Trang chủPhóng sựBất cập giá trứng gia cầm

    Bất cập giá trứng gia cầm

     

    Trứng gia cầm được nông hộ bán ra cho thương lái với giá rất thấp nhưng khi đến tay người tiêu dùng lại tăng rất cao. Đó là chuyện bất cập.

    Bà Lê Thị Lý tập hợp trứng gà Ai Cập để bán. Ảnh: V.Q
    Bà Lê Thị Lý tập hợp trứng gà Ai Cập để bán. Ảnh: V.Q

    Chênh lệch lớn

    Bà Lê Thị Lý (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) chuyên nuôi gà để bán trứng từ 10 năm nay. Do đầu ra bấp bênh, nhiều khi phải chịu lỗ nên quy mô đầu tư cứ giảm dần. Hiện tại, bà Lý chỉ nuôi 500 con gà Ai Cập bán trứng, chỉ bằng 1/7 so với tổng đàn gà vào thời điểm nhiều nhất trước đây. “Tôi chuyên nuôi gà công nghiệp lấy trứng, bán ra thị trường. Trong năm qua, giá trứng gà công nghiệp giảm từ 1.800 đồng xuống còn 1.400 đồng, chịu lỗ nên tôi chuyển sang nuôi gà Ai Cập để bán trứng. Từ đầu năm 2018 đến nay, mỗi trứng gà Ai Cập giảm giá từ 3.000 đồng xuống còn 2.700 đồng rồi 2.400 đồng vào thời điểm này. Dù muốn lấy công làm lời nhưng với đà này thì nhiều khả năng tôi sẽ “treo” chuồng vì không thể tiếp tục cầm cự” – bà Lý nói. Cũng theo bà Lý, với 500 con gà Ai Cập đang nuôi, riêng thức ăn mỗi ngày đã tốn 50kg, chi phí 600 nghìn đồng. Cộng thêm giá thành từ điện, nước, thuốc, dịch vụ thú y tốn kém xấp xỉ 750 nghìn đồng/ngày. Trong khi đó, mỗi ngày, đàn gà 500 con chỉ đẻ chừng 300 trứng, bán được 720 nghìn đồng. Nhiều nông hộ nuôi vịt, gà trên địa bàn tỉnh cho biết, tư thương, đầu nậu mua trứng với giá rất rẻ vì cho rằng nguồn cung đang dư thừa, trứng đang ế ẩm trên thị trường.

    Khảo sát hầu hết chợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, chúng tôi ghi nhận mỗi trứng gà công nghiệp được bán với giá 3.000 – 3.500 đồng; mỗi trứng gà ta được bán với giá 4.000 – 4.500 đồng. Còn trứng gà Ai Cập rất hiếm, hầu như không có mặt ở các chợ. Bà Nguyễn Thị Định vốn là nông hộ nuôi gà bán trứng ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) từ lâu, nay đã nghỉ nuôi cho biết: “Trước đây nuôi gà chịu thiệt chừ làm người tiêu dùng cũng lại chịu thiệt. Chỉ có khâu trung gian mới thu lợi lớn”. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, nếu giá trứng gia cầm không tăng lên trong những ngày tới thì các nông hộ cũng đành bán tống bán tháo, chịu lỗ vì trứng khó có thể dự trữ được, càng để lâu càng dễ hư. Nếu đà này tiếp diễn thì rất ít nông hộ có thể tiếp tục sinh kế với nghề nuôi gia cầm bán trứng. “Đã bao năm nay, “điệp khúc” được mùa, mất giá liên tục khiến người dân lao đao. Người chăn nuôi nói riêng, nông hộ nói chung luôn phải đối mặt với thua lỗ nếu nhu cầu của thị trường thấp” – ông Võ Văn Nghi nói.

    Giải pháp khả thi

    Theo ông Võ Văn Nghi, nếu hạn chế vai trò của khâu trung gian thì lợi ích kép đem lại cho cả người nuôi gia cầm lẫn người tiêu dùng. Để thực hiện điều đó rất cần vai trò của siêu thị. Nói cách khác, người sản xuất muốn đưa trứng đến siêu thị thì cần phải tổ chức lại sản xuất bằng cách các nông hộ phối hợp lẫn nhau thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Thành phần kinh tế tập thể sẽ trực tiếp trao đổi, ký hợp đồng với siêu thị để ổn thỏa đầu ra sản phẩm trứng gia cầm. Hình thành chuỗi giá trị trứng gia cầm, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết. Khi đó nông hộ ổn thỏa đầu ra còn người tiêu dùng hưởng lợi nhờ tiếp cận sản phẩm chất lượng lẫn giá cả phải chăng. Để hình thành bền vững chuỗi liên kết đó thì vấn đề đặt ra là nông hộ thông qua hợp tác xã hay tổ hợp tác phải xây dựng được thương hiệu nông sản, khẳng định vị thế. Việc xây dựng và giữ thương hiệu cũng cần được người sản xuất quan tâm thông qua dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hiện nay, tem điện tử đã hình thành, có giá rẻ mà lại không thể giả mạo như tem in giấy được nên nông hộ cần tiếp cận với ngành chức năng để triển khai.

    Đến thời điểm này, chuỗi cung ứng sản phẩm trứng gà an toàn đã được triển khai tại Trại gà Văn Học (xã Tam An, Phú Ninh). Tổng đàn gà thường xuyên có tại trại nuôi là 18 nghìn con gà đẻ. Sản lượng trứng cung ứng ra thị trượng đạt 16 nghìn trứng/ngày. Trứng gà của Trại gà Văn Học đã được đưa vào Co.opMart Tam Kỳ bán đến tay người tiêu dùng. “Trứng gà Văn Học đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chí an toàn thực phẩm, xác lập nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên không chỉ chúng tôi đón nhận mà người tiêu dùng cũng ưa chuộng sử dụng” – bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ nói.

    Để trợ giúp các nông hộ chăn nuôi gia cầm ổn định đầu ra, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT thí điểm triển khai xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm trứng gà an toàn. Ông Phan Quang Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản & thủy sản cho biết, việc áp dụng mô hình chuỗi trứng gà an toàn giúp cơ sở chăn nuôi phòng chống được dịch bệnh động vật. Ngành chức năng hỗ trợ người chăn nuôi trang bị tủ mát để bảo quản trứng, đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ sở kinh doanh cũng được hỗ trợ thiết kế, trang trí ở địa điểm bán hàng, qua đó được xác nhận bán sản phẩm trứng gà an toàn theo chuỗi. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU