Trang chủPhóng sựKết toán ngân sách niên độ 2017: Bất ngờ những con số

    Kết toán ngân sách niên độ 2017: Bất ngờ những con số

     

    Thu nội địa vượt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân thấp, thu từ doanh nghiệp có vốn FDI sau một năm thành công vượt dự toán đã quay trở về sự sụt giảm như nhiều năm trước… là những điểm đáng chú ý sau khi kết toán ngân sách năm 2017.

    Ngân sách Quảng Nam phụ thuộc khá lớn vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp (ảnh minh họa).
    Ngân sách Quảng Nam phụ thuộc khá lớn vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp (ảnh minh họa).

    Thu nội địa vượt kế hoạch

    Công bố kết toán ngân sách tính đến ngày 29.12.2017 của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho thấy những con số khá “bất ngờ”. Không thể đạt đến mức vượt 44% dự toán và thu nội địa vượt đến 52% như năm 2016, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước chỉ đạt  95,16% (19.573,8/20.570 tỷ đồng) và thu xuất nhập khẩu có thêm một năm bất ổn khi chỉ đạt 81,98% dự toán (5.262,9/6.420 tỷ đồng). Song “bất ngờ” lớn nhất, vượt cả ước đoán của chính quyền và cơ quan quản lý khi đến ngày “chốt sổ” thu nội địa đã đạt đến con số 14.300,2/14.150 tỷ đồng kế hoạch), vượt 1,06% dự toán. Theo thống kê, thu từ doanh nghiệp có vốn FDI sau một năm 2016 thành công vượt dự toán đã quay trở về sự sụt giảm như nhiều năm trước, chỉ đạt 94,14% (977,7/1.038,6 tỷ đồng) và khu vực công thương ngoài quốc doanh dường như năm nào cũng vượt kế hoạch trong vòng 20 năm qua (trừ năm 2012) đã không thể đạt kế hoạch khi chỉ đạt 87,85% (9.198,4/10.470,7 tỷ đồng). Khi 2 khoản thu trên sụt giảm thì 14 sắc thuế khác trong số thu nội địa như lệ phí trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu tiền sử dụng đất, phí, lệ phí, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu xổ số kiến thiết đều tăng, thậm chí có sắc thuế tăng đến 434% như phí, lệ phí hay thu tiền sử dụng đất đạt đến 214,35% và thu tiền thuê đất, thuê mặt nước vượt đến 542,25%… Tất cả sắc thuế này đều tăng thu vượt mức nên đã bù đắp lại số thiếu hụt của khu vực công thương ngoài quốc doanh và FDI để mang lại sự “ổn định”, bảo đảm kế hoạch thu nội địa năm 2017. Ông Võ Hồng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho hay cơ quan thuế đã vượt qua nhiều khó khăn để quản lý, kiểm soát tốt nguồn thu. Ngành thuế đã rất linh hoạt tìm cách tăng thu bằng việc khai thác triệt để các nguồn thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quyết tâm đòi nợ thuế, thu hồi nợ đọng…

    Theo những con số thống kê về thu nội địa, ngành thuế xứng đáng nhận những lời khen tặng. Hồi tháng 7.2017, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam và thông qua những cuộc họp bàn về ngân sách có dấu hiệu suy giảm, Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn vẫn còn dè dặt, chưa thể dự báo có đủ khả năng tăng thu ngân sách hay không trước những diễn biến bất lợi của thị trường ô tô và nền kinh tế, cho dù dư địa tăng thu vẫn còn và khẳng định “nếu doanh nghiệp phát triển trên địa bàn Quảng Nam thì sẽ bảo đảm thu đầy đủ thuế”! Kết quả thu nội địa vượt dự báo ấy đã cho thấy rõ quyết tâm dựa vào “tiền tươi, thóc thật” từ tiền đất, kể cả thuê đất sử dụng 1 lần hoặc hướng về thu cấp quyền khai thác khoáng sản, không bỏ sót bất cứ nguồn thu nào, kết hợp chống chất thu, gian lận thuế…

    Kết toán ngân sách năm 2017 cũng cho thấy chi ngân sách nhà nước chỉ đạt 85,22% (ngân sách trung ương đạt 92,3% và ngân sách địa phương 83,62%), tuy nhiên cơ cấu chi đã cải thiện đáng kể khi chi đầu tư phát triển đã bằng 2/3 chi thường xuyên – một dấu hiệu khá tốt để có thể trở thành động lực phát triển cho những năm sau này. Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính nói chi ngân sách không đạt đến 100% nhưng các nhiệm vụ chi đều ổn định, không có nhiệm vụ chi nào bị cắt giảm, đã là một thành công của năm 2017.

    Giải ngân thấp

    Thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nhiều năm qua đã đưa ra nhận định không có năm nào tỷ lệ giải ngân đạt đến 100%, chỉ cần đạt khoảng trên 85% cũng đã là con số khả quan. Nhưng kết toán ngân sách của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam 2017 do Phó Giám đốc Nguyễn Thị Minh Sỹ ký cho thấy một con số khá “ảm đạm” khi tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 73,35%. Con số này chỉ tương đương với tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước. Trong đó tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản tập trung khoảng 77,07% (ngân sách trung ương 82,9%, ngân sách địa phương 76,53%), chương trình mục tiêu quốc gia 69,98%, vốn trung ương bổ sung 87,28%, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ thuộc ngân sách địa phương giải ngân quá ít ỏi khi chỉ đạt 4,59% và kế hoạch vốn kéo dài năm 2016 dù đã được lùi thời hạn vẫn không thể giải ngân được nhiều, mới chỉ khoảng 46,15%.

    Kho bạc Nhà nước Quảng Nam chỉ đưa ra các con số thống kê, không bình luận hay phân tích gì thêm. Nhưng trong nhiều cuộc họp về giải ngân, chính quyền, cơ quan quản lý cho rằng chính thái độ chủ quan của các chủ đầu tư, ban quản lý đã khiến tốc độ giải ngân chậm. Nếu những chương trình, dự án mới được cho là chưa đủ thời gian và kinh nghiệm để hấp thụ vốn và triển khai thì những biện giải của các chủ đầu tư (kế hoạch vốn thông báo chậm, giải phóng mặt bằng yếu, chưa thể nghiệm thu khối lượng hoàn thành…) dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp vẫn là câu chuyện cũ. Hạn chế này là do cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu? Không thiếu luật hay các chế tài đã được đưa ra, nhưng chưa thấy chủ đầu tư, nhà thầu nào bị tính lãi trên số vốn đã được cấp nhưng không thanh toán số lượng khi đến hạn. Chưa thấy một ai bị quy trách nhiệm cụ thể hoặc kỷ luật chủ đầu tư khi không hoàn thành nhiệm vụ, để mất vốn, nên việc chậm trễ thanh toán này vẫn cứ xảy ra hàng năm.

    Không giải ngân hết vốn đầu tư tức nguồn lực ngân sách vốn đã ít ỏi đã không được đổ vào nền kinh tế để tạo những hạ tầng cứng, làm vốn mồi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh thì lấy đâu ra thuế để tăng thu? Mặt khác, năm 2017 phải căng lực ra để đạt đến con số thu nội địa ấy chính nhờ vào các khoản thu đột biến (từ thủy điện, phí lệ, phí hay từ đất…) được dự báo cũng sẽ dần hết dư địa, nhất là thủy điện phụ thuộc vào “nước trời”, còn độ tăng trưởng của doanh nghiệp chưa biết được có khả quan hay không… vẫn là điều chưa thể yên tâm. (Nguồn: baoquangnam)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU