Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Các bạn thân mến! Bằng giọng văn nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc, bạn Ngọc Kết đã gửi đến chương trình hôm nay bài viết “Triền đê xanh lối cỏ về…”. Qua lời tâm sự của một người bạn xa xứ, tác giả đã khắc họa nỗi nhớ nhung và sự cô đơn của một người bạn hiện đang sống ở Mỹ. Bài viết không chỉ khắc họa sự gắn bó sâu sắc với quê hương, mà còn là một lời nhắc nhở về những giá trị bình dị của cuộc sống và tình bạn, giữa những bộn bề của cuộc sống hiện đại. Mời các bạn cùng nghe.
Bạn gửi mail cho mình từ nước Mỹ xa xôi, những lời lẽ tha thiết như thể bạn đang rút hết ruột gan mà trải: “Bây giờ, niềm mong ước lớn nhất của mình là được nằm ngửa, dang tay, dang chân trên vạt cỏ xanh mướt nơi triền đê cuối làng, mắt mở to nhìn bầu trời đêm đầy trăng sao lung linh, lồng ngực căng tràn hơi thở của gió từ bãi bờ, đồng lúa, từ sông mẹ Thu Bồn, tai đầy ắp thanh âm của bản hòa ca thiên nhiên mê hoặc…”.
Nhiều khi vì công việc bận rộn, mình không có đủ thời gian để đọc hết những dòng mail đầy thương nhớ ấy. Bạn lại chuyển sang gọi điện, nhắn tin, bày tỏ nỗi lòng của một người xa xứ luôn cô đơn và khao khát được chuyện trò cùng ai đó ở quê nhà. Múi giờ chênh lệch làm những cuộc gọi của bạn đôi khi khiến mình thấy phiền lòng.
Cứ mỗi sáng, khi mình vừa đến cơ quan, bạn lại gọi, cuộc nào cũng giống cuộc nào, vẫn là nỗi nhớ quê hương, vẫn là mong mỏi được quay về, kéo dài cả tiếng đồng hồ mà chẳng bao giờ cắt đứt được. Dường như, sau một ngày làm việc vất vả, bạn chỉ chờ đêm về để được trải lòng. Bạn có khá nhiều bạn bè, nhưng sao bạn chẳng bao giờ gọi họ, mà chỉ gọi mình. Bạn biết mình là người yêu văn chương, tâm hồn lãng đãng, có thể lắng nghe, thấu hiểu. Vì thế, những cuộc gọi cứ đều đặn diễn ra, và thông tin chẳng mấy khi thay đổi.
Cho đến một ngày, mình bực bội, bảo bạn bằng những lời thiếu tế nhị: “Ông thôi cái trò ủy mị ấy đi, thích thì về đây cho thỏa.” Và bạn giận thật. Kỳ lạ là khi bạn không gọi về nữa, lòng mình lại thấy trống vắng. Có lẽ, đã từ lâu, những tâm tình, những trăn trở, nỗi cô đơn của bạn nơi đất khách đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mình. Mình cảm thấy có lỗi, không chỉ với bạn mà còn với quê xưa.
Mình nhớ ngày xưa, bạn là một cậu bé thông minh hơn hẳn đám trẻ trong làng. Nhà bạn nghèo, ba mẹ mất sớm vì chiến tranh. Bạn sống với người dì trong ngôi nhà nhỏ bên triền đê cuối làng. Sau mỗi buổi học, mỗi buổi chăn trâu, đó là nơi tụ tập của đám trẻ trong làng với đủ trò chơi quê kiểng. Bạn thường ít tham gia vì còn phải giúp dì việc nhà. Nhưng có một điều mình nhớ, đó là bạn cũng có đam mê đọc sách giống mình.
Ba mình là một nhà nho, sách vở ông để đầy trong một cái rương lớn. Từ khi còn nhỏ, ba đã bắt chúng mình tập đọc, và rồi mình say mê sách lúc nào không hay. Bạn thì không có điều kiện đọc sách nhiều như mình, nhưng mỗi lần có quyển sách nào trong tay, bạn lại nghiền ngẫm cho đến khi hiểu hết mới thôi. Những lúc đó, mình thấy thương bạn, thậm chí lén ba mang sách cho bạn mượn. Có lẽ vì thế, từ khi còn học trường làng đến tận bây giờ, dù bạn ở đất Mỹ xa xôi, bạn vẫn xem mình là một tri kỷ.
Bạn học xong trung học cơ sở ở quê, rồi theo dì sang Mỹ. Cuộc sống ở xứ lạ khiến bạn không khỏi bỡ ngỡ. Công việc của bạn từ lúc mới qua đến nay vẫn là nghề đưa báo. Bạn kể mỗi ngày như một ngày, phóng xe vun vút qua những xa lộ, lúc mặt trời chưa ló dạng, trong cái lạnh tê tái của mùa đông, trong sương đêm ướt đẫm của mùa hè, và trong nỗi cô đơn tột cùng mỗi khi kết thúc một ngày làm việc. Đêm về, bạn lại ngồi một mình trong căn phòng, gặm nhấm nỗi cô đơn.
Bạn không thể hòa vào nhịp sống của người Mỹ, vì sự khác biệt quá lớn về văn hóa, phong tục, cách ăn uống, ứng xử, trò chuyện… Bạn thu mình như con ốc trong cái hộp kín là căn nhà. Những lúc đó, bạn lại nhớ quê hương, nhớ những ngày xưa cũ nơi triền đê, nhớ những cái Tết đầy ắp niềm vui giản dị, những bữa cơm gia đình, những đám giỗ làng… Một tâm hồn đa cảm như bạn làm sao có thể vượt qua cô đơn nếu không có những dòng mail, tin nhắn từ quê nhà.
Mình thật vô tâm. Vô tâm với bạn, và vô tâm cả với chính tâm hồn mình, khi để cuộc sống bận rộn, cơm áo gạo tiền làm mờ đi những ký ức yêu thương xưa cũ, với cỏ quê, triền đê gió thổi, trời đêm lung linh trăng sao.
Giờ đây, khi bạn không còn gọi về nữa, mình bỗng ước ao nghe lại một tiếng chuông điện thoại có giai điệu của Trịnh Công Sơn: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng / Để làm gì em biết không / Để gió cuốn đi…” dành riêng cho những cuộc gọi của bạn. Ước gì, sáng mai khi đến cơ quan, mở máy lên và thấy những dòng mail tâm tình từ bạn.
Có lẽ, dù có phải đi đến đâu, chúng ta vẫn sẽ mãi là những ngọn cỏ quê, lấp lánh trong sương đêm, nơi triền đê có dòng sông chảy qua làng, chảy qua mỗi phận người đất đai quê hương. Chợt nhớ câu thơ ai đó đã viết: “Không làm gì được cho quê / Xin làm ngọn cỏ chân đê giữ làng.”
Phải rồi, mình hy vọng vào một ngày nào đó, bạn và mình sẽ không cần phải nói với nhau một lời, mà tự nhiên làm cuộc trở về nơi triền đê cỏ lau ngày xưa, nằm ngắm sao khuya mà ngẫm nghĩ về cuộc đời…
Ngọc Kết