Trang chủPhóng sựCựu chiến binh làm kinh tế giỏi

    Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

     

    Gần 20 năm gắn bó, vườn cây trái của cựu chiến binh Thiều Quang Bình (62 tuổi, thôn 3, xã Sông Trà, Hiệp Đức) hiện cho thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

    Ông Thiều Quang Bình bên vườn chanh dây của mình - Ảnh: THANH THẮNG .
    Ông Thiều Quang Bình bên vườn chanh dây lấy giống từ Đắc Lắc. Ảnh: THANH THẮNG

    Ông Bình kể, sau khi rời quân ngũ trở về quê vào tháng 12.1986, ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Đầu năm 1987, ông Bình giữ chức vụ Xã đội phó xã Phước Trà (Hiệp Đức). Một năm sau ông được chuyển qua giữ chức Phó Trưởng công an xã Phước Trà. Trong quá trình công tác tại địa phương, khi có chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế, ông Bình là người đi tiên phong thực hiện.

    Năm 2001, cùng với 1,6ha đất được cấp, ông thu mua thêm 13ha đất với giá 20 triệu đồng để trồng một số loại cây như sắn, khoai và chăn nuôi. “Khi đó địa hình chủ yếu là sình lầy nên tôi tiến hành mở rộng ao nuôi cá. Số đất còn lại tôi cải tạo làm vườn, nuôi gà, vịt và trồng một số loại cây khác. Vừa làm tôi vừa dành dụm tiền của để mua thêm đất” – ông Bình nói. Cũng tại đây, ông Bình vừa làm kinh tế, vừa tham gia vào Hội Cựu chiến binh xã Sông Trà (chia tách từ xã Phước Trà vào tháng 3.2002) và được bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 3 (xã Sông Trà) đến nay.

    Quá trình nuôi trồng của ông Bình cũng không mấy suôn sẻ. Ban đầu trồng sắn, khoai không đạt hiệu quả, ông Bình lại chuyển qua trồng mía, dứa. Mùa mía đầu tiên ông trồng gần 15ha, nhưng vào mùa thu hoạch thì nhà máy mía đường đóng cửa. Nhờ có tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/ha mía từ nguồn ngân sách tỉnh mà ông Bình tiếp tục làm kinh tế. Thất thu vụ mía, ông tiếp tục liên kết với Nhà máy chế biến nước dứa cô đặc xuất khẩu Quảng Nam để ký kết trồng dứa. Sau một vài biến cố, dứa không được thu mua nên ông Bình trắng tay hoàn toàn.

    Thất bại, khó khăn bủa vây nhưng với phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông Bình vẫn kiên trì nghiên cứu, đi tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Có hướng đi mới, ông quyết định trồng các loại cây như: keo, gió bầu, xà cừ và một ít cây ăn trái. Trải qua thời gian dày công chăm sóc, ông Bình tiến hành thu hoạch keo và cây trái. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông tiếp tục đầu tư trồng thêm 7ha cao su. Đến nay, tất cả đã cho thu hoạch. Hiện toàn bộ khu trang trại của ông Bình có hơn 1.000 cây gió bầu, 13ha keo, 7ha cao su, một số bưởi năm roi, quýt đường. 

    Ông Bình cho biết, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, ông nhận thấy những cây trồng trước đây khó đảm bảo lợi nhuận dài lâu. Vì vậy đầu năm 2017, ông lên mạng xã hội tìm hiểu thêm nhiều mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả. Sau đó ông đã tìm đến các vườn cây ăn trái ở Đắc Lắc để học hỏi kinh nghiệm trồng giống chanh dây.

    “Chanh dây là loại cây ăn trái dễ bán, kỹ thuật chăm sóc không khó lại phù hợp với điều kiện khí hậu ở quê nên tôi đã chọn loại cây này mang về trồng, đồng thời làm thêm 200 choái tiêu trồng kết hợp để mang lại hiệu quả cao nhất” – ông Bình nói. Ngoài ra ông còn cải tạo thêm 2 sào đất để trồng bưởi da xanh. Với những loại cây trái và con vật nuôi trong vườn, mỗi năm đem lại cho ông thu nhập gần 500 triệu đồng. 

    Ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Sông Trà nhận xét, ông Bình là cựu chiến binh không chỉ làm tốt công tác do địa phương giao mà còn là một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động đồng bào thiểu số trên địa bàn. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU