Trang chủPODCAST Hai người đổ vỡ hơn hai người không lành lặn...

    [PODCAST] Hai người đổ vỡ hơn hai người không lành lặn…

    Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PT-TH Quảng Nam. Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h15’ cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

    Vài năm trở lại đây, tôi thường nghe những câu chuyện chia tay mà người ta kể cho nhau nghe như một cách rất “bình thường”, khi hai người không còn tìm được tiếng nói chung, và những đứa trẻ buộc phải chọn sống với mẹ hoặc ba của chúng, có khi còn không có sự lựa chọn. Nhưng có ai từng nghĩ, khi hai người đổ vỡ, có hơn hai người sẽ mãi không lành lặn…

    Ai đó đã từng nói, tình yêu ví như cây xương rồng vậy. Xương rồng có thể xanh sống mãnh liệt khi đã cắm rễ vào đất, nhưng để nó nở hoa thì không phải dễ dàng. Hoa thì rất đẹp. Nhưng điều đáng lưu tâm là nếu nó chết sẽ chết từ bên trong, cho đến khi nhìn thấy sự héo rủ thì thân xương rồng đã mục ruỗng bên trong không thể nào sống lại được. Như tình yêu giữa hai người thường sẽ bào mòn dần trong sự im lặng kìm nén của cả hai, cho đến khi họ không chịu đựng nữa mà phơi bày mọi thứ ra bên ngoài, tất cả đã không thể nào quay trở lại được. Họ chia tay nhau. Nhưng giá như họ chỉ có hai người…

    Có đứa trẻ nào mà không thích ở với mẹ. Đó là đặc quyền của con. Nhưng không có nghĩa vai trò của người cha trong cuộc đời con không quan trọng. Con trai tôi học mẫu giáo về hát bi bô “ Ba thương con nhưng ba không nói, mẹ thương con mẹ khống giấu một lời… A, con biết rồi, ba với mẹ đều thương con bằng nhau”… Và lúc nào thằng bé cũng nói ba mẹ yêu thương con, gia đình yêu thương… nó luôn gắng ba mẹ về cùng một thể. Hãy để ý những đứa trẻ, chúng có thể thích chơi hay bày trò cùng cha, nhưng khi đói hoặc đau, hoảng hốt, chúng hay bất giác thét lên “ mẹ ơi”! Mặc dầu phụ nữ thời hiện đại kham được gần như hết mọi việc mà một người đàn ông có thể làm, nhưng mãi vẫn là một người phụ nữ. Họ có thể vừa làm mẹ vừa làm cha, nhưng đứa trẻ thiếu cha vẫn sẽ không thể hoàn thiện.

    Đó chưa kể về những cuộc chia tay khi con chưa trưởng thành nhưng đủ lớn để cảm nhận và ám ảnh…

    Tôi có một người anh học trên hai khóa thời phổ thông. Gần hai mươi năm tình cờ công tác ngang qua Tam Kỳ, anh nhắn mời cơm trưa và cafe, hai anh em hàn huyên thật lâu. Anh chia tay vợ và hai con gái hơn một năm qua. Trước mặt tôi anh kể không chi tiết nhưng nói là do anh sai, anh tham lam quá… Tháng sau vợ và hai con anh sẽ qua Úc định cư. Anh bảo vợ sao phải qua Úc, với số tiền và tài sản anh để lại khi rời đi, đủ để mấy mẹ con sống thoải mái cả đời. Chị nói chị không muốn ở lại Việt Nam nữa. Là một người phụ nữ, tôi cảm giác được sự tổn thương của một người khi nói như vậy. Khi tâm hồn bị sát thương đến quá mức, không thể diễn tả được… người ta thường cứ muốn đi đến nơi nào đó càng xa lạ càng tốt, để quên cái cảm giác mình của ngày xưa. Có người lại thích cuộn mình vào thế giới riêng, họ lắng nghe cả tiếng gió, tiếng của hoa lá cỏ cây… để tránh va phải tiếng lòng của mình. Nhất là với mối tình đã từng khắc cốt ghi tâm.

    Còn người anh đó của tôi, con gái anh nói ba có người khác nên ba bỏ mẹ, sau này con sẽ học và đi làm, có tiền con đi du lịch khắp nơi, con KHÔNG LẤY CHỒNG đâu! Anh nói với tôi là con bé không trách ba. Nhưng đó là gì? Thật ra là một sự đổ vỡ hình tượng quá lớn. Người đàn ông, người chồng… mà nó thấy của mẹ… khiến nó sợ viễn cảnh của mình nên hình thành suy nghĩ như vậy. Gia đình của con đổ vỡ… và sau này con không muốn có gia đình… Tôi không biết sau này con bé có may mắn gặp được người chữa lành những vết thương hôm nay hay không… chỉ sợ nỗi ám ảnh đó sẽ chi phối hạnh phúc của nó sau này mãi. Giống như ba của nó vậy.

    Thật ra đến hôm nay anh mới kể tôi nghe vì sao ngày đó anh vào Huế học lớp chuyên toán, khối phổ thông của trường ĐHKH Huế. Anh giỏi nên thi đậu là điều đương nhiên. Nhưng, cũng vì anh không muốn ở nhà. Anh sợ những bữa cơm gia đình, lúc mà ba anh luôn “ dằn mâm xáng chén”. Ba anh luôn say xỉn và gây gỗ với mẹ…

    Rồi sau này anh lên Đại học, đi làm, lấy vợ sinh con như bao người khác. Tính chất công việc của anh đi công tác khắp nơi, thỉnh thoáng ghé về nhà rồi lại đi, chu cấp đầy đủ nhu cầu sống cho vợ con là anh thấy đủ rồi. Tôi hỏi lúc đó anh đi làm suốt có thấy nhớ và muốn về nhà không? Anh bảo không, thấy về nhà cũng bình thường. Phải chăng vì anh chưa bao giờ sống được trong không khí ấm áp hạnh phúc của gia đình nên với anh mọi thứ cứ bình thường vô vị? Rồi con gái anh, liệu sau này có biết thế nào là gia đình hạnh phúc hay không? Một sự kế thừa không lành lặn.

    Tôi đã từng nghe ai đó nói, hạnh phúc giống như một cỗ máy, càng đơn giản thì càng dễ sửa nếu chẳng may bị hư một chút. Và điều quan trọng của hai người sống cùng nhau nên biết, là cảm thông, chia sẻ và tha thứ. Một gia đình hạnh phúc sẽ sinh ra những đứa trẻ hạnh phúc. Khi hai người lớn quyết định chia tay thì không chỉ có họ đổ vỡ. Những đứa con sẽ mãi mãi chịu một phần khiếm khuyết trong tâm hồn.

    Nếu bạn chưa từng đổ vỡ, có lẽ bạn không thể cảm nhận sâu sắc nhất rằng, một gia đình hạnh phúc có giá trị không cân đo đong đếm được…. Dẫu rằng chẳng ai cổ súy cho việc trối sống trối chết níu giữ một hôn nhân chỉ toàn đem lại đau khổ. Nhưng nếu hôn nhân đó đã cho ra đời những đứa con thì chắc rằng nó cũng từng có những khoảnh khắc hạnh phúc. Chỉ mong rằng chúng ta, những con người bé nhỏ, rồi sẽ tìm được cho mình những niềm hạnh phúc thật giản đơn…

    1/5 - (1 bình chọn)

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU