Trang chủPhóng sựRa quân truy quét sa tặc

    Ra quân truy quét sa tặc

     

    Sau khi UBND tỉnh ban bố nhiều lệnh cấm các tàu thuyền gắn thiết bị hút cát trên phương tiện hoạt động trên sông thì tình trạng khai thác trái phép công khai giảm đáng kể. Tuy vậy, sa tặc vẫn lén lút hoạt động, thách thức lực lượng chức năng.

    Để bảo vệ tài nguyên, cần loại bỏ các bến bãi tập kết cát trái phép.
    Để bảo vệ tài nguyên, cần loại bỏ các bến bãi tập kết cát trái phép.

    Mở đợt cao điểm

    Từ đầu tháng 7, khi có chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, Công an tỉnh đã mở chiến dịch cao điểm trong đấu tranh với các hành vi hút cát trộm lòng sông Vu Gia – Thu Bồn. Nhiều tổ công tác đã bí mật phục kích theo dõi đối tượng và thu giữ nhiều tàu thuyền khai thác cát sỏi trái phép.

    Khoảng 4 giờ 30 phút, ngày 19.9, tổ công tác của Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) do Đại úy Lương Thế Tín làm tổ trưởng đã phát hiện trên tuyến sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) có hai tàu vỏ sắt, trong đó một tàu mang số hiệu QNa-1004 và một tàu không có số hiệu đang có hành vi hút cát trái phép. Bước đầu lấy lời khai, lái tàu QNa-1004 là ông Phạm Văn Hồi (trú phường Thanh Hà, TP.Hội An) khai nhận mua chiếc tàu này với giá 120 triệu đồng về để hút cát trái phép trên sông và chưa có chứng nhận chuyên môn thuyền trưởng. Riêng lái tàu vỏ sắt không có số hiệu tỏ ra bất hợp tác nên tổ công tác đã đưa cả hai tàu về điểm tập kết để xử lý theo quy định. Trước đó 2 ngày, khoảng 18 giờ ngày 17.9, cũng trên đoạn sông chảy qua xã Cẩm Thanh, tổ công tác của Đại úy Lương Thế Tín đã phát hiện tàu hút cát trái phép số hiệu QNa-1113 do ông Trần Văn Dũng (sinh năm 1974, trú xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) điều khiển, nên đã lập biên bản để xử lý theo quy định. Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng từ tháng 7 đến nay, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương thu giữ hàng chục tàu thuyền hút cát trộm. Theo Đại tá Nguyễn Viết Lợi – Giám đốc Công an tỉnh, thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh mở đợt cao điểm, huy động cả cảnh sát môi trường, giao thông đường thủy đấu tranh với các hành vi khai thác cát sỏi trái phép.

    Bên cạnh ra quân truy quét cát lậu, chính quyền tỉnh cương quyết di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong số đó có nhiều hộ nằm ở ven bờ sông Vu Gia – Thu Bồn. Ông Trần Tình – Chủ tịch UBND  xã Điện Trung (Điện Bàn) cho biết, trên địa bàn xã bị sạt lở bờ sông kéo dài 300m, nhiều năm qua địa phương mất ít nhất 20ha đất do bị sạt lở. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn nhìn nhận: “Điện Bàn nằm ven bờ 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia nên bị tác động lớn trong việc khai thác cát trái phép. Trong số các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ khai thác cát trái phép thì xã Điện Trung được xem  là phức tạp nhất”.

    Siết chặt quản lý quy hoạch

    Dưới khu vực chân cầu Hà Nha (xã Đại Đồng, Đại Lộc) có 3 mỏ cát lớn của các Công ty TNHH Thành Sơn, Hồng Nguyên và Nguyên Thịnh Phát. Do bị người dân phản đối gay gắt vì ô nhiễm môi trường nên 3 mỏ này bị đình chỉ hoạt động. Sông Vu Gia chảy qua huyện Đại Lộc bị các nhà máy thủy điện chặn dòng, nhiều đoạn lòng sông bị trơ đáy, vô hình trung hình thành các mỏ cát lộ thiên. Huyện Đại Lộc hiện có ít nhất 15 mỏ khai thác cát cấp phép trên một đoạn sông chỉ kéo dài chừng vài cây số. Theo Sở Xây dựng, đến nay riêng trữ lượng cát xây dựng đã được cấp phép là hơn 5,6 triệu mét khối giai đoạn khai thác đến năm 2020 (công suất bình quân 1,4 triệu mét khối/năm) nhưng chỉ đáp ứng được hơn 51% so với nhu cầu dự báo hơn 2,7 triệu mét khối/năm. Nguồn cát lòng sông, kể cả bãi bồi tập trung chủ yếu tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn.

     Bất cập ở chỗ ngành chức năng và chính quyền các địa phương chưa rà soát, đánh giá đầy đủ trữ lượng, dự báo nhu cầu thị trường; điều chỉnh sắp xếp quy hoạch, thăm dò khai thác khoáng sản phù hợp. Cạnh đó, chưa thực hiện nghiêm túc đấu giá, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tránh thất thoát nguồn thu và lựa chọn được các đơn vị có kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Chất lượng quy hoạch không đáp ứng yêu cầu bởi thực tế có tình trạng khu vực quy hoạch điểm mỏ dân không đồng tình ủng hộ. Có doanh nghiệp vi phạm nhiều lần vẫn cấp phép. Quy hoạch cát sỏi lòng sông chưa liên thông với các ngành khác, gắn bó với quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch của các ngành khác nên đã xảy ra xung đột về lợi ích. Tại thị xã  Điện Bàn quy hoạch bến bãi khai thác chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đến năm 2020 sẽ có 7 bến bãi khai thác. Sau năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh sẽ rà soát lại. Hiện UBND tỉnh đã cấp 82 giấy phép khai thác cát sỏi, đất san lấp là vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 35 giấy phép khai thác cát sỏi với diện tích hơn 150ha, trữ lượng hơn 5,6 triệu mét khối. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU