Đến hẹn lại lên! Trong quá trình thực hiện nhưng tác phẩm truyền hình của mình, nhất là đối với các thể loại phóng sự dài, phim tài liệu, tôi và một số anh em đồng nghiệp luôn tất bật đi tìm đề tài. Gắn liền với mỗi đề tài, mỗi tác phẩm là những nhân vật, mà có khi họ đã trở thành người bạn tâm huyết của chúng tôi.
Phương – người bạn ” tí hon” của tôi:
Năm 1997, khi thực hiện phóng sự về nạn nhân chất độc màu da cam tại huyện Quế Sơn, tôi tình cờ gặp được Nguyễn Ngọc Phương. Năm ấy, Phương đã 15 tuổi nhưng chỉ cao vỏn vẹn 60 cm. Dù bị khiếm khuyết về hình thể, nhưng Phương vẫn sống yêu đời và luôn khát vọng vươn lên. Quá ấn tượng về Nguyễn Ngọc Phương, cuối năm 1997, dù là phóng viên mới vào nghề nhưng tôi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo phòng làm phóng sự về Phương. Tác phẩm được gửi đi dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc và được tặng bằng khen. Tuy chưa phải là một giải thưởng cao nhưng với tôi, một phóng viên mới vào nghề đó là sự khởi đầu rất may mắn.
Cũng từ quá trình làm tác phẩm này, tôi và Phương đã gắn bó với nhau như một sự đồng cảm thực sự. Tôi luôn động viên và giúp Phương vươn lên, tìm được một nghề phù hợp với sức khỏe và tầm vóc của mình để có thể tự nuôi sống bản thân. Đến năm 2000, dù đã học được nghề sửa đồng hồ, nhưng em lại có ý định vào thành phố Hồ Chí Minh tìm việc. Nắm chặt tay tôi, em nói: “Anh đừng lo, em sẽ tìm được việc làm, mình cố gắng thật nhiều thì chắc sẽ được thôi. Em vào Sài Gòn khi nào thành công thì em sẽ về gặp lại anh, lúc đó chắc anh sẽ tiếp tục làm phim về em đó”.
10 năm lăn lộn ở thành phố Hồ Chí Minh, Phương đã được nhiều người giúp đỡ và học được thêm nghề điện dân dụng. Cuối năm 2010, Phương quyết định về lại thành phố Đà Nẵng lập nghiệp, rồi trở thành giáo viên ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Anh em gặp lại với quá nhiều niềm vui và câu chuyện muốn kể. Nhiều năm làm phóng viên truyền hình, tôi đã từng tiếp xúc, phỏng vấn không biết bao nhiêu người, nhưng với Phương là một trong những nhân vật, những người bạn mà tôi cảm thấy còn nợ một điều gì đó. Ngày Phương vào Sài Gòn tôi đã có ý định làm một phóng sự truyền hình về em. Cuốn băng VHS ghi tư liệu dự thi năm 1997 đã được tôi bảo quản trong kho băng của đài. Năm 2011, phóng sự dài làm về Phương với tựa đề “Thầy giáo da cam” đã đạt huy chương bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tổ chức tại Cần Thơ. Đêm trao giải, Phương đã điện thoại chúc mừng, trong câu đầu tiên của cuộc điện thoại tối hôm ấy tôi đã cảm ơn em…
Người về sau bão Chan Chu:
Bão Chanchu năm 2006 tuy không đổ bộ vào địa phận Quảng Nam nhưng lại gây ra hậu quả rất nặng nề. Trên 100 ngư dân ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình và các vùng lân cận đã vĩnh viễn nằm lại ở biển khơi. Sau cơn bão tang thương ấy, tại bến tàu sông Hàn, thành phố Đà Nẵng đã chứng kiến sự trở về của những ngư dân may mắn còn sống sót. Hôm đó, tôi và 3 đồng nghiệp của Phòng Thời sự QRT phân công phản ánh chuyến trở về đầy nước mắt ấy. Khi chiếc tàu SAR cứu nạn cập cảng sông Hàn, hàng trăm phóng viên báo chí và người thân cùng Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm lúc đó đã đến tận cầu tàu đón các ngư dân.
Khi chen vào tìm được một chổ đứng ưng ý, ống kính camera của tôi đã bắt gặp được hình ảnh một ngư dân dáng người tiều tụy đang được một một người lính hải quân dìu lên bờ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã thực hiện được nhiều cảnh quay, nhất là cận cảnh đôi mắt đượm buồn, mệt mỏi đang nhìn quanh để tìm người thân. Đêm ấy, những hình ảnh về người ngư dân này và những hình ảnh xúc động khác đã được phát trên sóng QRT. Phóng sự lên sóng, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng hình ảnh trở về trong nước mắt của những người ngư dân vẫn cứ ám ảnh mãi.
Gần nửa tháng sau, tôi được phân công làm giúp một phóng sự cho chương trình Người đương thời trên VTV3. Một chương trình tôn vinh những tấm gương dũng cảm cứu người trong bão Chanchu. Đang ngồi nói chuyện với nhân vật chính trong phóng sự là anh Hoàng Mai ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình thì có một ngư dân bạn anh Mai sang chơi. Nhìn người ngư dân này tôi có cảm giác như đã gặp ở đâu rồi, nhất là đôi mắt đượm buồn thì không lẫn vào đâu được. Hỏi chuyện, tôi mới biết anh chính là người ngư dân may mắn sống qua cơn bão mà tôi đã ghi hình được trên bến sông Hàn. Anh là Hoàng Tấn Điền ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, có thâm niêm đi biển hơn 20 năm. Tôi hỏi anh sau một chuyến đi biển kinh hoàng như vậy, trong năm nay anh có dự định đi biển lại không? Anh cười và trả lời: “Đi chứ, khoảng 10 ngày nữa mình sẽ đi câu mực khơi dài ngày. Dân mình sống trên cát nhìn ra biển, dù có cực khổ, nguy hiểm mấy thì phải bám biển sống thôi”. Từ lời nói của anh Điền trong lần gặp tình cờ ấy đã gợi cho tôi và các đồng nghiệp ý định làm phim phóng sự dài về đời sống ngư dân. Tháng 11 năm ấy, phóng sự dài “Đời ăn sóng nói gió” đã được thực hiện, anh Điền là một trong 2 nhân vật chính của tác phẩm đó. Chỉ trong thời lượng 14 phút, nhưng làm thế nào để chuyển tải một cách toàn diện và đi vào từng số phận của những con người bám biển để mưu sinh. Đã không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải sửa kịch bản, lời bình và không ít lần phải đột xuất đi quay thêm. Mỗi lần đi thực hiện từng trường đoạn của phóng sự dài này, anh Điền luôn trực tiếp hướng dẫn và cung cấp cho tôi và các đồng nghiệp nhiều thông tin bổ ích. Tôi còn nhớ trên chuyến tàu ra khơi để chúng tôi thực hiện cảnh quay câu mực, anh Điền tâm sự với chúng tôi mà nước mắt lưng tròng. Theo anh, sống ở biển thì phải bám biển, nhưng người ngư dân cần lắm những phương tiện đánh bắt hiện đại hơn, để những tang thương như bão Chanchu không còn xảy ra nữa.
Đoạn kết:
Hơn mười sáu năm làm việc ở QRT, tôi và các đồng nghiệp đã đi qua hầu hết các vùng đất trên địa bàn tỉnh, đã có rất nhiều con người, những số phận đã trở thành nhân vật trong tác phẩm truyền hình mà trong giới hạn bài viết này tôi không thể kể hết được. Có một điều chắc chắn rằng, nhiều người trong số ấy không chỉ là nhân vật trong tác phẩm mà còn là người bạn tâm huyết của tôi. Chính họ là chất liệu cuộc sống để làm nên một tác phẩm hay, và thông qua họ tôi còn có thêm niềm tin, bản lĩnh, sự từng trải, trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và trong cả cuộc sống. Xin tri ân và cảm ơn tất cả.
Xuân Lộc