Tốt nghiệp đại học năm 2003, cuối năm đó tôi về công tác tại phòng Thời sự, Đài PT – TH Quảng Nam. Mặc dù có cơ hội về công tác tại thành phố Đà Nẵng nhưng tôi quyết định chọn QRT để làm nơi khởi đầu sự nghiệp. Và quyết định này đã tạo cơ hội cho tôi và anh, một kỹ sư trẻ tuổi đầy đam mê và nhiệt huyết với nghề, công tác tại Phòng Kỹ thuật của Đài – đến với nhau. Câu chuyện của tôi có lẽ liên quan đến một điều thật thú vị mà mãi sau này tôi mới nhận ra. Sợi dây tơ hồng kết nối yêu thương giữa tôi và anh trong cái duyên kì ngộ với QRT ấy là một trong những thuận duyên tốt đẹp mà QRT đã kết tóc se tơ cho hơn 10 cặp uyên ương (chính xác là 12) trên con đường xây dựng hạnh phúc gia đình và phát triển sự nghiệp.
Nhịp cầu Tình yêu:
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi về nhận công tác tại Đài PT-TH Quảng Nam. Đó là những ngày cuối năm 2003 dương lịch. Anh làm kỹ thuật. Tôi là phóng viên. Cả 2 làm quen với nhau trên một chuyến xe của cơ quan khi anh cùng mọi người vào thành phố Hồ Chí Minh để hội nghị khách hàng, còn tôi thì nhận bằng tốt nghiệp. Sau đó chúng tôi thường xuyên gặp nhau tại phòng dựng hình trong quá trình xử lý tin tức vì thời điểm đó, cơ quan bắt đầu triển khai rộng rãi hệ thống dựng hình trên máy vi tính. Là “lính” mới về tôi nhận được sự quan tâm giúp đỡ của những anh chị đồng nghiệp từ khâu quay phim, dựng hình…Và tất nhiên trong đó có anh. Rồi tình yêu nảy nở, 2 tháng sau tôi chính thức đón nhận lời tỏ tình của anh, dù chúng tôi chưa một lần có những cuộc hò hẹn riêng với nhau.
Qua những cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, tôi biết rằng, ở cơ quan có đến 12 cặp vợ chồng giống như tôi vậy. Có anh làm ở bộ phận kỹ thuật lấy vợ là phát thanh viên, chuyên viên phòng tổ chức-hành chính hoặc kỹ thuật viên. Có chị là phóng viên, biên tập viên có chồng là kỹ thuật viên hoặc cũng là phóng viên, biên tập viên. (Dũng – Yên, Minh – Dương, Hùng – Chung, Thặng – Thảo, Phát -Tuyền, Lai – Yến, Năm – Yến, Trung – Vân, Viên – Trọng, Mai – Bình, Anh – Tài, Lan – Trịnh). Mối tình của các anh chị cũng rất là lãng mạn và đáng nhớ xiết bao. Chị Y. kể, ngày đầu mới thành lập, Đài chỉ vỏn vẹn có 19 người. Lúc đó, các anh chị vừa làm việc vừa sống chung trong một khu tập thể với cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Có những hôm bão lũ, tất cả mọi người xắn quần áo, vừa lội nước lụt, vừa ăn mì tôm, vừa động viên nhau làm việc để kịp đưa các chương trình lên sóng phục vụ khán thính giả. Giữa cái gian khó trăm bề ấy, chính sự cảm thông và chia sẻ đã giúp họ xích lại gần nhau hơn trong ý nghĩa thiêng liêng của 2 chữ tình yêu.
Không chỉ có thế, song hành cùng với sự ra đời và phát triển của QRT còn ghi đậm dấu ấn tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Nhớ lại 15 năm trước đây, chị T. vì tình yêu với chồng đã rời Đà Nẵng vào Quảng Nam, cùng chồng xây dựng cuộc sống mới trong một tâm trạng không biết liệu rồi cuộc sống nơi này sẽ ra sao? Nhưng 15 năm trôi qua, đến bây giờ, chị khẳng định mình đã có một quyết định rất đúng đắn. Cuộc sống hiện tại của chị thật hạnh phúc, cùng làm việc bên chồng và những đứa con ngoan.
Cả Đài cũng rất ấn tượng với vợ chồng anh B, chị M. Hai anh chị đã đến với ngành phát thanh ngay từ những ngày đầu quê hương giải phóng. Chị M nhiều năm làm phòng viên thời sự, xuôi ngược khắp nơi và những năm gần đây chuyển sang làm công tác biên tập luôn chịu khó, không nề hà bất cứ việc gì. Chị luôn là gương sáng về mọi mặt để chị em trong Đài noi theo. QRT đã chắp thêm những niềm vui cho đời sống 2 vợ chồng anh, chị những năm qua.
“Được” chồng QRT…
Công việc của “nhà đài” khá đặc thù so với các ngành nghề khác. Dù là phát thanh viên, kỹ thuật viên, phóng viên hay biên tập viên, mỗi vị trí đều có cường độ và áp lực làm việc cao vì giờ lên sóng theo qui định. Tuy nhiên, đối với nữ phóng viên, áp lực này có thể nói là lớn hơn cả và cần có sự cảm thông, chia sẻ từ phía gia đình, đặc biệt là các đức lang quân. Trong số 12 cặp vợ chồng là cán bộ, công nhân viên của Đài PT – TH Quảng Nam, có hơn một nửa mà vợ là phóng viên. Các chị thường đi sớm, về khuya, thậm chí, đôi khi công việc đột xuất phải ở lại địa bàn tác nghiệp mà không có kế hoạch trước. Nhiều lúc, phải chạy theo sự kiện, hầu như các chị không còn thời gian chăm sóc gia đình. Vậy là các anh phải tự đi chợ, nấu cơm, đưa đón con đi học…Tất nhiên, sau mỗi đợt công tác như thế, chị em chúng tôi thường cố gắng bù đắp cho chồng, cho con và người thân trong gia đình bằng những bữa cơm ngon do chính tay mình nấu, chỉ mong được cảm thông và chia sẻ. Nhưng thú thật, nếu những đức ông chồng của chúng tôi mà không phải là những người trong cùng ngành nghề thì liệu rằng họ có thể dễ dàng đồng cảm và chấp nhận như vậy hay không để chúng tôi có thể vừa hoàn thành trách nhiệm của mình đối với cơ quan, xã hội mà vừa giữ được hạnh phúc gia đình? Thế cho nên, chúng tôi thường hay nói đùa mà cũng rất thực rằng chúng tôi may mắn “cưới được” chồng QRT, vì các anh là những người chồng biết yêu thương và biết sẻ chia.
Đất lành chim đậu:
Thấm thoắt, cũng đã gần chục năm kể từ ngày tôi về công tác tại Đài PT – TH Quảng Nam. Nhớ lại ngày đầu mới về Đài, tôi xin đi học cao học, chú Lê Hoàng Linh, Giám đốc Đài lúc bấy giờ nói vui rằng: “Con hãy lấy bằng “Cao Tài” trước rồi lấy bằng “Cao học” sau” (Ông xã tôi tên là Cao Tài!). Vậy đó, mà chúng tôi quen nhau, cưới nhau rồi có một cháu trai kháu khỉnh bây giờ đã được 4 tuổi. Không chỉ với vợ chồng tôi, mà có lẽ với nhiều cặp vợ chồng khác bén duyên nhau từ Đài PT – TH Quảng Nam, QRT được ví như ông tơ bà nguyệt se duyên.
Năm 2012, QRT kỷ niệm 15 năm Ngày phát sóng chương trình đầu tiên, đối với nhiều cán bộ công nhân viên của Đài PT – TH Quảng Nam như chúng tôi lại đầy ắp những kỷ niệm.
Hơn 16 năm đi qua, những cô gái, chàng trai đã bén duyên nhau từ Đài PT-TH Quảng Nam có thể nói đều có một cuộc sống hạnh phúc và ổn định. Dù đã qua hay bây giờ, QRT vẫn luôn đón nhận những con người có tâm huyết với nghề và hy vọng “bà mối QRT” vẫn tiếp tục là nhịp cầu kết nối những trái tim “cùng tần số”.
Dương Nữ Hoàng Anh