Một buổi chiều thượng tuần tháng hai năm 2005, trời mưa tầm tã, có một người phụ nữ chưa một lần quen biết tìm đến nhà và chửi mắng vợ tôi tơi bời.
– Có phải nhà ông H.B đây không, ổng đi đâu rồi?
– Dạ, có chi không chị, ảnh đi làm chưa về? Vợ tôi đon đả.
– Tại sao ổng dụ dỗ chồng tôi nói trên ti vi, chừ mấy ông công an không cho chồng tôi làm nghề chổ nớ, ổng tính sao đây?
Chưa kịp hoàn hồn, vợ tôi bị mắng tiếp: – Cô về nói với ổng, chồng tôi không có chỗ làm, ông B. phải nuôi ba đứa con của tôi. Ổng làm nhà báo mà sao ác kinh rứa…
Bản tính hiền lành cộng với tình huống quá bất ngờ, vợ tôi chỉ biết nghe và dạ dạ, vâng vâng… Nói như vợ tôi thì đây là lần đầu tiên trong đời, người thân của mình bị cú sốc như vậy. Nhiều ngôn từ khó viết ra được. Nhưng khổ nhất là bà con khu phố hiểu lầm về mình.
Cha, mẹ người xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, vào đất này sinh sống, và hiển nhiên, tôi được sinh ra và lớn lên ở đất này. May mắn ra trường, tôi về đây công tác. Sau này, về Đà Nẵng, rồi vào Quảng Nam, tôi vẫn quyết định ở lại nơi đây. Bởi, thật lòng, tôi quá yêu đất và con người nơi đây. Điều đó cũng đồng nghĩa, tôi hiểu cặn kẽ đời sống của người dân của huyện này. Trong đó, có một một điều, tôi thường bức rức. Thời gian dài, đi đâu người dân cũng bày tỏ nỗi niềm và thầm trách: “Năm 2005 này là tròn 30 năm giải phóng mà đường sá ở thị trấn này xuống cấp, chật hẹp, nhếch nhác, sao chú làm báo mà bàng quang thế, hay chú sợ mấy ông huyện, mấy ông thị trấn”. Cái tâm của nghề trỗi dậy.
Giữa tháng 2/2005, tôi dành một ngày quay phim làm một phóng sự ngắn phản ánh khá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân của sự xuống cấp của con đường nội thị. Người dân ai cũng ủng hộ và phát biểu ý kiến. Trong đó, có chị K và anh C làm nghề cắt chìa khóa trước Nhà văn hóa huyện. Phóng sự phát xong, bà con phấn khởi. Nhưng hai ngày sau đó, chính quyền địa phương chỉ đạo công an làm việc với chị K, người bán vé số và anh C vì cái tội: “Phát biểu lung tung trên truyền hình” và dọa không cho chị K bán vé số và anh C hành nghề cắt chìa khóa vì lấn chiếm lề đường. Nghe vậy, gia đình anh C choáng váng hoảng sợ. Vợ anh thuờng xuyên ốm đau, cùng ba con nhỏ đi học chỉ trông vào cái nghề cắt chìa khóa này, thế nhưng nếu vậy thì là tai họa. Quẩn trí và quá bức xúc không còn cách nào khác, vợ anh C tìm đến nhà và do đi làm chưa về nên vợ tôi đã lãnh đòn đau.
Trong thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 22/5/2005 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ghi rõ: “Phóng sự ngắn của PV H.B nói về sự phát triển đời sống kinh tế – xã hội ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình ) sau 30 năm giải phóng được phát trên sóng truyền hình Quảng Nam. Sau khi phát sóng thì những người trả lời phỏng vấn bị trả đũa, truy bức… dư luận bất bình.Đề nghị Đài PT – TH Quảng Nam kiểm chứng lại thông tin. Nếu đúng sự thật, cần phải tiếp tục làm rõ, rộng đường dư luận, lập lại kỷ cương dân chủ trong xã hội”.
Sau cuộc họp báo về, anh Lê Hoàng Linh lúc ấy là Giám đốc – Tổng biên tập Đài – gọi tôi lên và cho biết Đài sẽ cử thêm phóng viên cùng về tham gia tìm hiểu, phản ánh việc này. Tôi trình bày: “Em nêu việc này là hoàn toàn đúng sự thật và tin chắc rồi địa phương sẽ hiểu ra anh ạ”. Nhiều đồng nghiệp ở các tờ báo khác cũng điện thoại hỗ trợ. Tôi cảm ơn. Và, đúng như tôi tìm hiểu, chính quyền địa phương đã nhìn ra vấn đề.
Nghề báo, rất nhiều kỹ niệm vui và buồn. Với tôi, cũng như các đồng nghiệp, luôn mong rằng trong cuộc sống niềm vui vẫn nhiều hơn.
Huỳnh Bảy