Trang chủPhóng sựNhớ mãi mùa thu lịch sử

    Nhớ mãi mùa thu lịch sử

    Đã 72 năm trôi qua, nhưng ký ức hào hùng trong mùa thu cách mạng năm 1945 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những lão thành cách mạng, những dấu tích vẫn còn đây trên mỗi vùng đất anh hùng.

    NGÀY ẤY, TÔI 19

    Những ngày này, ông Lê Công Thạnh (91 tuổi, hiện ở tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) bồi hồi nhớ lại bao kỷ niệm hào hùng trong mùa thu năm 1945 tại quê hương Quảng Nam kiên cường mà ông trực tiếp tham gia. Ông Thạnh quê ở làng Ái Mỹ, phủ Điện Bàn, nay là xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam). Ông bảo ngày đó tuổi vừa 19 nên rất hăng hái tham gia, khí thế cách mạng rất cao.

    Ông Lê Công Thạnh.
    Ông Lê Công Thạnh.

    Theo lời ông Thạnh, tháng 3.1945, sau khi Nhật lật đổ Pháp, Đảng ta đề ra chủ trương “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Lúc bấy giờ, người anh họ của ông là Lê Công Cân và nhiều cán bộ hoạt động bí mật tại địa phương ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các tổ chức Việt Minh như Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc… Trong các cuộc họp, cán bộ hội nhấn mạnh: Một cuộc khởi nghĩa giành độc lập tự do, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân sắp nổ ra. Các đoàn thể phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, súng gươm, gậy gộc, biểu ngữ để tham gia nổi dậy cướp chính quyền khi có lệnh khởi nghĩa… Ngày ấy, cùng với lực lượng Tự vệ cứu quốc và bao thanh niên địa phương, ông Thạnh tham gia luyện tập quân sự, phá kho thóc, chặn xe chở lương thực của Nhật, Pháp để lấy thóc gạo chia cho dân nghèo.

    Ngày 15.8.1945, Tỉnh ủy Quảng Nam đang họp bàn kế hoạch đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa thì nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Tỉnh ủy liền quyết định gấp rút huy động toàn dân kịp thời bạo động giành chính quyền. Theo kế hoạch, các phủ sẽ khởi nghĩa trước, sau đó tập trung lực lượng kéo về giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An. Nhưng đến chiều 17.8.1945, lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở thị xã Hội An, thấy bọn địch đang hoang mang, khiếp sợ trước uy thế cách mạng, trong khi công tác chuẩn bị của ta rất tốt. Đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công) – Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ nhận định, nếu không chớp thời cơ khởi nghĩa ngay, chính quyền phong kiến sẽ thỏa hiệp với các lực lượng phản động, gây cho ta nhiều khó khăn. Vậy là ngay trong đêm 17.8.1945, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam đã phát lệnh khởi nghĩa. Đến khoảng 3 giờ sáng 18.8.1945, lực lượng khởi nghĩa từ các hướng đổ về trung tâm thị xã Hội An, ào ạt chiếm các công sở, bến tàu, nhà bưu điện, bao vây đồn lính bảo an và bức hàng toàn bộ quân địch. Tỉnh trưởng Tôn Thất Gián và bọn quan lại phong kiến run rẩy đầu hàng.

    Sáng 18.8.1945, ở phủ Điện Bàn, ta tổ chức thành 3 cánh quân tiến về phủ lỵ tại Vĩnh Điện. Một cánh từ Phong Thử (nay thuộc xã Điện Thọ) theo tỉnh lộ 100 kéo xuống. Một cánh từ phía bắc theo quốc lộ 1 kéo vào. Một cánh từ Gò Nổi kéo ra. Ông Thạnh tham gia trong cánh quân từ Phong Thử tiến xuống Vĩnh Điện. Mỗi cánh quân đều có lực lượng tự vệ làm nòng cốt cùng với hàng nghìn người dân, tổ chức thành những đoàn biểu tình, mang gươm giáo, gậy gộc và các loại súng thô sơ, rầm rập tiến về Vĩnh Điện. Các đoàn biểu tình càng đi càng có thêm nhiều người tham gia. Ai nấy hừng hực ý chí của những người dân mất nước quyết đứng lên phá tan gông xiềng nô lệ.

    Ông Thạnh kể, lúc đó các đoàn biểu tình giương cao băng rôn, biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu “Đánh đổ phát xít Nhật!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!” “Việt Minh muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”… Lực lượng tự vệ và nhân dân xông vào chiếm huyện đường và các cơ quan, công sở của địch. Bọn quan lại phong kiến khiếp đảm, đầu hàng nhanh chóng. Cùng thời gian này, ở các xã trong phủ Điện Bàn, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nhân dân nổi dậy bắt bọn lý trưởng, cường hào ác bá, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Đến 9 giờ sáng 18.8.1945, cuộc khởi nghĩa trong toàn phủ Điện Bàn hoàn toàn thắng lợi. Tin khởi nghĩa thành công ở Hội An và Điện Bàn nhanh chóng lan truyền, thôi thúc các địa phương khác trong toàn tỉnh vùng lên lật đổ ách thống trị của ngoại bang và bọn phong kiến tay sai.
    Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Thạnh gia nhập lực lượng biệt động Khu 2 của tỉnh Quảng Nam, tham gia nhiều trận đánh ngăn chặn giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ông liên tục phục vụ trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến và về hưu năm 1989 với quân hàm Đại tá. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU