Trang chủPhóng sựGiá thơm thấp kỷ lục

    Giá thơm thấp kỷ lục

     

    Nhiều năm nay, cây thơm (dứa, khóm) vốn là đối tượng cây trồng chủ lực của vùng Đại Sơn, Đại Hồng (Đại Lộc). Nhưng thời điểm này, giá thơm thấp kỷ lục khiến người trồng lao đao.

    Đây là mùa thơm thất bát nhất từ trước đến nay.Ảnh: H.L
    Đây là mùa thơm thất bát nhất từ trước đến nay.Ảnh: H.L

    Giá thấp, lỗ vốn

    Vùng Đại Sơn, Đại Hồng đang rộ mùa thơm rẫy, trong khi giá cả đầu ra xuống mức thấp kỷ lục khiến nông dân ngao ngán.

    Khu vực Khe Hoa, thôn Tân Đợi, xã Đại Sơn cả ngày chỉ một hai xe tải chở thơm ra từ rừng, bởi nhu cầu thu mua của thương lái không nhiều.

    Với người dân ở vựa thơm này, đây là mùa thơm thất bát nhất trong 10 năm trở lại đây.

    Gia đình ông Trà Quang Dương trồng 3ha thơm ở xã Đại Sơn kể, những năm trước thị trường và giá cả rất tốt, người dân cũng chuyển đổi từ trồng keo sang trồng thơm.

    Theo ông Dương, nếu đắt, mỗi chục thơm 12 trái loại lớn có giá từ 70 – 100.000 đồng thì nay chỉ còn 15 – 20.000 đồng/chục, còn thơm nhỏ chỉ có giá 5.000 đồng/chục.

    Nhẩm tính, với 3ha trồng thơm, vốn liếng gồm giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển ông Dương đã mất đứt vài chục triệu đồng nhưng hiện chỉ thu được 5 triệu đồng.

    Hay như bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Tân Đợi, Đại Sơn) chia sẻ thêm, việc vận chuyển thơm từ rẫy ra khỏi rừng cũng rất tốn kém. Mỗi cộ trâu chở khoảng 300kg thơm lớn, người thuê phải trả cho chủ cộ tới 400.000 đồng. Có những rẫy nằm ở vị trí quá xa, cộ trâu chỉ có thể trung chuyển ra nửa đường rừng, chủ rẫy phải thuê xe tải trung chuyển ra ngoài đường QL 14B để thương lái tới gom hàng.

    Bà Phan Thị Tân (thôn Hòa Hữu, xã Đại Hồng) kể, những vùng đồi đất tốt, màu mỡ cho trái thơm to còn đỡ, còn những rẫy đất đai bạc màu do canh tác lâu năm mà sức đầu tư chăm sóc, bón phân hạn chế, mỗi chục thơm chỉ bán với giá 5.000 đồng, không đủ công bẻ, vận chuyển nên nhiều người đành chấp nhận bỏ nguyên một rẫy thơm chín rộ.

    “Như tôi trồng 15.000 gốc thơm, mấy năm trước mỗi vụ thu vài chục triệu đồng thì giờ coi như lỗ nặng, nợ tiền phân, thuốc đại lý nhiều rồi” – bà Tân kể.

    Theo bà Tân, tính sơ mấy hộ trồng thơm sát rẫy bà như ông Nguyễn Thể ở Đại Hồng, bà Nguyễn Thị Lời ở Đại Sơn, do không có cộ trâu, lại không đủ nhân công bẻ thơm, vận chuyển nên chấp nhận bỏ thơm chín đầy rẫy.

    Bà Trần Thị Kim Hoàng (xã Đại Sơn) trồng 50.000 gốc thơm, để giảm chi phí vận chuyển, bà cùng với 7 – 8 hộ chung tiền thuê một xe tải vào trung chuyển thơm ra QL 14B.

    Theo nhiều người trồng thơm vùng Đại Sơn và Đại Hồng, đầu ra của toàn bộ vựa thơm chỉ trông chờ vào thương lái là chính nên sức ép từ thương lái cũng không nhỏ lên giá cả, thị trường, nhất là ở thời điểm rớt giá.

    “Cứ chở thơm ra khỏi rừng là coi như của họ rồi, đắt rẻ cỡ mấy cũng bàn giao cho thương lái. Có lúc thấy họ bán thơm cho khách với giá đắt gấp đôi, gấp ba giá mua của nông dân cũng chịu” – một nông dân xã Đại Hồng tâm sự.

    Cần giải pháp bền vững

    Theo ông Từ Văn Thẩm – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng, cây thơm nhiều năm nay là cây trồng thế mạnh của địa phương để chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả giúp nông dân thoát nghèo. Cả xã có tới 400 – 500 hộ trồng thơm trên diện tích khoảng 200ha ở vùng núi của xã Đại Hồng và cả Đại Sơn. Nếu khoảng vài năm về trước, cây thơm rất được chuộng, giá cả và đầu ra rất tốt, cho thu nhập cao thì một năm trở lại đây, thị trường bất ổn, giá cả và đầu ra gặp khó. Diện tích trồng đất lúa, đất màu của Đại Hồng không nhiều nên một bộ phận lớn nhân dân sống nhờ nương rẫy, gia trại, chủ yếu là cây thơm.

    Ông Ngô Vinh – Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết thêm, toàn xã Đại Sơn có khoảng hơn 300ha trồng thơm của nhân dân hai xã Đại Sơn và Đại Hồng. Vùng trồng thơm tập trung ở các thôn Đầu Gò, Thác Cạn, Ba Tớt… nhiều nhất là Đầu Gò, chiếm 80ha.

    “Cây thơm là cây thoát nghèo của xã Đại Sơn nhưng thị trường biến động, giá cả liên tục nhảy múa khiến nông dân bất an. Nếu cứ liên tiếp thì nguy cơ nông dân bỏ rẫy cũng rất lớn song hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hay can thiệp cũng rất khó ở thời điểm này. Xã đang tính vận động nhân dân chuyển đổi một phần diện tích hoặc thành lập tổ hợp tác trồng và thu mua thơm, hướng tới xây dựng thương hiệu thơm an toàn để giúp nông dân có đầu ra, giá cả ổn định. Song đây mới chỉ là định hướng, việc triển khai thực tế không dễ dàng trong ngày một ngày hai” – ông Ngô Vinh nói. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU