Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.
Vậy là tháng Chạp đã quay trở về như một lời hẹn ước của thời gian, nhắc nhớ ta rằng chẳng còn bao ngày nữa thôi là tới Tết. Từ bây giờ từ những miền quê, xóm nhỏ, từ trong vườn rau nhà mẹ hay những phiên chợ quê đã thấy Tết thật gần. Sau đây mời các bạn cùng nghe Podcast “Tháng Chạp về lòng có bâng khuâng? của BTV Ái Linh với những cảm xúc của những ngày tháng Chạp.
Tháng Chạp – tháng cuối cùng của năm, dường như mang một nét gì đó rất đặc biệt, vừa xao xuyến vừa bồi hồi. Đó là thời khắc giao mùa khi đông chưa tàn, xuân cũng chưa sang, là khi ta nghe trong đất có tiếng trở mình, là hàng cây xác xơ đã bắt đầu nảy lộc, là lúc cái lạnh cuối mùa đã không còn cắt da cắt thịt mà trở nên nhẹ nhàng hơn, như để nhường chỗ cho sự tất bật, hối hả của những ngày cuối năm.
Tháng trước trời cứ rỉ rích mưa hoài, má tôi sốt ruột đi ra đi vô lòng đầy lo lắng, mưa miết như ri chắc Tết này không có rau ăn quá bây ơi. Thế rồi, tháng Chạp đến, trời ngớt mưa, má mừng như được mùa, tất tả ra vườn, dọn cỏ, bang đất cho tơi mịn, rồi lên luống trồng rau. Năm nào má cũng chuẩn bị sẵn hạt giống xà lách, tần ô, cải, ngò…sau khi gieo xong má không quên phủ lên trên luống rau tàu lá chuối phòng khi trời mưa. Xong chuyện đám rau, má lại tất tả lo chuyện muối mắm dưa kiệu, củ cải…rồi làm thịt heo muối. Dù bây giờ ngoài chợ thứ gì cũng có, nhưng má bảo vẫn thích tự tay làm lấy cho “chất lượng” và làm nhiều để còn gởi cho con cái mỗi đứa một thẩu ra Tết có cái mà ăn. Rồi thế đấy, năm nào sau khi về thăm tết nhà má, anh em tôi ai cũng tay xách nách mang giỏ quà mà má chuẩn bị sẵn, là quà quê thơm thảo, là tình yêu thương mà má gói ghém trong từng công đoạn vì lúc nào cũng nghĩ đến cháu con.
Ở quê, người ta ít gọi là tháng 12 âm mà gọi là tháng Chạp, như thể nhắc nhở cái Tết đã cận kề. Cứ đến tháng Chạp là không khí làng quê như rộn rã lên, đầu trên xóm dưới đã bắt đầu bàn chuyện mổ heo chung để chia nhau ngày Tết. Những phiên chợ quê cũng nhộn nhịp và nhiều màu sắc hơn thường lệ, người ta đã bắt đầu mua sắm để chuẩn bị cho giỗ chạp, tất niên và nhất là cho ba ngày Tết. “Có đói có no cũng ba ngày Tết”, quan niệm ấy đã ăn sâu vào bao thế hệ, nên người ở quê dù nghèo, dù giàu thì kiểu gì cũng phải có một cái Tết đủ đầy nhất trong khả năng của gia đình. Hòa mình vào những phiên chợ quê tháng Chạp mới thấy hết cái không khí những ngày cuối năm, người ta tất bật, vội vã như thể chỉ cần chậm lại thôi là sẽ không kịp Tết. Người ta tính toán mua món này sắm món kia sao cho vừa túi tiền nhưng nhất định không được thiếu thứ gì trong ngày đầu năm mới. Tiếng người bán, kẻ mua, tiếng cười, nói, tiếng gà, tiếng vịt…tạo nên một thứ âm thanh xôn xao mà sống động, khiến ai cũng trở nên hối hả hơn, giục giã hơn..vì ngoài kia Tết đã cận kề.
Những ngày tháng Chạp ở quê cũng là thời điểm các gia đình, dòng tộc tổ chức chạp mã. Cứ thành lệ, sau khi xong công việc đồng áng, những người trong tộc sẽ chọn một ngày để cùng nhau tập trung lại để về dọn dẹp phần mộ của ông bà, tổ tiên. Ngay từ sáng sớm, cánh đàn ông thì sẵn các dụng cụ cuốc, xẻng…để đi giẫy cỏ mã, lau chùi lại các phần mộ. Còn cánh phụ nữ thì lo chợ quán để nấu đồ cúng ở nhà thờ tộc. Sau khi việc giẫy cỏ mã xong thì cũng là lúc mâm cúng đã tươm tất. Ngày nhỏ, tôi rất thích được ba chở về quê đi chạp mã vì đây là dịp được gặp gỡ các anh em bà con ở xa trở về mà trong năm không dễ gì được gặp. Ba tôi nói, mình dọn nhà đón Tết thì cũng phải lo tươm tất cho ông bà tổ tiên, về chạp mã để còn biết bà biết con, để anh em trong tộc còn biết mặt nhau, sau này ra đường còn nhận ra nhau. Lớn lên tôi càng hiểu hơn về ý nghĩa ngày chạp mã, đó không chỉ là ngày bà con trong gia đình quây quần lại bên nhau mà còn là sự kết nối của con cháu hôm nay với tổ tiên, giữa người còn sống với người đã khuất để càng cố kết hơn sự đoàn kết trong gia tộc.
Với những gia đình có con cái đi làm ăn xa, tháng Chạp là tháng mong chờ được đoàn viên. Gọi điện hỏi thăm ngày mấy con về là bắt đầu từng ngày đếm ngược, là háo hức là chờ đợi, là chuẩn bị món này món kia để chờ ngày con cháu về nhà. Hàng xóm láng giềng thi thoảng hỏi thăm “khi nào mấy đứa về?” là lòng lại ngóng trông. Vì thế tháng Chạp còn là tháng của chờ đợi, mong ngóng ngày sum vầy. Câu nói: “Tết này con không về”…bao giờ cũng để lại một khoảng lặng mênh mông, người nói cũng buồn, mà người nghe cũng thấy ngậm ngùi. Tết chỉ thực sự là Tết khi chúng ta được ở bên những người thân thương, bên gia đình và bè bạn. Có thể Tết chẳng cần mâm cao cổ đầy, nhưng chỉ cần có đầy đủ những người mình yêu thương, quây quần, tề tựu bên nhau, vậy là đã là một cái Tết vô cùng ấm áp rồi.
Tháng Chạp về rồi đấy, chỉ còn dăm bữa nữa thôi là qua rằm, rồi cúng ông Công ông Táo, ngó tới ngó lui là Tết đến bên thềm. Ở quê, không khí Tết đã đến thật gần, người nhà quê đã chuẩn bị cho Tết từ bây giờ, chuẩn bị để đón những người con ở xa “về quê ăn Tết”. Tháng Chạp rồi, lòng bạn có bâng khuâng, đã ngóng trông được về đón Tết cùng với quê?
Ái Linh