Tối ngày 24/10, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV – năm 2020 được tổ chức trọng thể tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Vượt qua hơn 1.800 tác phẩm báo chí tham dự, 150 tác phẩm được lọt vào chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia năm 2020 đã lựa chọn ra 1 giải đặc biệt, 9 Giải A, 25 giải B, 45 giải C và 32 giải KK. Tác phẩm “Bríu Pố và chuyện nêu gương” của Đài PT-TH Quảng Nam xuất sắc đoạt giải A.
Được đánh giá là một tác phẩm đặc biệt về nội dung và hình thức thể hiện, có những số liệu, hình ảnh chưa từng công bố, phim tài liệu Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh, Biên niên sử truyền hình của báo Nhân Dân đã được Hội đồng giải báo chí Quốc gia quyết định trao giải Đặc biệt. Đây cũng là giải đặc biệt đầu tiên sau 15 năm tổ chức giải báo chí Quốc gia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải Đặc biệt cho nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng của báo Nhân dân.
Hội đồng giải Báo chí Quốc gia đã quyết định trao 9 giải A cho các tác phẩm: “Đại dịch COVID-19 – thách thức và cơ hội” của báo Nhân dân; Pháp luật về quốc phòng – hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân của Báo Quân đội nhân dân; Bríu Pố và chuyện nêu gương của Đài phát thanh, truyền hình Quảng Nam; Rừng giữ đất quê hương của Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi; Phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum của Đài Truyền hình Việt Nam; Vinh quang trên tuyến đầu của Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội; Hiếu và Minh của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; Báo chí chung tay làm sạch chính mình của Báo Điện tử VietnamNet và tác phẩm Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế của báo Lao động.
Đây là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính phát hiện, phản ánh những vấn đề nóng bỏng, hiệu quả tác động xã hội tốt. Nhiều vấn đề tác động sâu rộng đến dư luận xã hội, phát huy tốt vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.
Ban Tổ chức trao thưởng các Giải A.
Tác phẩm “Bríu Pố và chuyện nêu gương” của nhóm tác giả Dương Nữ Hoàng Anh – Đoàn Quốc Học, Đài PT-TH Quảng Nam khắc hoạ chân dung nhân vật già làng, nghệ nhân ưu tú Bríu Pố, ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam – một mẫu hình tiêu biểu về học Bác và làm theo Bác. Qua bài viết của nhóm tác giả, câu chuyện về đạo đức, tài năng của già làng Bríu Pố hiện lên sinh động và thú vị. Tác phẩm còn đề cập đến thực trạng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay.
Nhóm tác giả Dương Nữ Hoàng Anh – Đoàn Quốc Học (Đài PT-TH Quảng Nam) đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2020
Nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh – Trưởng phòng Phát thanh & Trang Thông tin điện tử, Đài PT-TH Quảng Nam
“Nhân vật Bríu Pố đã từng được báo chí khai thác trước đây. Thử thách đặt ra cho tôi khi viết về bác Bríu Pố là có điểm gì mới lạ, độc đáo không. Sau khi tập hợp đủ thông tin thì điều trăn trở nhất là làm thế nào để có thể bộc lộ một cách chân thực, sâu sắc về tấm gương đạo đức và tài năng của già làng Bríu Pố”, nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh cho biết.
Đặc biệt, thông qua tác phẩm, nhóm tác giả bày tỏ sự tin tưởng vào công cuộc chỉnh đốn và xây dựng Đảng do Đảng ta tiến hành hiện nay sẽ tạo cơ hội và động lực để những cán bộ, đảng viên có tài năng, đạo đức thực sự phát huy năng lực.
“Trong tác phẩm “Bríu Pố và chuyện nêu gương”, tôi thích nhất 2 chi tiết, đó là chuyện bác Bríu Pố sẵn sàng từ bỏ công việc của một cán bộ nhà nước để về quê làm rẫy vì lòng tự trọng bị tổn thương. Không bàn đến việc đúng sai trong quyết định của bác nhưng điều này cho thấy người đảng viên này không bị danh lợi, địa vị cám dỗ.
Chi tiết thứ 2 đó là một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đến tận nhà bác Bríu Pố để động viên, khuyên nhủ bác ra làm việc lại trong hệ thống chính trị vì “không muốn uổng phí một con người có tài năng, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng quê hương”. Điều này đã chứng tỏ rằng, không phải bất kỳ lãnh đạo nào cũng o ép hay thờ ơ với người tài như nhiều người thường nghĩ mà trái lại nhiều lãnh đạo vẫn trân quý người tài bởi họ hiểu rằng “hiền tài là nguyên khí quốc gia””, nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh chia sẻ.
Các tác giả được trao giải B.
Các tác giả được trao giải C.
Năm 2020, Ban tổ chức Giải Báo chí Quốc gia đã nhận được 1.823 tác phẩm của 114 cấp hội và của hơn 190 tác giả là cộng tác viên tham dự. Các tác phẩm tham dự đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2020 như: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; công tác thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng’ các ngày kỷ niệm lớn như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, kỷ niệm 75 ngày thành lập nước.
Giải báo chí quốc gia hằng năm là sự kiện lớn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới cả nước, là giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 15 đã không diễn ra vào ngày Báo chí Việt Nam 21/6 như thường lệ. Mà được tổ chức trọng thể vào 24/10, dịp Đại hội lần thứ 11 Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội, theo tinh thần tinh gọn, giảm bớt số lượng đại biểu, khách mời tại hội trường. Vì lý do giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19, Ban tổ chức quyết định các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải hiện công tác và sinh sống ngoài địa bàn Hà Nội, không về Hà Nội tham dự trực tiếp Lễ trao giải tối 24/10. Ban Tổ chức sẽ gửi cúp, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương, tiền giải về Hội Nhà báo địa phương và đề nghị lãnh đạo địa phương tổ chức Lễ trao giải vào thời gian và cách thức phù hợp với thực tế địa phương (sau ngày 24/10/2021).
QRT online