Trang chủPhóng sựLại lo sạt lở ven sông Thu Bồn

    Lại lo sạt lở ven sông Thu Bồn

     

    Tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn diễn ra ở các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (Điện Bàn) diễn biến nghiêm trọng cuốn trôi nhiều diện tích đất hoa màu, các vùng xung yếu xã Quế Trung (Nông Sơn), nhiều nhà dân có nguy cơ bị xóa sổ.

    Căn nhà tuềnh toàng của gia đình anh Tăng Thoại và bà Tăng Thị Tín đã kề vực sông Thu Bồn. Ảnh: HOÀNG LIÊN
    Căn nhà tuềnh toàng của gia đình anh Tăng Thoại và bà Tăng Thị Tín đã kề vực sông Thu Bồn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

    Mất đất sản xuất

    Câu chuyện sạt lở đất sản xuất hoa màu không còn mới đối với người dân ven sông Thu Bồn của các xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong. Tình trạng sạt lở tiếp diễn gần đây khiến hàng chục héc ta đất sản xuất ven sông của các vùng trên bị “xóa sổ”. Ông Nguyễn Văn Hiền (thôn Tân Phú, xã Điện Trung) cho biết, trước đây vùng đất sản xuất hoa màu của gia đình ông rộng tới 2ha, nhưng bây giờ chỉ còn lại 600m2. “Tôi chưa bao giờ thấy sạt lở đất nặng như năm 2017, sạt lở cả 100m chiều dài ven sông. Hầu như ở đây ai cũng bị mất đất sản xuất hoa màu. Sông bây giờ đã hình thành vực sâu, không còn những bãi cát trắng như trước kia nữa” – ông Hiền nói. Bà Nguyễn Thị Gái (thôn Tân Bình) cho biết thêm, 4 sào đất màu của bà chỉ còn có 2 sào, còn lại đã rớt sông. Tuy nhiên, bà Gái, ông Hiền và người dân có đất hoa màu bức xúc trước nạn hút cát trộm trên sông chưa được xử lý dứt điểm. “Các ghe hút các hoạt động chủ yếu nửa đêm đến gần sáng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm” – bà Gái nói. Ông Phạm Văn Hòa (thôn Tân Bình) cho rằng, ở vùng sạt lở này, 2 năm trước, Công ty An Thịnh khai thác đêm ngày, công ty này còn dàn đàn ghe hút cát với công suất lớn để tận thu cát và gặp sự phản đối kịch liệt từ người dân nên đã tạm ngưng hoạt động. “Dân ở đây đấu tranh dữ lắm để giữ lại từng tấc đất. Nếu công ty tiếp tục khai thác thì người dân sẽ ra sông để canh giữ” – ông Hòa nói.

    Ông Huỳnh Tài – Trưởng thôn Tân Bình 4, xã Điện Trung cho rằng, Công ty An Thịnh từng được cấp phép ở vùng này nhưng đã ngưng khai thác do bị dân phản đối. Còn các đối tượng hút cát lại lộng hành ngoài sông, chúng trang bị ghe chở cát với công suất mỗi ghe 60m3 cát, chủ yếu lén lút khai thác ban đêm. Điểm tập kết cát nằm ở bến Cô Đơn cách đó không xa. “Sạt lở ảnh hưởng đến bờ kè 4 tỷ đồng được làm năm 2015, kéo dài từ xã Điện Trung tới cầu Kỳ Lam với tổng chiều dài 400m. Bờ kè được xây dựng để bảo vệ chân cầu và một số nhà dân ven sông. Mong lực lượng chức năng ngăn chặn triệt để để bảo vệ vùng đất sản xuất còn lại của thôn” – ông Tài kiến nghị. Cũng như người dân Điện Trung, nông dân sản xuất cây màu vùng chuyên canh của xã Điện Phong, Điện Quang cũng nơm nớp lo mất đất.

    Nguy cơ “xóa sổ” nhà cửa

    Mấy năm gần đây, sông Thu Bồn tiếp tục xâm thực nặng vào đất sản xuất và nhà ở của người dân Trung Phước 1, Trung Phước 2 (xã Quế Trung, Nông Sơn). Thôn Trung Phước 2 hiện có 4 hộ dân sống kề “miệng hà bá” khi sông xâm thực sâu vào nền móng nhà ở của họ. Anh Tăng Thoại cho hay, sông bắt đầu lở từ năm 1998 – 1999, cuốn trôi gần chục mét đất của gia đình, nhiều bờ tre đã rớt sông và đất tiếp tục lở. “Gia đình tôi bỏ tiền mua đất đóng cừ để giữ đất nhưng chẳng ăn thua. Lũ lớn, sạt lở càng nghiêm trọng, các nhà đều sơ tán hết, không ai dám ở lại. Cả 4 hộ đều là 4 hộ nghèo, sinh kế chủ yếu dựa vào sông nước. Gia đình tôi có 5 nhân khẩu thì chỉ tôi là lao động chính, vợ phải ở nhà chăm sóc mẹ già và 2 con nhỏ. Mong được Nhà nước cấp đất tái định cư và hỗ trợ di dời để chúng tôi có điều kiện làm nhà” – anh Thoại tâm sự. Bà Tăng Thị Tín, một chủ hộ đơn thân sống cạnh cho biết thêm: “Khu này có 4 hộ nghèo không biết lấy đâu ra tiền để mua đất làm nhà mới. Nhiều hộ có người già, người bệnh tật, có hộ chỉ có một lao động chính gồng gánh cả gia đình nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Với đà này, chỉ vài đợt lũ nữa 4 cái nhà này sẽ bị trôi ra sông mất” – bà Tín nói. Cạnh đó, bà Tăng Thị Bai (60 tuổi) bị tai biến, nằm một chỗ, đang sống với đứa con trai nhỏ trong căn nhà lụp xụp bốn vách được ngăn tạm bằng tấm lợp tôn. “Ngày trước, tôi có căn nhà lợp bằng ván cũ nhưng lũ về đã làm đổ sập rồi. Gần đây một tổ chức từ thiện cho tôi 15 triệu đồng mua tôn ngăn tạm căn nhà nhưng móng nhà tôi bị lở rồi. Nghe nhà nước tính di dời tôi vào tận Hố Môn nhưng vô đó tôi bệnh tật không tự đi lại được, con thì còn nhỏ đi học khó khăn lắm nhưng ở đây thì không yên” – bà Bai tâm sự.

    Ông Nguyễn Văn Lanh – Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, toàn xã có 36 hộ dân đối diện với nguy cơ sạt lở ven sông. Năm 2017, xã đã bố trí xen ghép 2 hộ dân có nguy cơ cao để bà con ổn định đời sống. Trong quy hoạch sử dụng đất và sắp xếp bố trí dân cư, xã sẽ tiếp tục bố trí một số hộ vào khu dân cư Cây Si (thôn Trung Hạ). “Năm 2005, xã từng bố trí mấy chục hộ vào khu tái định cư ở Trung Phước, nhưng nhiều hộ không chịu dời đi, giờ thì khu vực trên đã hết đất bố trí. Khó khăn là quỹ đất bố trí tái định cư của xã vô cùng hạn hẹp, đất ở khu vực trung tâm đã hết, chỉ có thể di dời đến nơi xa, đi lại khó khăn. Chưa nói các hộ sống ven sông sinh kế chủ yếu dựa vào sông nước và dựa vào chợ nên nếu di dời thì sinh kế bị ảnh hưởng. Nguyên tắc bố trí tái định cư phải thu hồi đất, nhưng như vậy thì quá khó cho người dân vì sinh kế” – ông Lanh nói. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU