Trang chủChính TrịTuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

    Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

    Sáng nay 9/11, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thu Lan chủ trì hội thảo “Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam – thực trạng và giải pháp”.

    Toàn cảnh buổi hội thảo sáng nay 9/11

    Tham gia hội thảo có lãnh đạo trường Chính trị, Ban Tuyên giáo và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các địa phương; lãnh đạo các sở, ngành.

    Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thu Lan chủ trì hội thảo

    Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều công trình lịch sử có ý nghĩa chính trị quan trọng được xuất bản và phát hành như: “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975)”; “Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1975 – 1996)”; “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (1975 – 2005); (2006 – 2015)” và xuất bản nhiều công trình, ấn phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng…

    Nhìn chung, các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng ngành, đoàn thể chính trị – xã hội các cấp được biên soạn, xuất bản đảm bảo quy trình, chất lượng và hình thức, phản ánh đầy đủ, toàn diện, sinh động quá trình hình thành và phát triển của đảng bộ các cấp… Hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực như: thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; các kênh thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể được các cơ quan, đơn vị, địa phương đăng tải trong Bản tin Thông báo nội bộ, các tài liệu tuyên truyền, các phương tiện truyền thông.

    Việc thông tin, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng ngày càng đa dạng, thông qua các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội như facebook, zalo, hình ảnh Infographic, video… để lan tỏa ý nghĩa, giá trị các sự kiện, nhân vật lịch sử, các công trình lịch sử Đảng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

    Các trường học trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân thông qua việc đa dạng hoá phương pháp dạy như dạy tích hợp, liên môn, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khoá.

    Nhìn chung, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần tạo động lực và năng lực nội sinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của địa phương.

    Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ngành, địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá tổng quan về những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong thời gian đến…trong đó lưu ý tập trung giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; ứng dụng công nghệ thông tin, các phương pháp hiện đại vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng một cách hiệu quả nhất.

    Trung Hiếu – Quang Phi

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU