Trang chủPhóng sựTrợ lực cho hộ nghèo

    Trợ lực cho hộ nghèo

     

    Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, không ít hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, nuôi con học hành thành đạt và vươn lên thoát nghèo. Dưới đây là 2 điển hình.

    Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Lưu Thị Tường lo cho con cái ăn học đàng hoàng; ổn định kinh tế với mô hình chăn nuôi bò hơn 10 năm qua. Ảnh: QUANG VIỆT
    Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Lưu Thị Tường lo cho con cái ăn học đàng hoàng; ổn định kinh tế với mô hình chăn nuôi bò hơn 10 năm qua. Ảnh: QUANG VIỆT

    1. Trong căn nhà cấp 4 của mình, bà Lưu Thị Tường (SN1967, thôn Hương Quế Tây, xã Quế Phú, Quế Sơn) bình thản nói về quãng đời cơ cực đã qua. “Trước kia, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm 2 sào lúa, cộng thêm nuôi ít heo gà vẫn không giúp gia đình tôi đủ ăn, chưa kể lúc ốm đau, mất mùa, dịch bệnh. Đó là khoảng những năm 2000, gia đình tôi thuộc diện nghèo, cái ăn, cái mặc của 7 nhân khẩu trong nhà chỉ do vợ chồng tôi cáng đáng nên thường hụt trước, thiếu sau. Thấy 5 đứa con ngày càng lớn, đều chăm ngoan, ham học, vợ chồng tôi vô cùng lo lắng, không biết lấy gì để xoay xở lo việc học hành của các con” – bà Tường nhớ lại.

    Quyết tâm thoát nghèo, ổn định kinh tế để chăm lo cho các con là điều vợ chồng bà Tường ngày đêm trăn trở. Rào cản lớn nhất với gia đình bà Tường lúc bấy giờ là thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế. “Tình cờ vào tháng 8.2005, trong buổi sinh hoạt, tôi được cán bộ nông nghiệp của xã cho biết gia đình có thể làm hồ sơ vay vốn ưu đãi. Lúc đó vợ chồng tôi rất mừng nhưng cũng có phần lo lắng rủi ro làm ăn thất bại sẽ không có khả năng trả nợ. Nhưng cơ hội đến không thể để trôi, chúng tôi quyết định vay vốn làm ăn vì đây là cách duy nhất để thoát nghèo” – bà Tường kể. Vậy là sau khi hoàn tất thủ tục, vợ chồng bà Tường được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Quế Sơn cho vay 10 triệu đồng. Có vốn trong tay, vợ chồng bà đầu tư nuôi 2 bò nái sinh sản và 2 lợn nái. Sau 8 tháng nuôi, bà Tường xuất bán được 2 lứa heo con; rồi hơn 4 tháng sau bán được thêm 2 bê con. Cứ thế, các lứa heo, bò liên tục được xuất bán góp thêm đáng kể vào thu nhập, kinh tế của gia đình bà Tường bắt đầu tạm ổn định.

    Tiếp đó, tháng 8.2007, Trần Thùy Nhung và Trần Thùy Dung – con gái sinh đôi của bà Lưu Thị Tường cùng đỗ vào Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Vui với niềm vui của các con nhưng bà Tường cùng chồng lại thêm nhiều đêm mất ngủ. Quyết cho con ăn học đến nơi đến chốn, bà Tường lại đến ngân hàng hỏi thăm vay vốn. Tháng 10.2007, gia đình bà Tường lại được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Quế Sơn cho vay 32 triệu đồng theo chương trình học sinh – sinh viên để nuôi 2 con gái ăn học. Sau khi 2 con gái tốt nghiệp và có việc làm ổn định, gia đình bà Tường nhanh chóng trả xong các khoản vay của ngân hàng. Đến năm 2009, con trai Trần Lưu Minh Luật đỗ vào Đại học Đông Á Đã Nẵng, bà Tường lại được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Quế Sơn cho vay 27,9 triệu đồng để nuôi con trong 4 năm ăn học. Từ ngày con trai vào đại học, bà Tường thực hiện gửi tiết kiệm hàng tháng tại ngân hàng để tích lũy vốn trả tiền gốc theo phân kỳ. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả nên gia đình bà Tường lại được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Quế Sơn cho vay vốn khi người con thứ 4 là Trần Lưu Minh Nhựt bước vào giảng đường đại học vào năm 2013. “Đến năm 2014, con gái út của gia đình là Trần Thị Ánh Nguyệt cũng theo học tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Lúc này, niềm vui nhân lên khi gia đình đã thoát nghèo, trả hết vốn vay, không phải vay thêm mà vẫn đảm bảo điều kiện để con gái út học hành đàng hoàng. Gia đình tôi có thể ổn định như hôm nay là nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước” – bà Lưu Thị Tường chia sẻ.
     

    Ông Lê Hùng Lam – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017 có 30.283 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, qua đó góp phần hỗ trợ hàng chục nghìn lao động có việc làm, 64 người đi xuất khẩu lao động; 395 gia đình có con em là học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ học tập…

    2. Nhiều năm trước đây, gia đình ông Tăng Văn Cai (SN1955, xã Quế Trung, Nông Sơn) thuộc diện hộ nghèo bởi mảnh đất ông ở thường xuyên chịu cảnh ngập lụt vào mùa mưa. Trước tình cảnh đó, gia đình ông Cai đã được chính quyền địa phương vận động chuyển từ thôn Trung Phước 2 đến sinh sống tại thôn Trung Nam ở cùng xã. Đến nơi ở mới, khó khăn vẫn quẩn quanh với gia đình ông Cai. Chỉ với 5 sào lúa canh tác phụ thuộc nước trời, thu nhập hằng năm của gia đình ông chưa đến 10 triệu đồng, trong khi đó ông phải chăm lo cho 4 người con đang tuổi ăn học. “Thấy bố mẹ quá vất vả, các con tôi đã từng xin nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Nhưng vợ chồng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải cho con ăn học đến nơi đến chốn mới mong sau này khá lên được. Quyết tâm vậy chớ nhiều lúc xoay xở không ra, có lúc tưởng như tuyệt vọng, cũng may là có sự trợ sức kịp thời của Ngân hàng Chính sách xã hội bằng nguồn vốn vay ưu đãi” – ông Cai kể.

    Khi vay vốn phát triển kinh tế phải ý thức rõ ràng vào việc đầu tư cho mô hình kinh tế nào, chưa thể nói đến hiệu quả, nhưng trước hết xác định được là có phù hợp hay không; phải sẵn sàng tâm lý ứng phó với tình huống phát sinh. Về vốn vay cho học sinh – sinh viên, phải nói rõ cho con biết nguồn vốn này từ đâu ra để chăm lo học tập, tiết kiệm chi tiêu, rèn luyện, học giỏi, sau này ra trường có công việc ổn định và bản thân phải có trách nhiệm cùng gia đình trả vốn vay ngân hàng.
    (Ông Tăng Văn Cai – thôn Trung Nam, xã Quế Trung, Nông Sơn)

    Tháng 8.2007, con trai đầu của ông Tăng Văn Cai là Tăng Quyết Thắng đỗ vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Nghe người dân bảo Chính phủ mới ban hành chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ông Tăng đã đến Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện để dò hỏi. Các cán bộ tín dụng đã nhanh chóng hướng dẫn thủ tục, giúp gia đình ông Cai vay được nguồn vốn 41,8 triệu đồng để lo cho con ăn học. Sau 5 năm miệt mài ở giảng đường, Tăng Quyết Thắng ra trường, làm việc ở Quảng Ngãi và tiết kiệm chi tiêu để trả dần nợ vay ngân hàng. Năm 2009, niềm vui tiếp nối với gia đình ông Cai khi người con thứ hai là Tăng Thị Thanh Tuyền trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng. “Trong khó khăn còn bộn bề, gia đình tôi lại nghĩ đến Ngân hàng Chính sách xã hội. Rất may, sau 2 năm, nợ cũ chưa trả xong, gia đình tôi tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Nông Sơn cho vay thêm 32 triệu đồng để trang trải việc học của con gái. Sau khi tốt nghiệp ra trường, con gái tôi đã có việc làm ổn định ở TP.Đà Nẵng. Gia đình cũng đã lần lượt trả xong các món nợ vay ưu đãi” – ông Cai nói.

    Năm 2011, người con thứ 3 của ông Cai là Tăng Thị Út Trinh đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Gia đình ông may mắn lại được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Nông Sơn xét duyệt và cho vay 40 triệu đồng để nuôi con ăn học. Đến nay, con gái của ông đã ra trường, có việc làm ổn định ở TP.Hồ Chí Minh và gia đình cũng đã thực hiện đúng cam kết, trả xong nợ đúng hạn. “Năm 2015, con trai Tăng Quang Tú đậu Đại học Bách khoa Đà Nẵng và chúng tôi cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn. Ngoài ra, gia đình còn được vay vốn để sản xuất kinh doanh và nay đã vươn lên thoát nghèo” – ông Cai cho biết thêm. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài đầu tư cho 4 người con ăn học đàng hoàng, gia đình ông Cai còn có cơ hội phát triển kinh tế với việc trồng 1ha rừng, nuôi đàn bò hàng chục con, từ đó tích lũy vốn và nay đã xây dựng được nhà cửa khang trang. “Khi vay vốn phát triển kinh tế phải ý thức rõ ràng vào việc đầu tư cho mô hình kinh tế nào, chưa nói đến hiệu quả, nhưng trước hết xác định được là có phù hợp hay không; phải sẵn sàng tâm lý ứng phó với tình huống phát sinh. Về vốn vay cho học sinh – sinh viên, phải nói rõ cho con biết nguồn vốn này từ đâu ra để chăm lo học tập, tiết kiệm chi tiêu, rèn luyện, học giỏi, sau này ra trường có công việc ổn định và bản thân phải có trách nhiệm cùng gia đình trả vốn vay ngân hàng” – ông Tăng Văn Cai nói. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU