gì cũng phải thực hiện vì đó là giải pháp bền vững nhất về bảo tồn đàn voọc. Chính quyền tỉnh cũng có phương án mua lại đất sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ (Tam Mỹ Tây) để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc rộng hơn.

    Trong khi đó, tại huyện Nông Sơn và Đông Giang, từ nguồn tài trợ của các tổ chức, dự án quốc tế, sẽ ưu tiên đầu tư nâng cao nhận thức vai trò trách nhiệm của cộng đồng và tổ chức xã hội để bảo vệ có hiệu quả đàn voi và sao la. Cuối tháng 9.2018, thông qua Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) tại Việt Nam, tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn khu vực Trung Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam”. Dự án nhằm huy động người dân tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như bảo vệ sự đa dạng sinh học ở các huyện miền núi. Từ các cuộc hội thảo, chuyển giao phương pháp tiếp cận bảo vệ rừng mới, dự án sẽ giúp các tổ chức xã hội và cộng đồng có thể tham gia hiệu quả trong quá trình vận động chính sách, quá trình ra quyết định có liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, giúp cải thiện và nâng cao sinh kế cộng đồng, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Bất cập là hiện nay chỉ mới có vài tổ chức quốc tế tiếp cận khảo sát bảo tồn thú rừng quý hiếm, cơ quan chức năng thì chưa có nghiên cứu sâu và toàn diện. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU