Trang chủVăn hóaTrong nghệ thuật tạo hình Cơ Tu

Trong nghệ thuật tạo hình Cơ Tu

 

(Xuân Đinh Dậu) – Con gà (a tứtrh) gắn bó mật thiết với người Cơ Tu, cả trong đời sống vật chất thường nhật lẫn sinh hoạt lễ nghi.

Gà là vật hiến sinh không thể thiếu trong sinh hoạt tâm linh của đồng bào Cơ Tu. Gà cũng là một trong những quà tặng chính của nhà gái dành cho nhà trai trong nghi lễ cưới xin theo tập tục truyền thống. Nhờ đó mà gà cũng được xem như một biểu tượng trong nghệ thuật trang trí trên nhà làng, nhà mồ, ở vị trí đầu quan tài, trên cây cột lễ và cột cái nhà làng, đặc biệt là hình tượng chú gà trống trên đầu hồi nóc gươl.

Phù điêu gà trống và già làng.
Phù điêu gà trống và già làng.

Trang trí đầu nóc là nét đặc trưng trong kiến trúc Cơ Tu, đó là ta coi, vừa trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà vừa có chức năng liên kết làm cho mái nhà thêm chắc chắn. Ngoài hình tượng chim mỏ cong (g’rook hoặc triing) thì gà trống là tác phẩm điêu khắc được chọn để trang trí ở hai đầu hồi. Ý nghĩa bao quát của ta coi hình tượng gà là thể hiện khát vọng của đồng bào cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc…

Tượng gà trống trên nóc gươl Cơ tu. Ảnh: TẤN VỊNH
Tượng gà trống trên nóc gươl Cơ tu. Ảnh: TẤN VỊNH

Cột cái (zrâm mơơng) và xà ngang của ngôi nhà không chỉ có chức năng chịu lực mà còn là nơi trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, phù điêu và hoa văn, đặc biệt là các tranh vẽ và điêu khắc gà trống. Cùng với cột cái, cột lễ (sanuôr – dùng trong nghi lễ đâm trâu) thể hiện nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của người Cơ Tu. Trên thân cột, Gương là bộ phận quan trọng nhất, gồm hai tấm gỗ dẹt, được gắn đối xứng qua phần giữa thân cột lễ. Ở Gương tập trung nhiều hoa văn, tô màu sặc sỡ và nổi bật là hình tượng chim triing, gà trống… Gương vừa tạo nên yếu tố thẩm mỹ vừa làm cho cột lễ có sự cân đối. Ngoài hình vẽ gà trống đơn sơ trên Gương, đồng bào còn tạc tượng hai con gà trống với đường nét điêu khắc tinh tế để gắn chặt lên cây cột. Khi nhìn vào cây cột ta thấy hai cái đuôi gà cách điệu, giống như hai cánh tay đưa lên trời cao. Trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Giàng Haroo) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ Tu trong điệu múa da dá và Gương chính là đôi tay của họ đưa lên trời, cầu xin hạt lúa của thần linh.  

Tượng gà trống đậu trên cành cây.
Tượng gà trống đậu trên cành cây.

Trong nhà làng, phù điêu, tranh vẽ gà trống và một số hình tượng khác được bố trí ở tấm ván thưng xung quanh nhà và những tấm ván liên kết hai hàng cột trước và sau nhà. Đó là cảnh chú gà rừng đang gáy, người đi săn bắt gà rừng, phù điêu già làng và gà trống, tượng thần rắn có cái mình rắn và đầu gà trống đặt trên một chiếc ché làm trụ có bố cục đẹp và lạ.

Trong kiến trúc nhà mồ, hình tượng gà trống khá phổ biến được bố trí trên nóc; đầu gà trống đặt đối xứng qua hai bên nóc và nằm ở đầu kèo. Đặc biệt, những con vật thân yêu như trâu và gà trống được bố trí ở hai đầu quan tài, tạo thành quan tài đầu trâu đầu gà, là tác phẩm tạo hình đặc sắc mang dấu ấn tâm linh dành tặng cho người quá cố. Trên mâm cúng ở nhà mồ cũng có tượng 8 đầu gà trống quay đầu về 8 hướng, cùng với nhiều tượng người được tạc với tỷ lệ nhỏ bố trí xung quanh, làm cho ngôi nhà mồ đỡ quạnh quẽ.

Gà trống mang trên mình màu lông sặc sỡ, tiếng gáy vang lừng, hình dáng vững chãi, tràn đầy sức sống – những vẻ đẹp được đưa vào tác phẩm điêu khắc một cách sống động, thể hiện khát vọng vươn cao của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU