Trang chủPODCAST - ỐC LỂ - HƯƠNG VỊ CỦA QUÊ HƯƠNG

[ PODCAST ] – ỐC LỂ – HƯƠNG VỊ CỦA QUÊ HƯƠNG

Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

Tháng Giêng ốc đã lên bờ

Mặn mà hương biển, đợi chờ bàn tay”

Sau Tết, khi cái lạnh của mùa đông dần nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp, cũng là lúc bắt đầu mùa khai thác ốc lể (hay còn gọi là ốc ruốc, ốc gạo). Dọc các bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam), hình ảnh những người dân miệt mài cào ốc trở nên quen thuộc. Loại ốc này thường xuất hiện nhiều nhất từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch. Tuy nhỏ nhắn chỉ bằng nữa đầu đũa, nhưng khi chế biến đúng cách, ốc lể lại trở thành món ngon khó cưỡng, nhất là đối với phái nữ.

Mỗi buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời còn chưa ló dạng, các ngư dân đã có mặt tại bờ biển với những dụng cụ đơn sơ nhưng hiệu quả: một cây sào dài hơn hai mét, một đầu gắn khuôn sắt hình chữ nhật được phủ lưới để giữ lại ốc, còn cát theo nước biển trôi ra ngoài. Anh Nguyễn Anh Đức, một người chuyên cào ốc tại xã Tam Thanh, chia sẻ: “Tôi làm nghề này từ thời cha ông để lại. Ốc lể nhỏ xíu vậy thôi nhưng mỗi mùa, cả làng lại rộn ràng, ai cũng mong được mùa, được giá.”

Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi sức khỏe dẻo dai. Người cào ốc phải ngâm mình nhiều giờ dưới làn nước lạnh, chịu đựng những con sóng lớn bất ngờ ập đến và cái nắng chói chang giữa trưa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ốc sau khi được vớt lên bờ sẽ được phân loại theo kích cỡ, rồi ngâm nước để loại bỏ cát. Từ bờ biển, ốc nhanh chóng được vận chuyển đến các chợ, các quầy hàng rong hoặc đến tay những người bán dạo. Trên những con đường quen thuộc như Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng…ở Tam Kỳ, không khó để bắt gặp hình ảnh những xe đẩy chất đầy ốc hay những chiếc xe máy len lỏi khắp các nẻo đường với tiếng rao quen thuộc: “Ốc lể đây, ai ốc lể không?”.

Cô Nguyễn Thị Trinh, một người bán ốc lâu năm tại Tam Kỳ, chia sẻ:“Mỗi ngày, tôi bán được 5-7 xô ốc đầu mùa. Để ốc ngon, trước tiên phải chọn ốc còn sống, làm thật sạch rồi mới nấu. Gia vị nêm nếm cũng rất quan trọng: mì chính, muối, ớt khô phải để riêng, ai mua thì mình mới nêm thêm theo khẩu vị từng người.”

Ốc lể không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là cái cớ để tụ tập, hàn huyên. Đặc biệt, với những ai từng sống xa quê, hương vị ốc lể chính là mảnh ký ức ngọt ngào nhất, gợi nhớ những ngày tuổi thơ ngồi bên bạn bè, tỉ mẩn từng con ốc nhỏ. Bạn Nguyễn Minh Đan, một sinh viên Quảng Nam đang học tại Sài Gòn, tâm sự: “Ốc ở quê mình ngon lắm! Hồi nhỏ, cứ đến mùa ốc là mình lại rủ bạn đi mua về lể, có khi mải lể quá quên cả học bài, bị ba má la hoài. Giờ đi xa rồi, mỗi lần về quê đúng mùa ốc, mình lại tìm mua ngay để được sống lại những ký ức tuổi thơ.”

Ốc lể có thể chế biến theo nhiều cách: xào cay, luộc sả, rang muối hay hấp lá chanh. Món ốc lể xào cay là món khoái khẩu của nhiều người, bởi vị cay the của ớt, mùi thơm của sả hòa quyện trong từng con ốc nhỏ, nhâm nhi từng chút một mà mê mẩn. Khi ăn, không thể thiếu que gai bưởi hay chanh để lễ từng con ốc ra khỏi vỏ, góp nhặt từng con thành một xâu rồi thưởng thức, cảm nhận hết vị ngọt bùi.

Dù là một món ăn dân dã, ốc lể lại mang trong mình hương vị quê hương khó quên. Từ những người ngư dân lặn lội cào ốc giữa biển khơi, đến những cô bán hàng rong len lỏi trong từng góc phố, tất cả đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của miền Trung. Ngày xưa, mỗi khi mẹ đi chợ về với một túi ốc nhỏ, lũ trẻ con lại háo hức, quây quần bên bếp lửa, chờ đợi những chén ốc nóng hổi.

“Quê nghèo một bát canh rau

Thêm dăm ba hột muối, ốc nâu mặn mà”

Một món ăn bình dân, nhưng chất chứa bao ký ức. Một lần ngồi xuống, nhẩn nha từng con ốc nhỏ, bạn sẽ thấy tuổi thơ như ùa về, qua từng câu chuyện, từng tiếng cười râm ran giữa những người thân thương. Ốc lể không chỉ là một món ăn, mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người con xa xứ với quê nhà dấu yêu. Dù đi đâu, dù ở nơi nào, chỉ cần một lần cầm que gai bưởi để lể ốc, ta lại thấy lòng mình dịu lại, thấy quê hương như gần hơn một chút. Ốc lể không đơn thuần là món ăn, mà còn là cả một miền thương nhớ.

“Tam Kỳ đất mẹ ân cần

Gió lay bóng nước, tình thân vững bền”

Và để kết lại câu chuyện hôm nay, mời quý thính giả cùng lắng nghe ca khúc “Quảng Nam yêu thương” – một bài hát gợi lên bao nỗi niềm về quê hương xứ Quảng…

Phương Thùy

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU