Trang chủPhóng sựTạo "cú hích" cho nông nghiệp

    Tạo “cú hích” cho nông nghiệp

     

    Quy hoạch, đầu tư có trọng điểm cho vùng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương được huyện Điện Bàn chú trọng.

    Nông dân phường Điện Ngọc, Điện Bàn chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch. Ảnh: HOÀNG LIÊN
    Nông dân phường Điện Ngọc, Điện Bàn chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch. Ảnh: HOÀNG LIÊN

    Áp dụng khoa học – kỹ thuật

    Tại Điện Bàn, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất cây lúa với các khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch, vận chuyển đang ở giai đoạn “bão hòa” nhưng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trên cây màu vẫn còn thấp. Vì vậy, giai đoạn 2016-2017, Điện Bàn đầu tư mạnh cho công tác khuyến nông, cơ giới hóa trên lĩnh vực sản xuất cây màu. Tranh thủ nguồn hỗ trợ của tỉnh, của thị xã, Trạm Khuyến nông thị xã đã tăng cường hỗ trợ theo Cơ chế 33 của tỉnh cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cây màu như công cụ tỉa, gieo hạt, máy bứt củ đậu, máy thu hoạch bắp. Cụ thể, giai đoạn 2016-2017, một số máy bứt củ đậu phụng được hỗ trợ đến các hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp như Điện Quang, Điện Phong, Điện Thắng Nam. Có 20/33 công cụ gieo tỉa đậu phụng, bắp (ngô) được cung cấp đến các xã vùng Gò Nổi và Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hòa, Điện Tiến theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50%, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc người dân bỏ 50% chi phí mua công cụ. Với máy bứt củ đậu phụng, nông dân chỉ mất nửa tiếng đồng hồ và 150.000 đồng chi phí để thuê máy mỗi sào, trong khi tốn ít nhất mỗi sào 3 công (150.000 đồng/công) so với cách truyền thống. Hay với vùng trọng điểm trồng bắp lai của tỉnh, Điện Bàn có diện tích sản xuất mỗi năm 2.200ha, nên chú trọng áp dụng công cụ gieo tỉa.

    Theo ông Phạm Thành Chung – Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Điện Bàn, với cây màu, tỷ lệ cơ giới chỉ đạt 30%. Hiện chỉ mới cơ giới hóa ở khâu làm đất, khâu gieo tỉa cũng vừa áp dụng một số công cụ, khâu thu hoạch chỉ mới có máy bứt củ đậu, máy thu hoạch bắp đã đưa vào trình diễn nhưng cần cải tiến thêm. “Bên cạnh thành công, việc áp dụng cơ giới hóa trên cây màu vốn khó khăn hơn đối với cây lúa bởi diện tích còn rải rác, manh mún, chưa đồng bộ chính sách dồn điền đổi thửa. Với các loại máy móc nhập ngoại, phải hướng dẫn sản xuất đúng quy trình mới dễ dàng trong khâu thu hoạch được nên ngành nông nghiệp thị xã chủ yếu đặt hàng công cụ cải tiến sản xuất trong nước” – ông Chung nói. Cũng theo ông Chung, song song với đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, Trạm Khuyến nông thị xã còn triển khai các mô hình khuyến nông, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái ven đô. Có thể kể đến mô hình trồng măng tây xanh được nhân rộng tại 3 phường Điện Nam Bắc, Điện Ngọc, Điện Nam Trung; mô hình “Ứng dụng chế phẩm ủ phân hữu cơ vi sinh” bón cho cây hoa ly, quật cảnh, hoa cúc tại 2 phường Điện Nam Bắc và Điện Dương. Nổi nét là mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả ở vùng đô thị (vùng đông) tại phường Điện Nam Bắc, Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung.

    Đầu tư có trọng điểm

    Theo kế hoạch, trong năm 2018, thị xã Điện Bàn tiếp tục phát triển nông nghiệp theo đặc thù 3 vùng. Vùng đông được định hướng phát triển rau an toàn, hoa, cây cảnh. Vùng tây là vùng trọng điểm lúa chất lượng cao gắn xây dựng thương hiệu gạo an toàn Phong Thử (Điện Thọ) do Công ty CP Nông nghiệp Điện Bàn xây dựng chuỗi cung ứng và vùng trồng. Vùng Gò Nổi với 3 xã: Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang tiếp tục xác lập vị thế là vùng chuyên canh cây màu. Phương án của thị xã là xây dựng 24 cánh đồng chuyên canh ở 3 xã Gò Nổi với diện tích mỗi xã 10ha tập trung xây dựng cánh đồng chuyên canh kiểu mẫu điểm, nhân rộng ra vùng lân cận. Được biết, vùng Gò Nổi còn được định hướng phát triển vùng nguyên liệu đậu phụng, nhằm tạo đà phát triển thương hiệu dầu phụng đất Quảng được xác lập trên thị trường. Điện Bàn cũng có sự định hướng phát triển nông nghiệp cho 5 phường ở vùng cát như Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Bắc. Theo đó, mỗi địa phương tùy theo thế mạnh, chuyển dịch cơ cấu cây con phù hợp. Ví như, phường Điện Ngọc ưu tiên phát triển rau sạch hữu cơ trong nhà lưới; phường Điện Nam Đông chuyển đổi trồng cây quật vốn hợp với thổ nhưỡng; phường Điện Nam Trung được định hướng trồng cúc, trồng hoa…

    Theo ông Phạm Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, năm 2017, Điện Bàn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường liên kết, liên doanh tạo chuỗi giá trị sản phẩm. Như việc chuyển đổi vùng sản xuất lúa giống chất lượng trên những vùng đất lúa tập trung. Năm 2018, thị xã tiếp tục xây dựng vùng sản xuất lúa giống quy mô cánh đồng lớn trên tổng diện tích 311ha với 17 cánh đồng tại các xã Điện Phước 141ha với 8 cánh đồng; Điện Hồng 100ha với 6 cánh đồng; Điện Thọ 70ha với 3 cánh đồng. Cũng theo ông Chơi, mục tiêu của thị xã từ năm 2018 trở đi là phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn giá trị gia tăng cao trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Việc đào tạo, nâng cao trình độ năng lực sản xuất cho đội ngũ nông dân cũng hết sức quan trọng. Bên cạnh nâng cao năng lực, vai trò của các hợp tác xã trong việc phân vùng và điều hành sản xuất, liên kết, liên doanh tạo chuỗi sản phẩm, cần tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái ven đô là hết sức lớn… (Nguồn baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU