Trang chủXã hộiTriển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát: cả nước đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 84.888 căn nhà

Triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát: cả nước đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 84.888 căn nhà

Chiều 12/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Tại điểm cầu Quảng Nam, có sự tham gia của các đồng chí: Lương Nguyễn Minh Triết – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBMT TQ Việt Nam tỉnh; Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối với 8.600 điểm cầu trên toàn quốc.

Quang cảnh hội nghị điểm cầu tỉnh chiều 12/1

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025, với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Các địa phương cần khẩn trương phê duyệt kế hoạch cụ thể, rà soát và thống kê đầy đủ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu sửa chữa hoặc xây dựng nhà ở mới. Công tác hỗ trợ phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng và mục đích, tránh thất thoát, lãng phí và tiêu cực. Thủ tướng nhấn mạnh đây là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến nay cả nước đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới được 84.888 căn nhà. Có 20 địa phương xác định sẽ hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/9, trong khi 37 địa phương còn lại cam kết hoàn thành trước ngày 31/12 năm nay. Hà Giang là tỉnh có số lượng và tỷ lệ nhà khởi công mới và khánh thành cao nhất cả nước, với 2.098 căn, đạt 71% kế hoạch. Tại tỉnh Quảng Nam, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được sự quan tâm và tham gia của cả hệ thống chính trị. Đến ngày 31/12/2024, tỉnh đã sửa chữa và xây mới được 6.187/10.945 căn nhà, đạt khoảng 57% kế hoạch.

Hội nghị cũng đã thảo luận và đề ra các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai, như việc Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát; một số hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng đối ứng nên chưa tiếp nhận được kinh phí hỗ trợ; nhiều địa phương gặp khó khăn về đất đai, không có đất để xây dựng nhà ở hoặc đất chưa đảm bảo các quy định.

Xuân Hiếu – Quang Phi

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU