Trang chủVăn hóaNgười điều khiển cây quả đơm hoa kết trái theo ý muốn

Người điều khiển cây quả đơm hoa kết trái theo ý muốn

I.

Những năm 90 của thế kỷ XX, Bảy Khoa – cậu em út tôi, làm vườn trồng cây theo phong trào do huyện Tiên Phước khởi xướng. Hết quế Bắc đến hồ tiêu Ấn Độ. Hết cây trẩu đến cây dó bầu. Rồi trồng đào lộn hột, trồng sa nhân, trồng mướp lấy xơ xuất khẩu… Kết cuộc là bà con nông dân cả huyện lâm vào tình trạng phá sản, nợ nần ngập mặt, bởi các  loại cây trồng không đem lại kết quả như mong đợi. Cậu em tôi làm nghề giáo, một buổi đi dạy, một buổi ở nhà làm vườn. Đồng lương bèo bọt đầu tư vào các loại cây trồng theo phong trào khiến gia đình khốn khó lao đao. Tôi hỏi: “Bây giờ chú tính sao?”. Cậu em tôi cười buồn: “Sao với trăng gì nữa! Em vẫn làm vườn, trồng cây nhưng không theo sự chỉ đạo của mấy ông lãnh đạo huyện nữa! Mấy ổng không am hiểu gì về đất đai thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết, không nắm vững đặc tính các loại cây trồng. Mấy ổng cứ hô hào theo kiểu thấy người ta ăn khoai mài vác mai chạy quấy, thấy cá móng đâu câu đó, hỏng!”.

Trong khi nhiều hộ dân ở thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ, còn đang loay hoay chưa biết trồng cây gì thì cậu em tôi trồng toàn cây ăn quả: Sầu riêng, măng cụt, thanh trà, bưởi da xanh… Mọi người nhếch môi cười: “Cây ăn quả là cây đến mùa thu hoạch hái để ăn chơi, ai mua mà bán? Ông giáo chưa già mà đã lẩm cẩm mất rồi…”. Tôi cũng băn khoăn. Cậu em tôi bảo: “Đất nước đã hội nhập, mở cửa. Cuộc sống của người dân ở thành thị cũng như nông thôn đã khấm khá hẳn lên. Thời khó khăn chỉ mong ước ăn no, mặc ấm đã dần nhường chỗ cho thời sung túc, ăn ngon mặc đẹp. Mặt hàng trái cây rồi sẽ bán được giá, cung không đủ cầu…”. Tôi im lặng, bán tín bán nghi. Tự tin với hướng đi mới, cậu em tôi dốc hết vốn liếng mua máy bơm, ống nhựa, hút nước từ hồ Hố Quờn lên bể chứa và lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho ba chục cây sầu riêng, gần trăm cây măng cụt và các loại cây ăn quả khác như thanh trà, bưởi da xanh, cam sành, ổi giòn không hạt… Với sự cần cù lao động một nắng hai sương, vườn cây trái của vợ chồng cậu em tôi đã không phụ công người chăm sóc. Sau mười năm, các loại cây trồng phát triển xanh tốt, quả lúc lỉu đầy cành nhánh sum suê. Lúc bấy giờ là cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Thành phố Tam Kỳ – thủ phủ tỉnh lỵ Quảng Nam, chỉ cách quê tôi chừng hai chục cây số, đường sá đi lại thuận lợi nên mặt hàng trái cây bán rất được giá, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Cậu em tôi quả là người biết nhìn xa trông rộng…

II.

Hai loại cây trồng có xuất xứ từ miền Nam là sầu riêng và măng cụt thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng vùng gò đồi Tiên Phước. Chúng phát triển rất khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ quả đậu không nhiều, hình dáng không đẹp. Sầu riêng, phần lớn quả bị méo vì lép múi. Còn măng cụt trái nhỏ, vỏ sần sùi, không bóng láng. Nguyên nhân do đâu? Cậu em tôi cất công đến các nhà vườn ở thị trấn Tiên Kỳ và các xã khác như Tiên Mỹ, Tiên Châu để hỏi xem. Họ cũng gặp phải tình trạng như thế. Và không ai có thể biết được nguyên do. Cậu em tôi mày mò tra cứu trên Google rồi đối chiếu với thực tế để khám phá điều bí mật mà hai loại cây này còn che giấu. Sau hai năm, nghĩa là sau hai mùa cây sầu riêng và cây măng cụt đơm hoa kết trái, cậu em tôi mới phát hiện tất cả là do việc bón phân, tưới nước và thiếu sự “trợ giúp” cho hoa thụ phấn. Cây sầu riêng trổ hoa vào cuối xuân và hoa nở bung lúc chiều tàn kéo dài đến sáng hôm sau. Ở miền Nam có gió và có loài bướm đêm thụ phấn cho hoa khi hút mật. Còn ở vùng trung du Tiên Phước, cuối xuân trời lặng gió, lại không có loài bướm đêm hút mật nên hoa sầu riêng thụ phấn không đều. Đó là nguyên do khiến trái sầu riêng bị méo vì lép múi. Tỷ lệ quả đậu không nhiều do bón phân muộn, khi sầu riêng trổ hoa cũng là lúc lộc non đâm chồi, cây bỏ quả nuôi lá…

Tìm ra nguyên do khiến cây sầu riêng cho năng suất không cao, quả bị méo vì lép múi, cậu em tôi có cách khắc chế chẳng mấy khó khăn. Hằng năm, vào cuối mùa mưa, bón phân NPK trộn lẫn với phân chuồng hoai mục cách gốc cây khoảng một thước mộc trở ra. Qua tiết giêng hai, cây đâm chồi nẩy lộc. Cuối xuân, ngọn lá non đã già, sầu riêng bắt đầu trổ hoa. Khi chiều buông, hoa khai ngụy nở bung, cậu em tôi gắn bùi nhùi lên đầu sào thụ phấn cho hoa. Công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải kỳ công, không nóng vội. Rồi hoa kết trái, cậu em tôi lại dùng kéo cắt bỏ những quả non đầu cành, tỉa bớt những chùm quả đậu sai trên nhánh. Mùa thu hoạch sầu riêng năm đó thật mỹ mãn. Mỗi cây sầu riêng có 50 – 120 quả. Và quả bé nhất, xấp xỉ 2kg; quả to nhất gần 7kg. Tất cả các quả sầu riêng đều có hình dáng đẹp, bắt mắt. Hoàn toàn không có quả nào bị méo vì lép múi. Cậu em tôi cười: “Phải mất hai năm ghi chép việc bón phân, tỉa cành, mày mò nghiên cứu cách thức và thời gian thụ phấn cho hoa, em mới điều khiển được cây sầu riêng đơm hoa kết trái theo ý muốn của mình”. Im lặng một lát, cậu em tôi lại cười: “Trồng sầu riêng tốn rất nhiều công sức bón chăm nhưng tạo được khu vườn cây trái miền Nam ở xóm Hố Quờn, cũng vui! Khách gần xa đến nhìn ngắm những bờ đá rêu, dạo chơi nghe chim hót líu lo, kể cũng bõ công”.

Không những yêu thích, cậu em tôi còn làm vườn, trồng cây với nỗi đam hiếm thấy.

Cây măng cụt đơm hoa kết trái mỗi năm hai mùa. Mùa đầu thu hoạch vào cuối hạ. Mùa sau thu hoạch vào cuối năm âm lịch. Mùa đầu, còn gọi là mùa chính, quả nhiều hơn nhưng giá bán cũng rẻ hơn. Dao động khoảng 50 – 70 nghìn đồng/kg. Mùa sau, còn gọi là mùa phụ, quả ít hơn nhưng giá bán lại cao hơn. Bình quân từ 120 – 150 nghìn đồng/kg. Cậu em tôi bảo, mùa chính trùng với mùa thu hoạch măng cụt ở miền Nam, vì thế bán không được giá. Còn mùa phụ, măng cụt ở miền Nam bị “đứt hàng”, loại trái cây cao cấp này trở nên khan hiếm, măng cụt ở quê lên ngôi. Tôi nói: “Giá chuyển đổi được mùa chính thành mùa phụ và ngược lại, thu nhập sẽ tăng lên gấp đôi ba lần”. Cậu em tôi bảo: “Em đang nghiên cứu về đặc tính của cây măng cụt để điều chỉnh tỷ lệ các loại phân, thời gian bón phân, lượng nước tưới trong tuần cho phù hợp. Hy vọng em sẽ thành công…”.

Tôi biết, không thể một sớm một chiều tìm ra bí quyết điều khiển được cây măng cụt đơm hoa kết trái theo ý muốn của mình. Cần phải có thời gian. Mỗi lần từ phố thị về thăm quê, tôi không nghe thấy cậu em tôi nói gì. Tôi thầm nghĩ cậu em tôi đã bất lực trước vấn đề nan giải. Mãi đến cuối năm ngoái, khi thấy tôi về, cậu em tôi mới hớn hở khoe: “Em đã tìm ra chiếc chìa khóa chuyển đổi vụ mùa phụ thành vụ mùa chính của cây măng cụt rồi”.

Mỗi năm vườn măng cụt Bảy Khoa cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng

Ngồi trò chuyện với nhau, cậu em tôi cho hay, cây măng cụt ra hai đợt quả trong năm. Cây nào đợt đầu ra quả nhiều thì đợt sau ra ít. Và ngược lại. Từ khi cây trổ lộc non đến lúc già ngọn lá là hai tháng. Sau đó, cây mới đơm hoa kết trái. Vì vậy, cần phải bón ngay sau khi thu hoạch xong cho cây hút dưỡng chất từ đất để lấy lại sức. Khâu này cực kỳ quan trọng ở tỷ lệ lân, đạm, kali hợp lý thì mới có kết quả như mong đợi. Muốn cho cây ra ít quả thì tỷ lệ lân, đạm cao, tỷ lệ kali thấp. Muốn cho cây ra nhiều quả thì nâng tỷ lệ lân, kali lên và giảm tỷ lệ đạm xuống. Cậu em tôi phấn khởi nói “Qua hai năm thực nghiệm và ghi chép cẩn thận, em mới đúc kết được điều đó. Bây giờ em đã nắm chắc cách điều khiển cây măng cụt từ vụ mùa phụ chuyển sang vụ mùa chính theo ý muốn của mình”. Tôi hỏi: “Quả măng cụt còi cọc, vỏ sần sùi, chú cũng đã tìm ra nguyên do chưa?”. Cậu em tôi cho biết, khi trái lớn bằng ngón tay cái, nếu thiếu phân bón thúc, quả sẽ nhỏ, vỏ không láng bóng. Biết rõ điều đó, cậu em tôi bón phân đầy đủ cho cây. Nhờ vậy, “măng cụt Bảy Khoa” quả tròn to, vỏ bóng đẹp, chất lượng tuyệt hảo. Mỗi cân chỉ 12 – 14 quả. Thu hái bằng vợt lưới nên không bị bầm bên trong quả khiến múi không bị chai vàng. Vui chuyện, cậu em tôi bảo, năm ngoái chuyển đổi vụ mùa phụ sang vụ mùa chính thành công, vườn măng cụt đã đem lại cho gia đình cậu em tôi trên dưới ba trăm triệu đồng.

Không nản chí vì những bước thăng trầm, cậu em tôi vẫn gắn bó với nghề làm vườn trồng cây.

Ngay sau khi tròn tuổi năm lăm, cậu em tôi xin nghỉ hưu non theo chế độ, ở nhà chuyên tâm với vườn cây trái miền Nam. Phân tầng vườn gò đồi, chất bờ đá ngăn giữ đất khỏi bị xói trôi vào mùa mưa lũ. Nuôi cấy rêu đá ở những bờ đá chất ngay hàng thẳng lối y hệt những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, khi xuân sang tạo nên những bức tường rêu xanh óng ả mượt mà, trông đẹp như mơ. Thu nhập từ cây trái trong khu vườn rộng hơn một mẫu, hằng năm cứ tăng dần lên theo cấp số cộng. Cuộc sống của gia đình cậu em tôi nhờ thế cũng thong dong. Không ngờ mùa mưa năm 2020, cơn bão số 9 – cơn bão Molave, từ Biển Đông đổ bộ vào Quảng Nam, gây ra những thiệt hại kinh hoàng về người và tài sản của dân([1]). Vườn sầu riêng của cậu em tôi bị bật gốc gãy đổ tan hoang. Cũng may, vườn măng cụt vẫn trụ vững trước sức gió khủng khiếp của siêu bão mấy chục năm mới có một lần. Còn vườn sầu riêng với gần trăm cây của Sáu Đại – cậu em kế tôi ở Đa Bô, do hướng gió đi lệch nên không hư hại gì nhiều. Than thân trách phận cũng chẳng ích gì! Sáu Đại và Bảy Khoa lại dồn tâm sức chăm sóc vườn cây. Các hộ dân chung quanh cũng vậy. Và rồi “xóm cây trái miền Nam ở Hố Quờn” vào thời điểm cuối hạ lại thu hút những người yêu thích nghề làm vườn trồng cây, yêu thích thiên nhiên với tiếng chim hót rộn vang đây đó, đến với xóm nhỏ ven hồ dạo chơi và thưởng thức hương vị các loại trái cây: Sầu riêng, măng cụt, thanh trà, bưởi da xanh…

Tiếng lành đồn xa. “Xóm cây trái miền Nam ở Hố Quờn” trở thành địa danh không còn xa lạ với nhiều người trong và ngoài tỉnh. Chính quyền địa phương đến xem vườn cây trái Bảy Khoa ở Hố Quờn, vườn sầu riêng Sáu Đại ở Đa Bô và nhiều hộ dân khác ở ven hồ, nhận thấy nơi này, nếu đầu tư xây dựng sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đồi Gò Mè và đồi Mù U được phủ xanh bởi rừng thông caribê khép tán, búp chồi tơ nõn. Hồ Hố Quờn như chiếc gương trời biêng biếc nước xanh nằm sát cạnh Quốc lộ 40B. Quanh hồ là khu vực Đa Bô, Hố Quờn với mười hộ dân sinh sống bằng nghề làm vườn trồng cây. Và nữa, nơi này chỉ cách thành phố Tam Kỳ – thủ phủ tỉnh lỵ Quảng Nam, khoảng hai mươi cây số. Yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa, hội đủ. Từ những lợi thế sẵn có, huyện Tiên Phước đầu tư kinh phí nạo vét, tu sửa lại hồ Hố Quờn, trồng trụ kéo điện thắp sáng, làm đường bê tông viền quanh bờ hồ, xây bồn trồng các loại hoa, cây cảnh… Bên cạnh đó, huyện Tiên Phước cũng trợ giúp các hộ dân ở Đa Bô và Hố Quờn xây dựng cảnh quan nhà vườn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Cung cấp đá núi chất bờ vườn. Hỗ trợ vốn liếng mua cây giống. Hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho các loại cây trồng. Hỗ trợ tiền làm tường rào cổng ngõ…

Nhiều người đến tham quan, học tập mô hình trồng cây ăn quả của Bảy Khoa

Do nguồn lực đầu tư của chính quyền địa phương và các hộ dân có hạn nên “xóm cây trái miền Nam ở Hố Quườn” chỉ mới manh nha hình thành điểm du lịch sinh thái. Dẫu vậy, hằng ngày vẫn có nhiều bạn trẻ từ các nơi ghé tới thăm chơi, ngắm le le, vịt trời bơi lội trên hồ. Trò chuyện với bà con, ai cũng bảo với tôi, rằng các hộ dân có thêm thu nhập từ cây trái trong vườn, xóm nhỏ ven hồ có diện mạo mới là nhờ cậu em tôi khởi xướng việc làm vườn, trồng các loại cây trái miền Nam trên đất gò đồi. Điều quan trọng nữa là, Bảy Khoa đã khám phá và “sai khiến” được cây sầu riêng, măng cụt đơm hoa kết trái theo ý muốn của mình và phổ biến kinh nghiệm quý báu đó cho các nhà vườn. “Sầu riêng Sáu Đại”, “măng cụt Bảy Khoa” và “xóm cây trái miền Nam ở Hố Quờn” là thương hiệu được nhiều người biết đến.

Tháng 10/2022, lãnh đạo huyện Tiên Phước đã chọn vườn măng cụt cậu em tôi là một trong những điểm để lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đưa Đoàn đại biểu tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào đến tham quan, tìm hiểu về mô hình làm vườn, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao…

Tháng 3.2023

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU