Trang chủPhóng sựThu nhập khá nhờ nuôi heo

    Thu nhập khá nhờ nuôi heo

     

    Chàng trai trẻ Phạm Thanh Truyền ở tổ Minh Đông, thị trấn Trà My (Bắc Trà My) đã đầu tư nuôi heo rừng lai, heo đen bản địa thương phẩm mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

    Heo rừng lai, heo đen bản địa được nuôi thả rông với thức ăn hoàn toàn tự nhiên như chuối cây, cám gạo... nên thịt săn chắc và thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong ảnh: Anh Truyền cho heo ăn. Ảnh: N.V.B
    Heo rừng lai, heo đen bản địa được nuôi thả rông với thức ăn hoàn toàn tự nhiên như chuối cây, cám gạo… nên thịt săn chắc và thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong ảnh: Anh Truyền cho heo ăn. Ảnh: N.V.B

    Là nhân viên hợp đồng của một cơ quan ở huyện, thu nhập không cao nên Phạm Thanh Truyền nuôi heo rừng lai, heo đen bản địa để có tiền trang trải chi tiêu trong gia đình. Bởi heo rừng lai, heo đen bản địa quay giòn nguyên con hoặc chế biến thành nhiều món luôn được người dùng đón nhận và tin tưởng tuyệt đối vì là thực phẩm sạch, thơm ngon với hương vị đặc trưng, giá cao gấp 2,5 – 4 lần so với giá heo phổ thông. Theo các chủ quán, nhà hàng, nguồn cung heo rừng lai, heo đen bản địa luôn thiếu hụt, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nếu không đặt trước. Qua tìm hiểu thực tế, Truyền nhận thấy, heo đen và heo rừng lai có bản năng hoang dã, rất khỏe mạnh, ít khi bị bệnh, thích nuôi thả rông và nguồn thức ăn tự nhiên, dễ tìm như rau cỏ, chuối cây, cám gạo và hèm rượu. Năm 2014, Truyền quyết định dành những ngày nghỉ cuối tuần và thời gian ngoài giờ hành chính để thực hiện mô hình nuôi heo rừng lai, heo đen bản địa ngay tại vườn nhà mình.

    Truyền dùng tiền tiết kiệm tích cóp và mượn thêm của bạn bè được hơn 15 triệu đồng, mua 5 con heo đen giống bản địa, 1 heo rừng đực thuần hóa để phối giống, thả nuôi trong 2 sào đất vườn nhà được rào lưới B40 chung quanh. Ngay trong lứa heo đầu, hơn 30 con, mỗi con nặng 30 – 35kg, được nuôi thả rông gần 4 tháng đã xuất bán hết trong dịp tết Ất Mùi 2015 với giá 100 ngàn đồng/kg heo hơi (cao hơn 3 lần so với giá heo phổ thông). Trừ các chi phí, Truyền đã có lãi ròng 30 triệu đồng. “Ban đầu, chỉ bán vài con cho các hàng quán để giới thiệu. Khi thấy heo có chất lượng, nhiều cơ quan và cá nhân đã gọi điện đặt hàng để làm tiệc tất niên. Từ đó, Truyền liên kết với 5 hộ chăn nuôi tại các xã Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân để cung cấp heo rừng lai, heo đen bản địa cho các quán xá, đồng thời kết hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội facebook, zalo và đã mở rộng thị trường tiêu thụ đến TP.Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng và cả TP.Hồ Chí Minh. Nhờ có xe buýt, xe đường dài kết nối Bắc Trà My với các nơi, vì vậy, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng, Truyền đảm bảo cung ứng sản phẩm heo sống hoặc heo giết thịt, làm sạch (heo móc hàm) ngay trong ngày đối với địa bàn TP.Tam Kỳ, TP.Đà Nẵng; một, hai ngày đối với địa bàn TP.Hồ Chí Minh với giá bình quân 90 ngàn đồng/kg heo hơi sống.

    Theo ông Phùng Văn Nam – Chủ tịch UBND thị trấn Trà My, mô hình chăn nuôi heo rừng lai, heo đen bản địa của Phạm Thanh Truyền không mới nhưng cách làm lại rất sáng tạo. Truyền chịu khó, tranh thủ làm ngoài giờ, kết hợp quảng bá trên mạng xã hội, bước đầu đã cho thu nhập khá, bình quân 5 – 6 triệu đồng/tháng và đã tạo dựng được thương hiệu, chữ tín với khách hàng để làm ăn lâu dài. Cách nghĩ và cách làm của Truyền đã tác động tích cực đến nhiều thanh niên cũng như người chăn nuôi tại địa phương. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU