Trang chủPODCAST - Vợ chồng là mối quan hệ cần “ đầu tư” nhiều nhất

[ PODCAST ] – Vợ chồng là mối quan hệ cần “ đầu tư” nhiều nhất

Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

Bạn nghe đài thân mến, trong rất nhiều mối quan hệ xung quanh chúng ta từ thuở nằm nôi cho đến lúc trưởng thành, bạn có bao giờ chợt hỏi ai mới là người quan trọng nhất cuộc đời mình? Thật khó đúng không, mỗi một chặng đời đều có những người gắn bó, đều đáng trân quý, và có những mối quan hệ không có “định giá” như cha mẹ, con cái. Còn vợ chồng với nhau, Kim Quảng nghĩ, đó là mối quan hệ cần “ đầu tư” nhiều nhất. Xin được chia sẻ cùng bạn hôm nay.

Mỗi lần dự một đám cưới chúng ta lại nghe người ta chúc cô dâu chú rể bên nhau đến bạc đầu, lại chứng kiến niềm hạnh phúc ánh lên trên gương mặt hai nhân vật chính của buổi tiệc, và ai cũng mong họ thực hiện được lời đã hứa trong nghi thức trao đôi nhẫn vàng sắt son. Nhưng sự dài lâu mỗi người lại khác. Ngay khoảnh khắc đó họ nghĩ sẽ bên nhau đến giây phút cuối cùng. Nhưng để được bên nhau cho đến lúc thấy màu tóc người kia thay đổi, cần rất nhiều điều, trong đó theo tôi còn cần cả may mắn. Vì chẳng ai bắt đầu mà không yêu thương nhau.

Cuối tuần vừa rồi tình cờ trên chuyến xe khách tôi nghe một cô tầm ngoài năm mươi tuổi nói chuyện với bạn mình, giọng to không e dè, có lẽ vì cô ấm ức thật nhiều “ Tui nói với ổng, phải chi hồi nớ ưng xong hai ba năm ông bỏ tui thì tui còn làm lại cuộc đời chớ tui đâu ngờ chừ ông bỏ tui”. Vì câu nói đó khiến tôi bất giác tò mò, quan sát người cô ấy. Gương mặt đã hằn đôi nếp nhăn, dấu chân chim lộ nhiều nơi khóe mắt, vết  nám trên gò má không thể che hết bằng phấn kem. Đôi tay gân guốc không còn mịn màng nhưng vẫn tỉ mẩn tỉa gọn, tô màu đỏ thắm. Có vẻ cô ấy đã cố gắng sửa soạn cho bản thân. Câu chuyện nghe không đầu không cuối nhưng khiến tôi chợt nghĩ về những đôi vợ chồng dài lâu bên nhau, thật may mắn và hạnh phúc.

Có lẽ chúng ta đều đã đọc hay nghe quá nhiều những triết lý về hôn nhân, tình yêu, và rồi đối chiếu với những gì thực tiễn thì có lẽ không ai có thể khẳng định được cuộc hôn nhân của mình có hạn mức hay không. Những cuộc ly hôn chia nhau tiền tỉ, tranh tụng gắt gao. Những người đã quay lưng chỉ trích người kia, phanh phui tất cả những điều lúc bên nhau chia sẻ, để hạ bệ người còn lại vì sự tức tối bản thân đang gánh chịu. Chẳng ai là có lỗi. Nếu cả thanh xuân bạn ở đó thì làm sao bạn không nuối tiếc. Cho nên đối diện ban đầu mấy ai kịp nghĩ, dầu gì cũng đã có một khoảng thời gian đẹp, chỉ là thiếu may mắn để được vẹn tròn như nguyện ước đầu tiên. Nếu không phải người đó, biết đâu thêm một thời gian nữa có khi chính mình cũng thay đổi. Và có thể mình cũng khác xưa rất nhiều, không còn là hình ảnh mà người bên cạnh từng yêu thương, say đắm. Cho nên vẫn là không nên trách móc nhau làm gì, những cuộc hôn nhân không dài lâu.

Nhưng nếu được ở bên nhau cho đến khi bạc đầu thì thật hạnh phúc. Tôi sẽ kể câu chuyện có lẽ cũng có người đã biết. Đó là bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn người Hàn Quốc Ji Mo Young “ Mình ơi, xin đừng qua sông”. Mười lăm tháng ròng rã theo chân cặp vợ chồng tại Gangwon từ tháng 9 năm 2012 và hoàn thành bộ phim sau gần 2 năm, đạo diễn Jin Mo Young đã cho thấy cái nhìn sâu sắc về tình yêu vĩnh cửu giữa ông Jo Byeong Man và bà Kang Kye Yeol.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sưu tầm

Cưới nhau từ khi bà Kye Yeol 14 tuổi, cả hai có đến 12 người con nhưng 6 người trong số đó đã mất vì bệnh tật. Những người con còn lại đã từng đến thăm, chăm sóc và ở cạnh ông bà nhưng điều đọng lại chỉ là những cãi vả và áp lực về trách nhiệm, nghĩa vụ. Cứ thế, cặp vợ chồng già chọn sống cùng một chú chó trong căn nhà ở tỉnh Gangwon. Bộ phim tài liệu dài hơn tám mươi phút không có lời bình, cảnh quay chân thật, xúc động. Cá nhân tôi nghĩ, qua lăng kính của các bạn trẻ mới bắt đầu những mối tình oanh oanh liệt liệt thì có lẽ bộ phim đó vô vị, vì nó cứ diễn ra những sinh hoạt hằng ngày của cặp vợ chồng già trong căn nhà nhỏ. Nhưng với những ai đã có vợ, chồng thì sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp ý nghĩa.

Họ bắt đầu từ mai mối như rất nhiều những ông, bà của chúng ta thời xưa, chứ không phải xuất phát từ một tình yêu đầy rung động. Nhưng họ đã ở bên nhau suốt chặng đường từ trẻ đến già bằng những cảm thông, thấu hiểu, vượt qua và dần gắn vào nhau thành một thể. Khi bà nấu ăn, ngon thì ông ăn nhiều, hơi không vừa miệng thì ông ăn ít chút cũng chẳng phàn nàn một tiếng nào. Đi đâu ông bà cũng muốn đi cùng nhau, mặc đồ đôi, thỉnh thoảng trêu nhau, và gây chuyện như hai đứa trẻ. Tôi nhớ trong phim có nhiều phân đoạn rất đời thường như bà cụ mỗi lần đi vệ sinh buổi đêm sẽ sợ bóng tối nên bảo ông đi theo đứng canh ngoài cửa. Bà ngồi trong sợ ông không còn ngoài đó cứ gọi hỏi chừng còn ông thì vẫn chịu khó, nhẫn nại đứng đợi. Rồi khi bà đi tiêm thuốc vẫn cần ông theo ngồi bên cạnh nắm lấy tay trấn an. Càng về sau sức khỏe ông càng yếu, ông bà vẫn lọm khọm bênh nhau, bà dùng đôi tay cũng đã gầy yếu, vụng về của mình chăm sóc cho ông…

Trong bộ hanbok tiệp màu với nhau, hai mái đầu bạc nắm tay đi dọc con đường. Mùa xuân hái hoa, mùa hè dạo chơi bên hồ, mùa đông vai kề vai nặn những người tuyết bằng đôi tay đã nhăn nheo và hơi thở khó nhọc. Và cả lúc họ chuẩn bị những bộ trang phục cho những đứa con đã mất, cụ bà ngồi nói với ông về từng đứa con rồi đưa tay quệt nước mắt…Cho đến khi bộ phim kết thúc, những hình ảnh đó vẫn khiến người xem thổn thức về một mối tình đẹp trải dài hơn 70 năm.

Có ai đó đã nói với tôi, vợ chồng là mối quan hệ cần “đầu tư” nhiều nhất. Bởi vì ba mẹ, con cái rồi cũng rời khỏi cuộc sống chúng ta, chỉ có vợ chồng là sẽ ở bên nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Lúc bạn kết hôn có thấy hồi hộp không? khi nghĩ đây là người sẽ ở cùng mình mãi, nhìn thấy mình già đi. Chúng ta sẽ chứng kiến nhau những thành công, thất bại. Chẳng có cuộc sống nào là phẳng lặng và chắc gia đình nào cũng phải vượt qua đôi lần sóng gió. Mãi đến một ngày mắt đã mờ đi, dáng vẻ thanh xuân không còn nữa, ai sẽ là người bên cạnh mới là điều quý giá nhất.

Gắn bó dài lâu với một người sẽ không thể là chuyện dễ dàng. Dầu tôi chỉ mới đi cùng chồng một quãng thời gian, chưa đủ trải nghiệm để phân tích thật nhiều, nhưng nhìn thấy vài người rời nhau ở những “ sân ga” giữa chặng thật đáng tiếc. Bởi vì như ba mẹ tôi ấy, lúc vô ở với cháu vài ngày bà lại sốt ruột lo về lại quê để cơm nước cho ông, mà trước khi vô thăm cháu cũng đã chuẩn bị nào là pha cafe để sẵn chai trong tủ lạnh, thức ăn cũng trữ sẵn mấy ngày. Cái nhớ cái lo và thương ấy theo tháng năm đã dày dặn đến mức vắng vài hôm là không chịu được. Và rồi sẽ đến một ngày đôi bàn tay nhăn nheo níu nhau mà dặn, người đừng qua sông một mình, như bộ phim tài liệu tôi vừa kể cùng bạn.

K.Q

3.7/5 - (3 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU