Trang chủPhóng sựSống có ích cho đời

    Sống có ích cho đời

     

    “Sáng sớm, tôi thường nhìn thấy ông ấy quét dọn đường phố. Dù bệnh tật nhưng ông ấy không xin ăn mà tự lao động kiếm sống. Tôi không biết tên ông là gì, nhưng với tôi, ông ấy đã góp phần làm đẹp cho đời”. Câu chuyện của người khách trên tuyến xe từ Mỹ Sơn vào Tam Kỳ đã thôi thúc tôi tìm gặp người đàn ông đặc biệt ấy.

    Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình.
    Ông Ngô lặng lẽ, cần mẫn với công việc của mình.

    Người đàn ông trong câu chuyện trên là Nguyễn Văn Ngô (52 tuổi, hiện ngụ tại thị trấn Hà Lam, Thăng Bình). Trước khi gặp ông Ngô, tôi đã trò chuyện với nhiều người buôn bán tại ngã tư Hà Lam này. Chị Nguyễn Thị Hiền (bán bánh mỳ) cho biết, ông Ngô quê gốc ở xã Bình Trị (Thăng Bình), đến đây mưu sinh hơn 20 năm nay. Lúc ông đến, lưng đã gù, trên mặt đã có cục bướu và chân tay thường run rẩy. Công việc của ông Ngô gắn liền với việc buôn bán ở ngã tư Hà Lam. Cứ tầm 3 giờ chiều, ông khuân vác bình nước, bàn ghế, nồi xoong… cho các hộ kinh doanh ăn uống, giải khát. Hết hộ kinh doanh này đến hộ kinh doanh khác, hết dọn hàng ra rồi dọn hàng vào, ông cần mẫn làm việc đến tận khuya. Chợp mắt vài tiếng đồng hồ, khoảng 4 giờ sáng ông dậy và lặng lẽ quét dọn xung quanh khu vực ngã tư. Các hộ kinh doanh, có người trả ông 10 nghìn đồng, người trả 20 nghìn, trả bao nhiêu ông nhận bấy nhiêu, không kêu ca cũng không chểnh mảng công việc của mình.

    Vốn tính ít nói, ông chỉ kể vắn tắt với tôi rằng quê ông ở đội 12, xã Bình Trị. Vì khiếm khuyết nên ông không có gia đình. Không vợ không con, mang bệnh tật trong người nên ông muốn tự mình mưu sinh, không làm gánh nặng cho gia đình. Nhận thấy ngã tư Hà Lam là nơi có nhiều người buôn bán, ông xin khuân vác hàng hoặc làm những việc lặt vặt cho các hộ kinh doanh. Ban đầu, thấy ông đi đứng chậm chạp, lưng gù, tay chân lại run rẩy nên nhiều người có phần e ngại. Về sau biết ông thật thà, mọi người tin tưởng giao việc cho ông. Thấy ông mang vác vất vả, một tài xế tắc xi tặng ông chiếc xe đẩy. Nhờ chiếc xe đẩy này mà ông làm việc thuận lợi hơn.

    Ngoài trả tiền công, các hộ kinh doanh còn nấu cho ông Ngô ăn, khi thì bát bún, khi thì đĩa cơm. Tối ông ngủ ở vỉa hè hoặc trong hiên nhà người dân. “Nhà” của ông là một chiếc giường nhỏ và có thể di động xung quanh ngã tư. Chị Bùi Thị Hương (bán nước mía) và nhiều tài xế tắc xi chia sẻ, ông là người bình dị nhưng cũng rất cao quý. Dù bệnh tật nhưng ông không đi xin ăn như nhiều người vẫn thường làm. Ông sống bằng sức lao động của mình và đã đỡ đần công việc cho rất nhiều người. Trong lúc ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe giọng phụ nữ gọi “ông Ngô ơi, mang cái này…”, không trả lời, nhưng người đàn ông có chiếc lưng gù và cái bướu trên mặt lặng lẽ đến làm công việc của mình. Có thể ông không biết, hình ảnh ông quét rác ở ngã tư mỗi sáng mai đã in đậm trong tâm trí nhiều người. Và những hình ảnh ấy đã làm đẹp thêm cho cuộc đời, như lời người hành khách mà tôi đã nghe được. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU