Tôi còn nhớ buổi sáng hôm ấy. Trời trong. Thành phố Đà Nẵng như thức dậy sớm hơn. Tiếng loa truyền thanh vang vọng bài ca: “Về với Quảng Nam như không hề có cuộc chia ly…”. Tôi là người con của Quảng Nam được điều ra công tác ở Tổ truyền hình mà các bạn đồng nghiệp gọị: “Đây là Đài Truyền hình phát trên sóng phát thanh”, nghe trong lòng rạo rực hơn, bởi rồi đây, sẽ được trở lại công tác tại quê nhà sau bao năm gắn bó.
Chuyện các bạn trêu chọc không phải bổng dưng. Chẳng là, khi có xu hướng Quảng Nam – Đà Nẵng cần có Đài PT – TH riêng, lại phù hợp với xu hướng chia tách tỉnh nên Ban Giám đốc Đài Phát thanh QN-ĐN, lúc đó Anh Hoàng Công Hầu là Giám đốc, muốn đi trước một bước, chuẩn bị con người và nghiệp vụ ban đầu, chủ ý để anh em làm quen với công việc mới mẻ này. Tổ truyền hình bấy giờ của Đài Phát thanh QN – ĐN không có mấy người, số anh em là phóng viên Đài tỉnh có ThanhTám, Mai Tư, Huỳnh Bảy, Huy Hùng và Thân Trọng Ca; số ở huyện thị điều lên có chút vốn luyến nghiệp vụ vì có thời gian cộng tác với Đài Truyền hình khu vực chỉ vỏn vẹn 3 người là Ngọc Bình (Tam Kỳ), Hoài Thúc (Thăng Bình) và Kim Sơn (Đại Lộc). Anh em Đài tỉnh thì làm kiêm nhiệm, anh em Đài huyện lên, xem như làm toàn thời gian. Ngặt nỗi, chỉ nắm thông tin mà tới ghi hình, làm tin chứ chẳng ai mời với chức năng làm truyền hình. Khi làm xong tin thì cộng tác với Đài khu vực, nhưng nếu có Đài khu vực đi thì Đài tỉnh quay phim chỉ làm tư liệu. Theo chính danh, thì QN-ĐN lúc bấy giờ chưa có Đài Truyền hình tỉnh, anh em phát thanh đi làm truyền hình thì phát ở đâu, “truyền hình phát trên sóng phát thanh” là vậy.
Ấy vậy mà, cũng có lúc “đùm đề thê tử”, cả tổ mang máy móc thiết bị lên huyện Trà My làm trực tiếp Truyền hình Đại hội Đảng bộ được bà con khen nức nở. Đặc biệt, lần đầu tiên cán bộ và người dân Trà My thấy một tập thể làm truyền hình hòa đồng, tận tâm, tận lực mà không đòi hỏi điều kiện nào.
Và, sáng hôm ấy, sau thời gian lập Tổ truyền hình khoảng một năm rưỡi, trong vui buồn đan xen của người Đà Nẵng vào Quảng Nam, người Quảng Nam về lại với Quảng Nam, tâm sự chật chội, chất đầy trong chiếc xe Đờ – Nôn màu vàng đỏ ra đi từ số 3 Lê Lợi, mang theo cả bàn ghế, tủ, vật dụng máy móc vốn lẫn những con người lòng ôm nhiệt huyết. Vỏn vẹn 17 người, cả mới lẫn cũ đi xây Đài PT – TH Quảng Nam.
Một thoáng, thế mà đã 15 năm. Anh Lê Hoàng Linh, Giám đốc khi đi chưa hề điểm bạc, giờ tuyết in mái tóc. Anh về hưu đã 2 năm nay. Nhiều anh, chị thế hệ 5X, khi đi đang thời sung mãn, giờ đã sương pha. Một số anh chị đã vĩnh viễn đi xa…Tấn Thọ, Văn Nghiêm, Hoài Thúc, Văn Hòa, Tiến Dũng…để lại bao kỷ niệm một thời.
Một thời làm truyền hình với máy quay M9000, M9500 bằng băng VHS, phóng viên quay, kỹ thuật dựng hình. Giữa người quay và người dựng nếu không đồng tình thì quay hình tốt cũng có thể biến thành xấu. Dễ phải cầu cạnh, lệ thuộc nhau. Có những khuôn hình xanh xanh, đỏ đỏ như người bị rốt rét, phần vì chất lượng máy, phần vì tay nghề có hạn. Giờ anh em sử dụng máy quay kỹ thuật số, tự dựng phi tuyến, chuyển lời và hình qua mạng. Phóng viên có thể tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình từ A đến Z. Những hình ảnh cách đây không lâu đã lùi xa về quá khứ. Cuộc sống tinh thần vật chất thoải mái hơn nhiều, thay cho những chiếc xe đạp, xe máy cà tàng, đã thấp thoáng có ô tô riêng.
Tôi, thế hệ 5X, như nhiều anh chị em khác, vừa là chứng nhân của bao nhiêu thay đổi, vừa là người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng,phát triển đi lên của Đài PT – TH Quảng Nam thấy lòng nhẹ nhõm, vui mừng, tự hào vì sự lớn mạnh của Đài. Một thế hệ mới đã và đang được đầu tư, cùng chung tay, góp sức xây dựng cánh sóng QRT vươn lên cùng sức trẻ giàu tiềm năng, nhiệt huyết.
Trần Ngọc Bình