Trang chủPhóng sựLần theo dấu chân "lâm tặc"

    Lần theo dấu chân “lâm tặc”

     

    Chúng tôi bước chân lên tới đỉnh đồi, chưa kịp thở, trước mặt đã thấy một khung cảnh ngổn ngang còn nguyên dấu vết những cây gỗ lớn bị chặt hạ với đường kính 1 – 2m.
     Tác giả bên một gốc cây vừa bị lâm tặc triệt hạ. Ảnh: Đ.N
    Tác giả bên một gốc cây vừa bị lâm tặc triệt hạ. Ảnh: Đ.N

    Chỉ trong một tuần lễ, tôi cùng đồng nghiệp đã phải vượt núi đến 3 lần để ghi nhận hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại các tiểu khu thuộc lâm phận của rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang). Lần đầu sau khi nhận được nguồn tin riêng, tôi cùng hai đồng nghiệp khác ở Báo Thanh Niên và Công an TP.Đà Nẵng tức tốc lên đường tìm đến khu vực giáp ranh giữa xã Tà Lu và Jơ Ngây để xác minh, thăm dò. Nhưng dù mất hơn một ngày trời, khu vực hiện trường vụ phá rừng vẫn chưa thể tiếp cận, do nguồn tin “ngại” không dám dẫn đường. Vì thế, chúng tôi buộc phải tiếp tục ở lại một đêm tại một ngôi làng gần đó, để sáng hôm sau tìm cách tiếp cận hiện trường.

    Tờ mờ sáng, chúng tôi quyết định tự vào rừng, bám theo chỉ dẫn trước đó từ nguồn tin. Phải mất nhiều giờ đồng hồ dò tìm, kiểm chứng qua điện thoại, chúng tôi mới “bắt” được lối đi vào cửa rừng. Đó là một đường mòn nhỏ, chỉ cách tuyến đường dân sinh chừng vài trăm mét, cạnh 2 căn chòi rẫy và một phách gỗ vừa mới được đưa về. Rồi tiếp tục men theo lối mòn đường trâu đi tiến thẳng vào rừng sâu, dọc dấu vết đường kéo gỗ in trên mặt đất. Suối khe chằng chịt, có lúc chúng tôi tưởng lạc mất dấu vết tiếp cận hiện trường.

    Đi được chừng gần 3 cây số, bất ngờ chúng tôi phát hiện một căn chòi sát bên đường có người cảnh giới. Chúng tôi đành phải tìm cách cắt rừng theo phía ngọn núi cạnh đó rồi mở đường đi xuống hướng về phía con suối, tiếp tục hành trình. Nhưng cũng chỉ chừng vài cây số men đường rừng, dấu vết đường trâu kéo bỗng mờ dần rồi mất hẳn khiến chúng tôi mất phương hướng. Đúng lúc đó, một đường “máng lao” – nơi lâm tặc thường xuyên thả gỗ xuống từ đỉnh đồi đến khe suối được phát hiện. Không còn cách nào khác, chúng tôi mạo hiểm ngược dốc theo “máng lao” để tiếp cận hiện trường. “Đây rồi!” – một đồng nghiệp của tôi thốt lên. Trước mặt, những cây gỗ bị chặt hạ nằm ngổn ngang trên một diện tích rộng giữa lưng chừng núi.

    Phải gần 12 giờ trưa hôm sau, chúng tôi mới hẹn được lịch làm việc với Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – ông Đinh Văn Hươm, khi ông vừa kết thúc cuộc họp định kỳ quý với lãnh đạo các ban, ngành của huyện. Ông Hươm thẳng thắn thừa nhận có tình trạng phá rừng như phóng viên nêu, đồng thời khẳng định để xảy ra vụ phá rừng này là do sự yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm địa bàn. Trong khi đó, phía Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn lại đổ lỗi do lực lượng mỏng, địa bàn rộng và… người dân cần gỗ làm nhà, như một cách thoái thác trách nhiệm.

    Tối cùng ngày, bản tin về vụ phá rừng ở lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn đầu tiên được đăng tải trên Báo Quảng Nam điện tử, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, cũng như sự vào cuộc của lãnh đạo các cấp.

    Bản tin về vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn vẫn còn nóng trong dư luận, thì tôi và một đồng nghiệp lại vội vã phóng xe máy sang huyện Nam Giang để tiếp tục hành trình “theo dấu chân phá rừng” xảy ra tại lâm phận của rừng phòng hộ Nam Sông Bung. Từ Thạnh Mỹ ngược lên Chà Vàl, rồi từ Chà Vàl ngược về Khe Vinh (xã Ta Bhing) gần cả trăm cây số để tiếp cận hiện trường bằng đường thủy. Nhưng sau đó chúng tôi lại nhận tin người dẫn đường có ý định “hủy kèo” vì sợ nên buộc chúng tôi phải tìm cách động viên, thuyết phục. Cuối cùng người đàn ông dẫn đường cũng gật đầu đồng ý, đưa phà chở chúng tôi đến “cửa rừng” lim. Chúng tôi lại tiếp tục bám theo đường “máng lao” lên tận đỉnh núi đầy trơn trượt và hiểm trở. Cũng cảnh tượng những cây gỗ lim đường kính vài người ôm nằm ngổn ngang trên mặt đất, dọc theo đường trâu kéo trong rừng, thậm chí có cây gỗ chỉ vừa bị chặt hạ khoảng vài ngày, còn nguyên vết “máu tươi”.

    Hành trình theo dấu “lâm tặc” đầy hiểm nguy nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Vào tận rừng sâu, chứng kiến cảnh rừng chảy máu, mới thấu những hệ lụy từ phá rừng. Bản tin phát đi, hy vọng góp tiếng nói để giữ rừng, dẫu không hề dễ dàng. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU