Trang chủPhóng sựCầu Nước Oa xuống cấp nghiêm trọng

    Cầu Nước Oa xuống cấp nghiêm trọng

     

    Cầu Nước Oa (xã Trà Tân, Bắc Trà My) được đầu tư xây dụng từ năm 2007. Đến nay, cây cầu này đã xuống cấp trầm trọng, rất cần được xây dựng mới.

    Cầu Nước Oa xuống cấp trầm trọng khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: L.D
    Cầu Nước Oa xuống cấp trầm trọng khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: L.D

    Hơn 3 năm nay, bà Đinh Thị Tình (thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) ngày ngày vẫn đi lại trên cây cầu bắc qua sông Nước Oa đã xuống cấp trầm trọng. Mùa mưa lũ năm 2016, hai đầu cầu bị sạt lở khiến mặt cầu nứt và sụt lún nghiêm trọng. Hàng ngày, học sinh vẫn phải qua lại cây cầu này để đi học, người dân vẫn phải qua cầu để đi làm. Xe tải chở nặng không thể qua cầu, việc vận chuyển hàng hóa, khai thác keo nguyên liệu của người dân xã Trà Tân, Trà Sơn gặp rất nhiều khó khăn.

    Bà Tình nói: “Cây cầu xuống cấp 3 năm rồi, bà con cũng kiến nghị với xã, huyện trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng huyện không có tiền để làm, phải xin tỉnh, xin Trung ương mới đủ tiền xây dựng. Dân chúng tôi thì không rõ lắm, nhưng hàng ngày phải đi trên cây cầu này; mùa nắng ráo tụi nhỏ đi học một mình cũng được, nhưng mùa mưa lũ phải có người lớn đi cùng vì nguy hiểm lắm!”.

    Cùng chung nỗi lo này, ông Đinh Văn Tình (thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) cho rằng, nhân dân rất mong Nhà nước đầu tư xây dựng lại cây cầu để mọi người qua lại, vận chuyển được gỗ keo ra ngoài bán với giá cả tốt hơn. Hiện cầu bị gãy, xe tải không dám đi qua nên người dân Trà Sơn khai thác keo phải vận chuyển qua bên kia cầu bằng phương tiện thô sơ như xe bò, xe kéo tay hoặc vác qua. Ông Tình nói: “Mỗi lần khai thác keo người dân rất khổ, vì không có đường vận chuyển nên giá bán keo xuống thấp, tiền công vận chuyển đã chiếm phần lớn rồi. Trồng keo, khai thác không được hoặc phải bán giá rất thấp, không bù nổi chi phí; trồng sắn với diện tích lớn cũng phải vận chuyển bằng xe máy qua bên kia cầu mới có xe tải chở, nên giá cũng thấp. Chúng tôi rất mong cây cầu được sửa chữa lại để người dân có con đường đi thuận tiện, bán được gỗ keo, sản phẩm nông nghiệp”.

    Theo UBND xã Trà Tân, cầu Nước Oa được xây dựng từ năm 2007, với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng. Qua hơn 10 năm sử dụng, giờ đây cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa lũ năm 2016 đã khiến hai bên chân cầu bị sụt lún, mặt cầu nứt gãy, rất cần được xây dựng lại. Huyện Bắc Trà My đã nhiều lần khảo sát, lấy ý kiến nhân dân về đầu tư xây dựng cây cầu mới. Nhưng với một huyện miền núi nghèo, kinh phí xây dựng nằm ngoài khả năng của huyện. Xã Trà Tân và xã Trà Sơn đã nhiều lần kiến nghị, nhân dân cũng rất mong muốn được xây dựng cầu.

    Ông Phạm Mạnh Cường – Chủ tịch UBND xã Trà Tân cho biết: “Sau khi cầu hư hỏng, địa phương cũng đề xuất sửa chữa đầu mố bên này, đã làm lại hai lần, mỗi lần mưa lũ lại hư hỏng. Vào mùa mưa bão, nếu tuyến quốc lộ 40B bị chia cắt thì xã Trà Sơn không qua được bên này, mà hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My cũng bị cách trở, ảnh hưởng trực tiếp đến khu di tích lịch sử Nước Oa”. Bởi hai bên mố cầu đang xuất hiện những vết nứt mới và khu vực sụt lún của mặt cầu ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước thực tế này, xã Trà Tân, xã Trà Sơn và huyện Bắc Trà My đã khuyến cáo bà con cẩn thận khi lưu thông qua cây cầu này. (Nguồn: baoquangnam.vn)

    Bình chọn

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    ĐỌC NHIỀU