Trang chủPhóng sựĐi lên bằng đam mê thời trang

    Đi lên bằng đam mê thời trang

     

    Bằng niềm đam mê đặc biệt với nghề may áo quần thời trang, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1980, xã Tam Hải, Núi Thành) đã bén duyên và gắn bó dài lâu với nghề.

    Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (bìa phải) trao đổi với lao động cách may mẫu áo mới. Ảnh: D.L
    Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (bìa phải) trao đổi với lao động cách may mẫu áo mới. Ảnh: D.L

    Chọn đường học nghề

    Học hết phổ thông, hoàn cảnh gia đình không cho phép chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ tiếp tục con đường học tập, chị chọn con đường học nghề may ở một tiệm may ngay trên mảnh đất quê hương. Học nghề từ năm 2000, rồi chị phụ cho tiệm may, tích lũy kinh nghiệm cũng như vốn liếng nuôi giấc mơ của riêng mình. Giấc mơ của chị Lệ đơn giản chỉ là một tiệm may nhỏ do mình làm chủ, rồi tự tay thiết kế cho khách hàng những bộ áo quần thời trang phù hợp với mọi lứa tuổi. Có trong tay chưa đầy chục triệu đồng, chị mua máy may bàn đạp và dụng cụ cho tiệm may, mở tiệm tại nhà vào năm 2002. Chị qua phà đến thị trấn Núi Thành mua vải vóc về, vừa cho khách hàng chọn may đồ, vừa bán vải lẻ. Từ đó, Lệ bắt đầu xây dựng cơ ngơi cho riêng mình. Chị Lệ tâm sự: “Có được tiệm may là niềm mơ ước của tôi lúc ấy. Làm chủ nên tôi có thể tư vấn cho khách hàng của mình cách chọn vải, chọn những mẫu thiết kế phù hợp lứa tuổi. Mẫu thiết kế tôi tự vẽ trên giấy cho khách xem và chọn. Rồi khách có ý tưởng thiết kế bộ áo quần của mình thế nào, họ có thể nói và cùng tôi vẽ ra một mẫu riêng có. Thế mà họ thích, rồi họ đến với mình ngày càng đông hơn”.

    Năm 2013, con gái lớn của chị Lệ học xong lớp 11 thì không đi học nữa, mà chọn con đường đi của mẹ. Con gái ở nhà phụ chị thiết kế một số mẫu tuổi teen, chị Lệ quyết định mở rộng tiệm may, mua thêm vải về bán nhiều hơn. Chị khuyên con đi học nghề thiết kế thời trang ở một trường nghề sẽ tốt hơn cho định hướng phát triển sau này của tiệm may. Con gái chị nghe lời, vào TP.Hồ Chí Minh ở với dì để đi học nghề thiết kế. Con gái chị Lệ vừa học vừa thiết kế thêm nhiều mẫu tuổi teen đang ưa chuộng để phục vụ nhu cầu của khách hàng lứa tuổi này. Vậy là tiệm may có thể mở rộng thêm khách hàng để phục vụ. Tiệm may sẵn theo mẫu có dáng chuẩn, khách chỉ đến chọn lựa vừa dáng người, cần chỉnh sửa ngay tại chỗ. Nhiều người biết tiếng, khách ở xã Tam Hải hay trong toàn huyện Núi Thành chỉ cần một lần biết, đưa số đo chuẩn cho chị là có ngay bộ đồ ưng ý, được gửi về tận nhà.

    Phát triển thương hiệu

    Khi tiệm may của chị Lệ được biết đến ngoài phạm vi xã Tam Hải, chị suy nghĩ cần phải mở rộng, phát triển thương hiệu. Nghĩ là làm, chị Lệ bàn với chồng thành lập Công ty TNHH Thiết kế, may mặc Art House vào tháng 4.2017. Người em gái của chị Lệ cùng con gái ở TP.Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm tìm đơn hàng từ các công ty, chị nhận về gia công. Chị tìm kiếm mối may hàng thời trang cho các cửa tiệm ở thị trấn Núi Thành, bỏ shop bán ở chợ. Có đơn hàng ổn định từ các công ty ở TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, chị tuyển dụng lao động là những chị em có nghề hoặc không có nghề của xã Tam Hải đến làm việc. Người có nghề, chị để họ may theo mẫu thiết kế. Người chưa có nghề, chị Lệ vừa dạy nghề may cho họ, vừa để họ phụ một số công đoạn cắt chỉ, rút chỉ, khâu nút, làm khuy, ủi… Nhiều lao động nữ đi học nghề nhưng lại có nguồn thu nhập. Chị Trần Thị Thanh Thanh (sinh năm 1997) mới vào Công ty Art House để học nghề nhưng đã có nguồn thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Chị Thanh nói: “Với chị em phụ nữ ở xã đảo này, nếu học xong không đi học tiếp thì chỉ còn biết làm nghề biển, chớ đi làm công nhân ở nhà máy cũng ít lắm. Tôi đã có 2 con đều còn nhỏ nên phải gửi trẻ cả ngày. Tôi được nhận vào làm ở đây gần nhà, có điều kiện chăm con lại có thu nhập mà được học nghề nữa”.

    Có 16 lao động đang được giải quyết việc làm tại Công ty Art House, công việc ổn định từ hàng chục đơn hàng mà chị Lệ mang về.  Năm 2017 và 2018, chị Lệ nhận hơn 40 đơn hàng từ các công ty để gia công, mỗi đơn hàng hơn 500 sản phẩm. Đơn hàng có thể là áo quần thể thao hay đồ lạnh mùa đông. Chị Lệ cho biết: “Có công ty nghĩa là mình có pháp nhân, hoạt động thuận lợi hơn, dễ nhận đơn hàng từ các công ty lớn hơn. Điều quan trọng là mình phải tạo sự tin tưởng cho họ, để năm sau tiếp tục có đơn hàng cho lao động của mình có công việc làm. Hàng nhận về phải may đúng thiết kế, yêu cầu của họ, và đặc biệt không được trễ hẹn. Tôi mong muốn được tạo điều kiện tiếp cận được các hội chợ công thương của huyện, tỉnh để quảng bá, phát triển thương hiệu Art House, tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để mở rộng xưởng may, tạo thêm công ăn việc làm cho chị em phụ nữ ở xã đảo”. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU