Trang chủGóc nghề nghiệpChuyện nghềMột kỷ niệm thời khó quên

Một kỷ niệm thời khó quên

Mới đó mà đã 15 năm rồi. Đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm buồn, vui lẫn lộn trong nghề 

Với tôi, ấn tượng mãi và trở thành kỷ niệm không bao giờ quên, khi làm phóng viên tác chiến với bão lũ. Quảng Nam là 1 trong các tỉnh của miền Trung luôn phải gánh nặng bị thiên tai, bão, lũ hoành hành.Vì vậy, cứ mỗi mùa bão lũ đến hằng năm, công việc tác chiến nghề nghiệp với bão lũ, trở thành công việc bình thường đối với anh, chị em làm tin, phóng sự thời sự. Tất cả thiết bị, máy camera đều phải chuẩn bị sẵn sàng, chờ khi phân công là lên đường.

Trong các đợt lũ lụt xảy ra từ trước tới nay, thì trận lũ năm 1999 là lớn nhất, nhiều người cho rằng lũ năm đó mực nước ngang bằng với trận lũ hồi năm Thìn 1964.
Tôi với anh Xuân Lộc, phóng viên Phòng Thời sự đi cùng với anh Hoàng Minh Thống, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh và các đồng chí cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm nhiệm vụ lập lại trật tự các phương tiện giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đồng thời sẵn sàng đối phó với những tình huống lũ lụt gây thiệt hại tài sản, tính mạng đối với nhân dân.

Mưa tầm tả, nước từ trên nguồn đổ về, nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 1 A nước lũ băng qua nhanh chóng và gây ngập cục bộ. Khi chúng tôi đến chỗ đoạn đường ngoài chợ Mộc Bài, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn thì xe bị mắc kẹt tại đây. Sau khi anh em lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ổn định trật tự các phương tiện giao thông, chủ yếu là ô tô trên tuyến đường này, kéo dài nối đuôi nhau từ Quế Phú , Quế Sơn đến Cây Cốc, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Trên đường về lại Tam Kỳ để kịp thời thông tin về lũ lụt thì mới đến ngoài Quán Gò, xe ô tô của chúng tôi đi bị ngập nước đến gần nữa xe. Chúng tôi lội bộ cùng với anh Thống, Trưởng phòng dùng đèn pin soi,dò đường để đẩy chiếc xe đến trạm xăng dầu Quán Gò thuộc xã Bình An, huyện Thăng Bình dễ chừng cũng đã 21 h00 đêm. Chúng tôi đã thức trọn một đêm cùng với hàng trăm hành khách đi đường xa bị mắc kẹt ô tô. Tuy mưa lũ lúc về khuya càng dâng cao, chúng tôi cũng tranh thủ ghi, hình phỏng vấn ý kiến của anh Thống và cảnh bà con được cảnh sát giao thông và các đơn vị bộ đội cấp phát mì tôm, nước uống. Sống ngay trong rốn lũ, chúng tôi đã có những thước phim đầy cảm xúc. Cũng như các hành khách bị kẹt nơi đây, tôi và Lộc đói quá và cũng được nhận vài gói mì tôm ăn cho đỡ đói.

Nhưng điều chúng tôi lo hơn cả là làm thế nào để đem thông tin về Đài.Khu vực chợ Quán Gò được xem là điểm xung yếu nên sáng hôm sau được tỉnh tăng cường các lực lượng đến ứng phó. Mưa càng ngày càng lớn, mực nước lũ vẫn cao, nhưng anh Thống quyết định là bằng mọi giá phải về Tam Kỳ, để chúng tôi đưa tin nhanh chóng. Chúng tôi được cùng với anh Thống về lại Tam Kỳ trên 01chiếc bo bo của công an tỉnh điều động; kịp thời thông tin về tình hình lũ lụt, nguy cơ cần phải cứu hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn trên Đài QRT và sau đó gởi cho VTV Đà Nẵng và VTV. Lần đầu tiên trong đời làm báo, chập chững làm truyền hình khi có một tin, phóng sự được phát sóng trên Đài khu vực và Trung ương là mừng lắm , nhất là thông tin đã đến với bà con trên cả tỉnh, cả nước. Thật hạnh phúc và giá tri biết bao khi hiện chúng tôi vẫn còn lưu giữ đầy đủ những thước phim tư liệu này, xem đó những kỷ niệm một thời không thể nào quên trên bước đường tác nghiệp.

 

Viết Trung

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU