Nhớ lại những ngày đầu làm truyền hình ở Quảng Nam, lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Bởi những ngày đầu tiên ấy, khó khăn chồng chất khó khăn. Khi chia tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính, tôi được phân công về làm Giám đốc Đài PT – TH Quảng Nam, sau đó anh Nguyễn Chín (nay là Giám đốc) được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi đến anh Mai Văn Tư, anh Huỳnh Xuân Hải tiếp tục được đề bạt Phó Giám đốc Đài.
Chúng tôi đưa quân từ Đà Nẵng vào Quảng Nam chỉ có 10 cán bộ, phóng viên và 13 nhân viên hợp đồng. Chi bộ Đảng của Đài lúc ấy cũng chỉ có 3 người, tôi trực tiếp làm Bí thư chi bộ.
Buổi đầu, hầu hết mọi người đều chưa có kinh nghiệm làm truyền hình. Một số anh chị em chỉ có kinh nghiệm làm phát thanh. Cơ sở vật chất từ trụ sở làm việc đến trang thiết bị kỹ thuật hầu như không có gì. Camera quay phim chỉ có 4 – 5 cái VHF mang theo từ Đài QN – ĐN. Bàn dựng hình có 01 cái rất thô sơ. Phòng ghi hình thời sự rộng khoảng 10 m2, làm cách âm bằng bao tải gai, bên ngoài gắn các tấm xốp. Hệ thống ánh sáng là bốn cái bóng đèn tự chế. Máy phát hình 1 KW, hiệu Haric của Mỹ, ăngten trụ dây néo cao 30 m. Thế mà anh em vẫn quyết tâm làm truyền hình và làm truyền hình cho bằng được.
Vì sao khó khăn và thiếu thốn là vậy mà những người làm PT – TH Quảng Nam vẫn kiên định để vượt qua, vươn lên làm được nhiều việc mà tưởng chừng không thể? Đó chính là ý chí và nghị lực của một tập thể đang khao khát phải xây dựng bằng được ngành PT – TH Quảng Nam vươn lên đuổi kịp các đài truyền hình trong khu vực và cả nước. Đó cũng là sự phấn đấu để vượt lên chính mình.
Trong gian khó thì sự đoàn kết càng keo sơn gắn bó hơn, không chỉ có sự đoàn kết, nhất trí trong công việc mà còn thương yêu đùm bọc để cùng sống và cùng làm việc. Sự đoàn kết ấy có tính bền vững được dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Đó là việc tuyển chọn, đào tạo, đề bạt cán bộ quản lý, phóng viên, kỹ thuật viên. Chúng tôi xác định rằng, phải đánh giá đúng đắn và khách quan tài năng, lòng nhiệt huyết với công việc của những con người được tuyển lựa. Sự phân phối quyền lợi cho tất cả mọi người cũng phải công bằng, minh bạch, đúng với công lao đóng góp của từng người. Bởi lẽ sản phẩm của PT – TH là sản phẩm tập thể, có dấu ấn cá nhân. Việc xử lý các sai phạm của cán bộ, nhân viên cương quyết nhưng cũng có lòng bao dung và nhân hậu. Làm tốt những yếu tố đó thì sự đoàn kết nội bộ trở nên bền vững và phát huy được sức mạnh của tập thể. Sức mạnh đó được thể hiện cụ thể bằng việc anh, chị em làm việc suốt cả ngày lẫn đêm, không nề hà công sức, không tính toán thời gian, luôn lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Những năm 1998 – 1999, Quảng Nam bị bão lụt xảy ra liên miên. Những phóng viên của Đài PT – TH như những người lính xung kích. Hễ có lệnh là họ vác máy ra đi, đến những nơi xung yếu nhất để ghi lại những thước phim có giá trị nhất. Họ lặn lội đến từng địa phương không kể hiểm nguy để đưa tin, bài cho nhanh chóng và kịp thời. Nước lũ ngập Đài, tràn khắp nơi sản xuất chương trình, nơi phát sóng thì các kỹ sư, kỹ thuật viên vẫn dầm mình trong mưa, tát nước, bảo vệ an toàn các thiết bị. Những người lính PT – TH Quảng Nam đến đâu cũng được cán bộ, nhân dân địa phương yêu thương, quý mến, bởi sự khiêm nhường và lòng nhiệt huyết.
Một yếu tố khác cũng cực kỳ quan trọng là Lãnh đạo Đài biết “liệu cơm gắp mắm”, chọn lựa những bước đi thích hợp trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực để phát triển Đài vững chắc.
Bước đầu tiên là sự tuyển chọn con người, điều động những cán bộ, phóng viên tiêu biểu ở các đài huyện về thành lập bộ khung quản lý Đài. Việc tuyển chọn phóng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên, được tổ chức thi tuyển chuyên môn chặt chẽ. Những người được tuyển dụng hầu hết được đào tạo chính quy ở các trường đại học trong cả nước, như chuyên ngành ngữ văn, báo viết, truyền hình, âm nhạc, điện tử viễn thông, tin học… mà hầu hết tuổi đời còn rất trẻ. Những năm đầu, Đài tỉnh chọn hướng đi là tập trung đào tạo tại chỗ, bằng cách mời các chuyên gia giỏi của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hãng phim tài liệu Trung ương, các đài khu vực đến hướng dẫn về nghiệp vụ PT – TH. Được học tập và thực hành đưa tin, làm phóng sự, làm phim tài liệu trên cơ sở thực tiễn đang diễn ra sôi động của một địa phương vừa mới được chia tách là hành trang thật cần thiết của những người đang vào nghề. Mặt khác, Đài cử một số cán bộ trẻ, có năng lực tiếp tục theo học đại học bằng 2 về chuyên ngành quay phim, đạo diễn điện ảnh – truyền hình của các trường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đài tiếp tục cử kỹ sư, kỹ thuật viên vào thành phố Hồ Chí Minh học tập phương thức dựng hình bằng vi tính phi tuyến. Cả Đài sôi nổi học tập chương trình vi tính phổ cập. Những cán bộ, nhân viên chưa tốt nghiệp đại học thì được đưa đi đào tạo đại học. Mặc dù kinh phí của Đài trong những năm đầu ấy còn rất hạn hẹp, nhưng Lãnh đạo Đài vẫn ưu tiên dành kinh phí thích đáng cho khâu đào tạo. Bởi một lẽ đơn giản: con người là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của Đài.
Tỉnh Quảng Nam khi chia tách ví như một bà Mẹ nghèo phải nuôi nấng nhiều đứa con. Ngành PT – TH cũng là một trong những đứa con của bà Mẹ nghèo ấy. Dẫu biết mình nhà nghèo nhưng không cam phận, QRT quyết tâm tìm những bước đi để bức phá trong việc trang thiết bị kỹ thuật. Ban Giám đốc Đài đã mạnh dạn xây dựng đề án phát triển kỹ thuật, với lộ trình hợp lý, có tính tương thích, với phương châm “đi tắt, đón đầu” công nghệ tiên tiến. Từ năm 2000 – 2001, Đài PT – TH Quảng Nam đã nhanh chóng tiếp cận và sử dụng công nghệ dựng hình bằng vi tính phi tuyến. Năm 2002 – 2003, Đài đã trang bị hệ thống thiết bị sản xuất chương trình PT – TH bằng kỹ thuật số hiện đại. Camera dùng bằng thẻ nhớ thay cho băng từ. Từ rất sớm, QRT đã nối mạng cáp quang cho tất cả các điểm làm truyền hình trực tiếp và sử dụng Internet để truyền tín hiệu tin tức. Đây là bước đột phá rất quan trọng. Đài tiếp tục trang bị thư viện điện tử, phim trường ảo, cần cẩu quay phim hiện đại, lắp đặt hai xe ghi hình màu. Một số máy phát hình cũng được nâng cấp lên 10 KW, cột ăngten cao 125 m.
Nội dung chương trình QRT cũng có những bước tiến khá xa. Những ngày đầu, anh chị em chỉ làm tin, làm phóng sự ngắn thì nay đã sản xuất được những chương trình lớn, nhiều chuyên mục thiết thực thu hút người xem đài, mạnh dạn làm phim tài liệu nhiều tập với những đề tài hấp dẫn. Đến nay, thời lượng mà Đài QRT sản xuất và khai thác phát sóng đã lên đến 18 giờ trong ngày. Đài đã thực hiện cùng lúc hệ thống phát sóng mặt đất và qua vệ tinh VINASAT 1.
15 năm nhìn lại, tuy chưa phải là thời gian quá dài của một Đài PT – TH nhưng QRT đã có những bước phát triển nhanh chóng và bền vững. Để có được những thành tích như hôm nay, biết bao mồ hôi, công sức của những người làm PT – TH Quảng Nam (kể cả những người hôm nay đã vĩnh viễn ra đi) góp vào không nhỏ.
Khi chia tay với anh, chị em ở Đài để về nghỉ hưu theo chế độ, tôi vẫn nhớ câu thơ vui của một đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng tôi:
” Khi vào tóc hãy còn xanh
Giờ về tóc đã hóa thành màu sương”.
Lê Hoàng Linh
Nguyên Giám đốc Đài PT – TH Quảng Nam (1997-2010)