Trang chủPhóng sựNhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Vì sự nghiệp trồng người

    Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Vì sự nghiệp trồng người

     

    Có những nhà giáo, trọn đời luôn hết lòng vì học trò, vì xã hội, vì niềm tin và lẽ sống với nghề mình đã chọn.

    Cô giáo Phan Thị Thịnh ở lớp học. Ảnh: THANH NGUYỄN
    Cô giáo Phan Thị Thịnh ở lớp học. Ảnh: THANH NGUYỄN

    Nhiệt huyết với nghề giáo

    Tốt nghiệp ngành sư phạm từ năm 1985, đến nay cô giáo Phan Thị Thịnh (hiện giảng dạy tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) đã có hơn 30 năm dạy học, luôn dành hết tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục. Khi tốt nghiệp sư phạm ra trường, cô về nhận công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai xã Điện Phong, Gò Nổi, nơi cô sinh ra và lớn lên. Đến năm 1993, cô được thuyên chuyển công tác về Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho đến nay. Cô Thịnh bộc bạch: “Tôi vào nghề dạy học cho đến nay đã ngót 33 năm, so với đời người chừng ấy năm là tương đối dài, nhưng tôi luôn đam mê nghề nghiệp, được làm cô giáo ngày ngày đến lớp, đến trường. Đã chọn nghề giáo, tôi thiết nghĩ là cho dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào tôi cũng đều tâm nguyện rằng tất cả vì học sinh thân yêu, lấy nghề giáo làm niềm tin, lẽ sống cho đời mình”.

    Cô Phạm Thị Diệu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nhận xét, cô Thịnh có năng lực chuyên môn vững vàng, kiến thức rộng, sống chan hòa, thân thiện với mọi người được đồng nghiệp tin yêu và trân trọng. Cô Thịnh còn có nhiều năng khiếu như hát hay, múa dẻo, viết chữ đẹp… Ngoài ra các hoạt động xã hội, đoàn thể cô tham gia rất tích cực, đã nhiều lần mang thành tích, vinh dự về cho nhà trường. Cô Phan Thị Thịnh, với danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 9 năm liền đạt Giáo viên giỏi cấp huyện, 5 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

    Cô Phạm Thị Ngọc Thúy trao tiền hỗ trợ cho một hoàn cảnh khó khăn tại Duy Xuyên.  Ảnh: K.L
    Cô Phạm Thị Ngọc Thúy trao tiền hỗ trợ cho một hoàn cảnh khó khăn tại Duy Xuyên. Ảnh: K.L

    Chia sẻ về đồng nghiệp của mình, cô giáo Phan Thị Thanh Hương kể: “Một lần, tôi được thăm lớp, dự giờ tiết học của cô Thịnh với tiết tập đọc bài “Đất Cà Mau”. Mở đầu bài giảng, bỗng dưng cô cất giọng hát bài “Đất mũi Cà Mau”, làm cho không khí lớp học sôi động, hào hứng hẳn lên. Và qua giọng đọc, bài giảng của cô đã làm cho tôi không khỏi bồi hồi. Tiết học hôm đó tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích”. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, cô Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong nhìn nhận: “Đã nhiều năm cô bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi đều đoạt giải. Cô từng đoạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi “Tiếng hát giáo viên”, là “giọng ca vàng” của trường và của ngành. Không chỉ tận tâm, tận lực với nghề, cô luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục, thực sự là tấm gương điển hình, xứng đáng để được vinh danh nhà giáo tiêu biểu”.

    Gom góp yêu thương

    Ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, ngôi nhà của cô giáo về hưu Phạm Thị Ngọc Thúy nằm trong khoảng không gian xanh mướt, với hàng cau ôm lấy khoảnh sân nhỏ đầy hoa lá và rộn tiếng chim. Có lẽ, cô giáo dạy Văn năm nào vẫn còn muốn lưu giữ chút gì rất Huế ở bên mình cho vơi bớt nỗi nhớ quê. Căn nhà nhỏ này của cô trở thành điểm dừng chân, là nơi trở về của bao lớp học trò, bao người từng được cô cưu mang dìu dắt.

    Năm 1978, cô Thúy được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Duy An Đông cũ, nay là Trường Tiểu học Số 3 Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Ngày đó, cô sống trong căn nhà tranh ở “xóm Mồ Côi” trên một gò đất giữa đồng. Chồng ốm đau liên miên, nên ngoài giờ lên lớp, cô phải làm thêm đủ các việc để nuôi hai con ăn học. Thời gian ấy, trong căn nhà tranh dột nát, với tấm lòng thơm thảo, bao dung, cô đã chở che, nâng đỡ cho biết bao mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Bắt đầu từ học sinh Võ Bê. Nhà nghèo không có tiền đóng học phí, cứ đến kỳ là cô trích lương đóng rồi đưa biên lai về cho Bê, bảo là tiền của ủy ban xã nộp để em yên tâm học hành. Rồi đến Hùng, mồ côi cha mẹ, được đi du học. Trước ngày Hùng đi, cô đã tháo những cái áo len cũ của mình, đan lại thành áo mới tặng em đem theo làm quà cho ấm tình quê. Rồi tới Dũng cùng lũ học trò nghèo, ngày nào cũng ghé nhà cô kiếm bữa cơm cho đỡ đói. Bữa cơm ngày ấy, chẳng có gì ngoài canh rau lang, nước mắm hay chỉ toàn củ sắn, củ khoai nhưng ấm áp chân tình của người cô hết lòng vì học sinh nghèo hiếu học…

    Sau vài lần chuyển trường, đến năm 1999, cô Thúy về nhận công tác tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Duy Xuyên) và gắn bó với trường đến năm 2009 thì về hưu, chuyển về sống ở Tam Kỳ. Ngần ấy thời gian đứng trên bục giảng, cô giáo người Huế đã đưa không biết bao nhiêu thế hệ học trò sang bên kia bến bờ của những niềm ước mơ, khao khát với niềm đam mê hứng khởi với văn học. Bài học của cô, không phải là những dòng chữ khô khan, giáo điều khuôn mẫu mà là những câu chuyện kể có thật. Là những chuyến đi thực tế, đưa học trò đến thăm những người khó khăn, bất hạnh nhưng bằng nghị lực, họ vượt qua nghịch cảnh, sống cuộc đời đầy ý nghĩa, để các em cảm nhận được những thanh âm của cuộc sống, biết yêu mình và thương người hơn.

    “Với đồng lương hưu ít ỏi, tôi kêu gọi thêm vài người bạn, các mạnh thường quân ở khắp mọi nơi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đều có mặt ở đó trong thời gian nhanh nhất có thể. Chia sẻ sớm một ngày, họ sẽ vui thêm một ngày, giúp họ vơi bớt những nỗi nhọc nhằn, trong cuộc đời còn quá cơ cực” – cô Thúy chia sẻ. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU