Trang chủPhóng sựĐổi đời từ chim cút

    Đổi đời từ chim cút

     

    Với quyết tâm gầy dựng trang trại quy mô và không ngừng đổi mới để đáp ứng thị trường, mô hình nuôi chim cút của chị Trần Thị Bé (42 tuổi, thôn Viêm Tây 2, xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

    Chị Bé thường xuyên kiểm tra đàn cút để sớm phát hiện dịch bệnh. Ảnh: QUÂN VINH
    Chị Bé thường xuyên kiểm tra đàn cút để sớm phát hiện dịch bệnh. Ảnh: QUÂN VINH

    Ở thị xã Điện Bàn, chị Bé là một trong những người khởi nghiệp với việc nuôi chim cút từ rất sớm. Khoảng năm 2002, sau khi tìm hiểu thông tin, chị Bé đã nhập hơn 500 cặp chim cút giống về nuôi. Số lượng này sinh trưởng và phát triển tốt cho đến khi xảy ra dịch cúm gia cầm tràn lan vào khoảng năm 2005 – 2006. Giai đoạn này, mô hình chim cút của chị Bé bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

    Không bỏ cuộc, chị tích cực học hỏi và tìm ra phương pháp phòng dịch bệnh cho đàn cút, cùng với đó, chị vay hơn 200 triệu đồng để gầy dựng lại trang trại. Sau đó, chị Bé đón nhận những tín hiệu tích cực từ trang trại của mình. Không chủ quan, chị thường xuyên nâng cấp chuồng trại và sử dụng hệ thống nước uống tự động giúp đàn cút sinh trưởng tốt và cho trứng năng suất cao.

    Chị Bé chia sẻ: “Cút giống 20 ngày tuổi nhập từ Bình Định về trại khoảng hơn một tháng là bắt đầu đẻ trứng. Cút đẻ liên tục, tuy nhiên 10 tháng phải thay lứa mới để đảm bảo lượng trứng ổn định. Hiện tại, đàn cút ở trang trại hơn 10.000 con, bao gồm chim cút mẹ và cút lứa kế cận. Theo đó, mỗi ngày chúng tôi cung cấp hơn 6.000 trứng cho thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng”.

    Mỗi ngày, chị Bé cung ứng cho thị trường hơn 6.000 trứng cút lộn. Ảnh: QUÂN VINH
    Mỗi ngày, chị Bé cung ứng cho thị trường hơn 6.000 trứng cút lộn. Ảnh: QUÂN VINH

    Không tự mãn với sự ổn định này, chị Bé tiếp tục đầu tư để chủ động thay đổi, phục vụ thị trường. Chị bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đầu tư máy ấp trứng tự động cho ra sản phẩm trứng cút lộn đang rất được thị trường ưa chuộng. Theo chị Bé, nếu trứng cút đẻ đem bán liền thì mỗi trứng có giá chỉ 400 – 500 đồng, nhưng sau khi ấp khoảng 10 ngày, trở thành trứng cút lộn thì có giá cao gấp đôi. Ngoài việc lấy trứng từ trại để ấp, chị còn thu mua thêm trứng của người dân trong vùng về ấp để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nhờ vậy, thu nhập của chị tăng lên rất nhiều lần. Mỗi tháng, trang trại nuôi chim cút lấy trứng của chị Bé cho lãi ròng khoảng 50 triệu đồng.

    Ngoài việc đảm bảo lượng trứng ổn định cung cấp cho thị trường, chất lượng trứng cũng được chị rất quan tâm. “Hằng ngày, bên cạnh lượng thức ăn, đàn cút còn cần bổ sung thuốc bổ, can xi để tăng sức đề kháng chịu thời tiết, bệnh dịch. Tôi cũng thường xuyên theo dõi đàn cút, vệ sinh chuồng trại và kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm định kỳ giúp sản phẩm trứng cút lộn của tôi luôn đảm bảo” – chị Bé chia sẻ.

    Hiện tại, trang trại nuôi chim cút của chị Bé không chỉ là điểm đến của các tiểu thương mà còn là nơi để nhiều đơn vị, cá nhân đến tìm hiểu về phương pháp chăn nuôi, ấp trứng cút lộn. Ông Lê Nam – Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Thắng Bắc cho biết: “Trên địa bàn xã, chăn nuôi chim cút không còn là mô hình mới. Tuy nhiên với tinh thần dám nghĩ dám làm, mạnh dạn thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nhiều năm gần đây, trang trại của chị Bé được xem là mô hình tiêu biểu cần học tập cho những nông dân muốn nuôi chí làm ăn, vượt khó làm giàu”. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU