Trang chủGóc nghề nghiệpChuyện nghềLê Hoàng Linh: người ươm mầm phát triển QRT và báo chí...

    Lê Hoàng Linh: người ươm mầm phát triển QRT và báo chí Quảng Nam

    Tôi quen biết với anh Lê Hoàng Linh thời tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chưa chia tách. Lúc đó anh  Linh là Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng, còn tôi công tác ở Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tôi biết anh Linh qua mối quan hệ công tác và qua một người bạn chiến đấu của anh Linh cũng rất thân thiết với tôi trong quá trình làm cộng tác hoạt động khoa học là anh Trương Đình Hùng – Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn Trung Trung bộ.

    Lê Hoàng Linh sớm giác ngộ và tham gia cách mạng. Lúc mới 14 tuổi, vào năm 1964, anh tham gia du kích, là Tiểu đội trưởng Du kích xã Phú Hương (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Từ năm 1966, anh tham gia công tác giáo dục của huyện Quế Sơn, sau khi được đào tạo lớp học Sư phạm sơ cấp do Ban Giáo dục tỉnh Quảng Nam mở. Sau đó anh được điều động lên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam, làm cán bộ Đội vũ trang tuyên truyền, trực tiếp công tác tại địa bàn thị xã Tam Kỳ. Cuối năm 1968, anh Linh được Tỉnh ủy điều động và phân công làm Đội phó Đội vũ trang tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Thị ủy Tam Kỳ, làm Phó Trưởng ban Giao bưu Thị xã, rồi vào Ban Chấp hành Thị ủy Tam Kỳ…

    Năm 1971, anh  Linh bị thương, được cấp trên cho ra miền Bắc điều trị và tiếp tục đi học. Sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông lao động Trung ương, anh trúng tuyển vào Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí – Tuyên truyền). Sau khi tốt nghiệp anh về lại quê hương công tác. Anh đã làm việc tại Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng phụ trách theo dõi công tác báo chí, sau đó làm Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Đài Phát thanh Quảng Nam – Đà Nẵng.

    Anh Lê Hoàng Linh (người ngoài cùng bên trái) và tác giả (người thứ hai, từ trái sang) chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh ( đồng chí mai Thúc Lân – Bí thư Tỉnh ủy, người đầu tiên bên phải; đồng chí Lê Trí Tập – Chủ tịch UBND tỉnh, người thứ hai, từ bên phải sang, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người thứ ba, từ trái sang) kiểm tra các công trình trụ sở cơ quan, chuẩn bị vào Tam Kỳ (01/1997).

    Ngày 01/01/1997, Trung ương chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Thực hiện chủ trương đó, các cơ quan cấp tỉnh của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cũng chia tách thành hai bộ phận. Một bộ phận đi Quảng Nam, bộ phận khác ở lại Đà Nẵng. Anh Lê Hoàng Linh vào làm Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam, còn tôi vào công tác tại Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Nam. Hai cơ quan là “hàng xóm” với nhau trên đường Hùng Vương, Tam Kỳ.

    Ngày 01/01/1997, Trung ương chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Thực hiện chủ trương đó, các cơ quan cấp tỉnh của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cũng chia tách thành hai bộ phận. Một bộ phận đi Quảng Nam, bộ phận khác ở lại Đà Nẵng. Anh Lê Hoàng Linh vào làm Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam, còn tôi vào công tác tại Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Quảng Nam. Hai cơ quan là “hàng xóm” với nhau trên đường Hùng Vương, Tam Kỳ.

    Chia tách từ ngày 01/01/1997, nhưng phải sau gần 2 tháng, đến 21/02/1997 (nhằm ngày Rằm tháng Giêng) các cơ quan mới chính thức chuyển vào Tỉnh lỵ Tam Kỳ. Cũng như các ngành khác, khi chuyển vào Tam Kỳ, QRT phải xây dựng lại từ đầu, nên những năm đầu nơi làm việc là tạm bợ, ở tạm tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị của Thị ủy Tam Kỳ. Các ngành chủ yếu xây dựng trụ sở, riêng Đài QRT thì vừa xây dựng trụ sở, vừa xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ phát sóng phát thanh và truyền hình. Cùng với phát thanh, việc phát hình trong những năm đầu thành lập tỉnh Quảng Nam, được lãnh đạo tỉnh và anh Linh hết sức quyết tâm. Sau gần 4 tháng xây dựng, ngày 19/5/1997 truyền hình đầu tiên của Đài QRT được lên sóng với máy phát công suất khiêm tốn 100W. Đài QRT cũng đã hoàn thành nhanh chóng xây dựng Ăng- ten cao 125m tại đồi An Hà để phục vụ phát sóng truyền hình và phát thanh FM.

    Trong vòng 5 năm (1997 – 2002), Đài QRT liên tiếp đầu tư trang thiết bị và công nghệ phát thanh, truyền hình. Lúc đó, đã trang bị được 1 máy phát hình kênh 31UHF, công suất 10KW, 01 máy phát hình kênh 23UHF, công suất 10KW, 01 máy phát hình kênh 6VHF, công suất 1KW và 1 kênh 11VHF công suất 100W. Lĩnh vực phát thanh, đã trang bị 01 máy phát sóng FM công suất 5KW. Năng lực phủ sóng lúc đó đã gần hết diện tích của tỉnh Quảng Nam.

    Anh Linh cũng là người đi đầu trong đổi mới công nghệ truyền hình. Tôi còn nhớ, khoảng năm 2003, Đài QRT đã đăng cai Hội nghị khoa học toàn ngành, tôi được mời tham dự hội nghị này. Tại hội nghị, đã bàn đổi mới công nghệ truyền hình theo xu hướng phát triển công nghệ số: truyền hình số mặt đất (DVB-T).

    Ngoài ươm mầm phát triển QRT, anh Lê Hoàng Linh đã chăm lo xây dựng và phát triển Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam. Năm 1999, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam được thành lập, anh Lê Hoàng Linh được bầu làm Chủ tịch. Lúc đầu, có mấy chục hội viên, đến năm 2010, gần 10 năm phát triển số lượng hội viên đã tăng lên con số 124 hội viên. Số lượng hội viên tăng, nhưng đảm bảo chất lượng. Tôi là một trong số hội viên mới ấy. Tôi tham gia hoạt động báo chí từ năm 1993, làm Tổng biên tập một số tạp chí khoa học, nhưng đến năm 2003, tôi mới được xét kết nạp viên Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam.

    Theo quy luật của cuộc đời, anh Lê Hoàng Linh đã nghỉ hưu từ năm 2010. Các thế hệ đàn em của anh đã tiếp tục xây dựng và phát triển Đài QRT và sự nghiệp báo chí của tỉnh Quảng Nam. Đài QRT đã đổi mới rất nhiều công nghệ sản xuất – phát sóng phát thanh, truyền hình. Hiện nay sóng của QRT đã truyền dẫn qua vệ tinh Vinasat, Internet. QRT không những có báo nói, báo hình, mà còn có báo điện tử. Mọi người cũng bắt gặp QRT trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube. Thời lượng phát sóng đã lên tới 18h/ngày. Đài cũng mới hoàn thành xây dựng Phim trường rộng 950 m2 để tổ chức sản xuất các chương trình lớn!

    Nhà báo Lê Hoàng Linh và cán bộ, viên chức Đài QRT tại lễ Gặp mặt và trao huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Quảng Nam”

    Hội Nhà báo Quảng Nam cũng đã liên tục phát triển. Đến nay, Hội Nhà báo Quảng Nam có trên 200 hội viên. Các tổ chức trực thuộc Hội cũng được phát triển. Ngoài các chi hội có đông hội viên như Chi hội Nhà báo Báo Quảng Nam, Chi hội Nhà báo Đài QRT; Chi hội Nhà báo Đại diện các cơ quan báo chí tại Quảng Nam, Chi hội Nhà báo Văn phòng – các tạp chí, Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi, Câu lạc bộ Nhà báo nữ cũng đã được thành lập. Tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng Trung tâm báo chí Quảng Nam khang trang, tiện ích cho các hoạt động của các nhà báo.

    Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), nhớ lại những tháng, năm đầu thành lập tỉnh Quảng Nam, nhớ Nhà báo Lê Hoàng Linh, người anh, người bạn rất chân tình, tôi mạo muội viết vài dòng gởi gắm tình cảm anh em nhà báo với nhau và cũng để tự hào về sự nghiệp báo chí của tỉnh Quảng Nam, có sự đóng góp lớn của anh Lê Hoàng Linh trong chặng đường đầu thành lập.

    Nhà báo Ngô Văn Hùng

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây