Cóp nhặt dọc đường

    Làm báo, mà cụ thể là làm truyền hình, khi tác nghiệp làm tin, phóng sự phần lớn phải đi thực tế, đáng nhớ và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm vẫn là những chuyến đi vùng sâu, vùng xa, miền núi. Nói khó khăn vất vả thì nghề nào chẳng có, nhưng với tôi cũng như không ít đồng nghiệp thì đấy là hành trang nghề nghiệp có thể “hàn huyên” lúc “trà dư tửu hậu”, coi như chuyện cóp nhặt dọc đường.

    1. Dốc “dằn mặt”:
    Đến hẹn lại lên, để có tác phẩm tham dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc, tôi cùng một đồng nghiệp được phân công thực hiện một phóng sự nói về nỗi nhọc nhằn của các em học sinh miền núi cao huyện Nam Trà My phải dựng lều học chữ. Chuyến đi kéo dài 3 ngày. Đêm thứ nhất ở lại một trường học để nắm tình hình và cũng để lấy sức cho chuyến đi sớm ngày hôm sau. Tờ mờ sáng, hiệu phó nhà trường quần xà lỏn, áo may ô dẫn đường. Ngay sau khi khởi hành đã đưa chúng tôi trèo lên một con dốc kiểu bà bầu vượt cạn… Mặc kệ chúng tôi túi xách, máy móc, chân dò, trợn mắt bò, “tay” hiệu phó chẳng nói, chẳng rằng mà cũng chẳng ghé vai san sẻ gánh nặng. Thế rồi bước thử thách cũng qua đi. Sau chuyến đi ấy về ngồi lại với nhau đánh chai “Vinarugô” giải mỏi, thú thật lúc đó không nén được giận, đồng nghiệp tôi lên tiếng vừa đùa, vừa trách “tay” hiệu phó nhà trường đại loại: “Thiếu tâm lý như ông chẳng trách họ đày lên miền núi”. Như chỉ chờ có vậy, “tay” hiệu phó mở gan mở ruột: “Mong các bạn thông cảm… trước đây cũng có mấy đoàn nhà báo đi thực tế về đây, hôm họ lên mấy nóc, có nhà báo mệt quá đành lên yên đội nhà… khổ ơi là khổ. Rút kinh nghiệm ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra sáng kiến này. Thử thách ban đầu nếu ai không vượt qua con dốc thì ở lại”. (Vẫn biết nếu đi đường vòng thì sẽ tránh được con dốc). Cũng đành trút giận. Từ đó chúng tôi biết thêm trong ngành giáo dục ở vùng cao của tỉnh ngoài con dốc có tên “giáo viên” còn có con dốc “dằn mặt”… tình cờ.

    2. Võng không đưa được:

    Một chuyến đi thực tế khác, đến một nóc cao, giữa mênh mông rừng rú. Tại đây chỉ có hai giáo viên, một nam, một nữ được người dân dựng chòi để họ ở lại dạy cái chữ cho lũ trẻ. Nhà nứa lá tạm bợ, cột nhà quá bé và yếu nên không thể mắc võng được, chúng tôi đành phải ra ngôi trường kề nhà giáo viên để cùng mắc võng… qua đêm.
    Rừng già, chiều, hoàng hôn buông xuống thật nhanh. Đêm lại, tiếng con hoãng, con nai đi ăn khuya xào xạc, thỉnh thoảng nó tác lên tiếng kêu nghe rất rùng rợn. Liên tưởng những chuyện đi rừng tôi thầm nghĩ nếu có con hổ nào nghe được hơi người chắc chắn chúng tôi phải từ giã máy móc nhà đài để đi vào cõi thiên thu. Thế là trong đêm hai thằng tôi có đến chục bận nâng võng cột cao dần lên để cách xa mặt đất. Sáng hôm sau nhìn lại đúng là hai chiếc võng không còn khả năng đưa được vì nó căng như một sợi dây trên trần nhà. Hú vía đêm ấy chẳng có “ông ba mươi” nào đến hỏi thăm.

    3. Đề phòng nước lũ:
    Vào năm 2003, đã xảy ra tai nạn nước lũ tại một cống ngầm trên đường từ huyện Tiên Phước đi Trà My gây thiệt mạng cùng lúc ba người (một thanh niên và hai cha con một thầy giáo) do vội vã khi sang ngầm. Đi thực tế phản ánh vấn đề này, ngoài việc nêu những bất cập khi thực hiện cống ngầm trên các tuyến giao thông miền núi chúng tôi cũng đã đề xuất các cơ quan chức năng nên đặt biển cảnh báo, để người dân qua lại ý thức, đề phòng lũ ống miền núi vẫn thường đổ xuống bất ngờ. Sau khi thông tin này phát sóng, một số đơn vị xây dựng, thi công tuyến đường đã tiếp thu và dựng lên rất nhiều tấm biển ở hai đầu cống ngầm dọc tuyến đường từ huyện Tiên Phước đi Trà My với dòng chữ: đề phòng nước lũ. Khi trở lại nơi đây gặp gỡ nhiều người dân vui vẻ hoan nghênh ý kiến đề xuất của nhà báo. Có thể nói ở Quảng Nam những tấm biển có tên “đề phòng nước lũ” bắt đầu xuất hiện từ đó.

    4. Hạnh phúc:
    Sau bão Chanchu, chúng tôi về lại vùng quê biển Thăng Bình thực hiện phóng sự “Đời ăn sóng, nói gió”. Để hoàn thành tác phẩm, chúng tôi phải nhờ người dân đưa một chuyến tàu ra khơi đánh bắt để ghi hình. Thảm họa vừa xảy ra nên ai cũng e dè. Chúng tôi đã nhờ đến chính quyền địa phương cùng việc hỗ trợ tiền dầu nhớt cho tàu. Vất vả chạy ngược xuôi tối ngày mới tìm được một con tàu đồng ý ra khơi. Điều tình cờ con tàu đó cùng người thuyền trưởng cũng là chủ tàu của con thuyền vừa thoát nạn từ tâm bão Chanchu trở về. Chưa ra khơi xa lắm nhưng bất ngờ giông gió lại nổi lên, cánh ngư dân trên tàu lại hương khói cầu nguyện những người dân bỏ mạng trên biển phù hộ. Cánh phóng viên chúng tôi cũng hương khói nguyện cầu bởi việc làm chúng tôi cũng không ngoài mục đích “mong có một cuộc đổi đời cho người dân vùng biển” bằng những gì có thể của khoa học kỹ thuật, của tình người… Thế rồi con thuyền cũng an toàn cập bến như hy vọng bình yên đoạn kết phóng sự truyền hình. Song điều bất ngờ nữa, sau đó đúng một tháng, chính con tàu đưa chúng tôi đi quay phim lại ra khơi và lâm nạn… rồi được tàu bộ đội biên phòng cứu hộ thành công trở về. Gặp chúng tôi, người thuyền trưởng ấy và những ngư dân trên tàu lại mừng đến rơi nước mắt. Thuyền trưởng tâm sự: “Chỉ riêng ở góc độ tâm linh thôi, tui chắc phóng sự “Đời ăn sóng nói gió” mà các bạn phát trên truyền hình làm những linh hồn giữa đại dương bao la cũng cảm động, phù hộ chúng tôi làm ăn để còn nuôi những người trên bờ đã vĩnh viễn mất người thân”. Tôi cùng một số đồng nghiệp lúc đó mới thật sự cảm thấy lòng mình nhẹ nhỏm… hạnh phúc.

    Võ Văn Trường

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU