[ PODCAS ] – Mùa thu

Chào mừng bạn đến với Podcast “Cafe 360” của Đài PTTH Quảng Nam… Phát hành trên website qrt.vn, app QRT online, youtube Đài PT-TH Quảng Nam lúc 18h00 thứ Bảy hằng tuần; trên sóng phát thanh Đài PT-TH Quảng Nam tần số FM 97,6Mhz lúc 19h cùng ngày, “cafe 360” sẽ là những lời tự sự, những tản mạn về cuộc sống… Mời các bạn đón nghe.

Bạn nghe đài thân mến, mùa thu có lẽ là thời điểm đẹp dịu dàng và bình yên nhất trong năm. Không gian và thời gian bỗng như chùng xuống trong khúc giao mùa lặng lẽ, đầy cảm xúc… Dừng lại chốc lát giữa những ngày hối hả, mời bạn cùng Kim Quảng đến với café 360, chia sẻ với nhau về những điều của mùa thu…

Sáng sớm trong quán quen, hương cafe thơm ấm áp, cô bạn pha chế hôm nay bật lên ca khúc bất chợt “ Mùa thu cho em” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, khiến khách uống sực nhớ ra mùa thu đã về tự khi nào, tự hỏi tháng tám vừa đi qua chăng, như thể tiếng mùa thu gõ cửa còn chưa rõ ràng, thì lá đã vàng và nước dưới hồ trong veo. Vậy là đất trời đã khoác lên mình tấm áo mùa thu đầy êm đềm, thơ mộng.

Nếu bốn mùa được ví như bản nhạc thì có lẽ mùa thu là những nốt lặng. Trong âm nhạc, nốt nhạc tạo ra âm thanh và nốt lặng là nốt không tạo ra âm thanh, chúng kết hợp với nhau để tạo thành giai điệu của một bài hát. Khi học về nhạc lý, họ hay nói với nhau, nếu bạn có thể thưởng thức âm nhạc, bạn cũng phải học cách thưởng thức những khoảng lặng. Bạn có nghĩ những ngày thu là cách bạn lắng nghe như vậy, trong không gian, mọi thứ sẽ hiển thị bằng cảm nhận không lời, đầy tinh tế, phải có nhịp dừng để lắng nghe tiếng của thời gian.

Thu sẽ đem về vài nỗi nhớ không tên. Đó là mùi hoa sữa dẫu có không gắn với kỉ niệm nào đi nữa cũng thật khiến người ta bâng khuâng như  nhớ một thứ gì. Đó là một loại hương đầy gợi nhớ. Trong hôm tối giao mùa, trên con đường hắt bóng đèn vàng, chưa ráo hẳn dấu cơn mưa nhỏ vừa qua, bạn đi chầm chậm để nghe hương hoa sữa chở thời gian trôi trên phố quen, dẫn lối về nhà, bỏ lại phía sau những nuối tiếc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thật ra, không đợi có chuyện gì để ngoảnh lại đầy lưu luyến, mà hễ cứ trôi qua một ngày sẽ đồng nghĩa với việc bạn mất đi thêm một ngày nữa. Vui hay buồn cũng thật nhớ và muốn được quay lại hôm đó, thời khắc đó. Cho nên là nắng hay mưa cũng hãy sống trọn vẹn với thời gian cho bạn.

Không phải như Hà Nội với mùi hoa sữa đã đi vào nhạc và thơ, những con đường nhỏ ở Tam Kỳ, đâu đó khắp Quảng Nam vẫn thoảng nghe hương mùa thu thật hoài niệm từ một gốc cây hoa sữa ven đường bung những cụm bông trắng xanh thơm nồng.

Người ta nhắc nhiều về mùa thu Hà Nội với gói xôi cốm đựng trong lá sen, những xe chở hoa dựng trên phố đợi khách chia mùa thu về nhà… còn ở một nơi nào đó xứ này, bạn lại khắc khoải khi vạt nắng chiều vương vào mắt. Có những hôm lưng chừng chiều, nắng nhạt như khói lơ lửng ngang trời, gió miết thật nhẹ trên mái tóc con để bạn thấy mình như lãng mạn hơn một chút. Năm nào cũng vậy, bạn lại thấy ngày nắng nhạt quay về trên phố nhỏ, như gặp lại mình của những mùa thu đã đi qua. Mùa thu nơi bạn ở được bạn nhận ra qua màu nắng chiều.

Hãy sống với lòng biết ơn cuộc đời, mỗi mùa đi qua đều nâng niu từng giọt cảm xúc. Và nùa thu là lúc bạn thấy lòng bình yên nhất. Người luôn muốn nán lại bên cạnh ai đó thêm một lúc thay vì tạm biệt nhau. Thời gian của mùa thu dường như từng được một thi sĩ mô tả bằng chữ ” chùng chình”, để nói rằng đó là những ngày đầy lưỡng lự và chậm rãi.

Mùa thu là mùa đi học. Khi bạn còn là đứa trẻ suốt ngày chạy vào trong gian buồng nhà vạch bộ đồ mới ra hít hà hương thơm chờ ngày được mặc đi khai giảng. Đó là khoảnh khắc bạn sợ sệt nấp sau lưng mẹ đến trường tiểu học. Là bạn bồi hồi chờ ngày xếp lớp đầu cấp, sẽ chung bàn với ai, có gặp đứa bạn hồi lớp cũ không, năm nay ai là cô giáo chủ nhiệm… như nhà văn Thanh Tịnh đặc tả ” Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”

Mấy nay đã nghe tiếng trống các đội lân tập múa quanh khắp nẻo đường, kí ức những mùa Trung Thu xưa lại ùa về đầy thổn thức. Chẳng biết bọn trẻ ngày xưa có còn nhớ những hôm trăng rằm dắt nhau đi coi múa lân? Buổi chiều lót dép ngồi xếp hàng ở sân nhà bác trưởng thôn, mấy cô bưng mủng kẹo đã chia thành từng bịch nhỏ đi phát cho từng đứa. Những cây kẹo xanh đỏ thật đẹp và ngon. Đứa nào nhà khấm khá được ba mẹ sắm cho cơ man bánh kẹo hảo hạn mà cũng cứ thích ngồi đợi phát bịch kẹo cùng lũ bạn, hẳn cũng vì ham vui với cái không khí ngày hội tuổi thơ. Tay giữ khư khư bịch kẹo, bọn bạn rủ nhau đi theo các đội lân đến múa cho từng nhà.

Múa lân hồi xưa đơn giản hơn bây giờ nhiều. Đa phần các đội tự làm đầu lân thủ công, sắm soạn các dụng cụ đi kèm, và chỉ độc một cái trống bự chứ chưa đầy đủ nhiều loại âm thanh như các đoàn lân sư rồng ngày nay biểu diễn. Mộc mạc vậy nhưng không kém phần hào hứng. Những con lân quê xưa cũng múa có bài có nhịp. Dưới ánh trăng vằng vặc, đoàn lân gửi hồi trống chào để gia chủ ra đón mời vào múa vui. Con lân sẽ múa theo bài từ chào hỏi, vào thăm, chạy quanh nhà với hàm ý xua đuổi mọi điều không may, đem sự chúc phúc đến cho chủ nhà. Đầu lân lắc lắc như đứa trẻ, ông địa xoa cái bụng tròn, tay quạt phây phẩy rất vui.

Người chủ sẽ tặng quà cho lân như lời cảm ơn. Đội lân múa xong bài cúi chào rồi rời đi, tiếp tục ghé thăm những ngôi nhà khác, đem không khí vui tươi chia sẻ khắp mọi nơi. Tiếng trống múa lân qua mỗi mùa Trung Thu lại in hằn trong kí ức của từng người như vậy. Dầu thời gian có trôi qua bao lâu, những đứa trẻ ngày xưa đều có chung cảm xúc mỗi khi nghe lại nhịp trống quen thuộc.

Mỗi năm trôi qua bạn lại cộng thêm cho mình một mùa thu nữa. Chiều tan làm lại ghé qua chợ hoa mua một bó cúc về cắm vào chiếc lọ gốm đặt cạnh của sổ, sáng mai dậy sớm pha cốc café rồi bật lên những tình khúc Ngô Thụy Miên để nghe “ Mưa có rơi và nắng có phai…” dìu dặt một nét thu êm đềm ngang ngõ…

K.Q

Bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

ĐỌC NHIỀU